"Lách luật", lừa khách hàng cho vay với lãi suất cao
Gần đây, tại Hà Nội và một số địa phương xuất hiện hàng loạt hệ thống cầm đồ của Công ty Cổ phần kinh doanh F88 được quảng cáo rầm rộ với tiêu đề “cầm đồ kiểu Mỹ”.
Ngay khi vừa thành lập, hệ thống này đã hạ quyết tâm mang lại “diện mạo” mới cho “ngành” cầm đồ tại Việt Nam. Tuy nhiên, qua phản ánh của nhiều khách hàng cho thấy, hình thức hoạt động của hệ thống này đang tồn tại nhiều bất ổn.
Cho vay với lãi suất “cắt cổ”
Được thành lập từ năm 2013, có trụ sở đăng ký kinh doanh tại phòng 206, tầng M, tòa nhà N01A, số 275, đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân (Hà Nội), hệ thống cầm đồ toàn quốc của Công ty Cổ phần kinh doanh F88 (gọi tắt là Công ty F88) tự quảng cáo rầm rộ hướng tới mục tiêu “thay đổi định kiến của xã hội đối với ngành nghề cầm đồ truyền thống”.
Cộng với sự hậu thuẫn nguồn tài chính tới từ Mekong Enterprise Fund III (MEF III) của Mekong Capital-một quỹ đầu tư nước ngoài, Công ty F88 không ngần ngại tự giới thiệu mình là “đơn vị đi tiên phong tại thị trường cầm đồ Việt Nam với mô hình hệ thống cầm đồ toàn quốc”.
Hiện Công ty F88 đã mở 15 cửa hàng tại vị trí đẹp nhất, diện tích lớn, nhận diện nổi bật để mở cửa hàng nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố lớn, bao gồm: Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Thanh Hóa, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh.
Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều khách hàng, "núp" dưới vỏ bọc hoành tráng bề ngoài, thực chất hoạt động bên trong của hệ thống này chính là cho vay cầm đồ theo kiểu “tín dụng đen”.
Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017 quy định tại Khoản 1, Điều 468 về lãi suất, mức lãi suất vay tiền cũng theo thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm (nếu thỏa thuận không rõ thì sẽ là 10%/năm).
Tuy nhiên, trong vai một khách hàng đi vay, chúng tôi đã gọi điện tới tổng đài 18006388 của Công ty F88 thì được nhân viên tư vấn cho biết: Hiện Công ty F88 đang cho vay với lãi suất dao động từ 1.500 đến 2.000 đồng/1 triệu/ngày (tương đương 4,5 - 6%/tháng hay 54 - 72%/năm).
Như vậy, mức lãi suất mà Công ty F88 đang áp dụng cao gấp từ 2,7 đến 3,6 lần so với quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, nếu so về chi phí vay thì Công ty F88 hiện áp dụng mức lãi suất cao hơn so với nhiều “đồng nghiệp” khi áp dụng mặt khung lãi suất cho vay từ 4,5 đến 6%/tháng; trong khi nhiều cơ sở cầm đồ khác đang cho vay với lãi suất từ 3 đến 4,5%/tháng.
Một cửa hàng trong hệ thống cầm đồ toàn quốc của Công ty F88. Ảnh: Gia Nhân
Khách hàng trăm đường chịu thiệt
Ngoài những lời quảng cáo như: Nhanh chóng-tin cậy-thân thiện, ông Phùng Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty F88 còn tuyên bố: “Chúng tôi sẽ làm thay đổi ngành cầm đồ Việt Nam”.
Thực tế lại khác xa khi mà phản ánh của người dân cho rằng không chỉ cho vay với giá “cắt cổ", Công ty F88 còn bắt các “thượng đế” của mình phải thế chấp tài sản và được vay tối đa 80% giá trị của tài sản thế chấp.
Trong khi đó, nếu đi vay với hình thức thế chấp tại các ngân hàng thì khách hàng có thể chỉ phải trả mức lãi suất dưới 15%/năm, khoảng 1,2%/tháng.
Nhiều khách hàng đã vay tín dụng của Công ty F88 cho rằng, hệ thống cầm đồ đang hoạt động với mức lãi suất cao như chợ đen nhưng lại yêu cầu khách hàng phải có tài sản thế chấp. Anh Nguyễn Thái Bình ở quận Thanh Xuân (Hà Nội) chỉ bằng vài nhấp chuột trên website của Công ty F88 đã được trả lời hoàn tất thiết lập khoản vay.
Trong vòng vài phút khi gửi yêu cầu vay tiền, anh Bình đã được tư vấn viên của Công ty F88 chủ động gọi điện thoại và nhắn tin để trao đổi kỹ hơn. Cụ thể, anh được nhân viên Công ty F88 cho biết mức lãi suất cầm đồ đang áp dụng tại hệ thống của công ty là 4,5-6%/tháng, tương đương với lãi suất ngày dao động từ 1.500 đến 2.000 đồng/1 triệu/ngày.
Với nhu cầu vay 10 triệu trong vòng 1 tháng và sử dụng xe máy làm tài sản thế chấp, anh Bình được hướng dẫn phải chuẩn bị sẵn xe, đăng ký xe và chứng minh thư nhân dân bản gốc để thực hiện thủ tục vay. Khi làm thủ tục vay tiền, Công ty F88 sẽ giữ đăng ký xe và chỉ trả lại chứng minh thư nhân dân.
Hiện Công ty F88 niêm yết lãi suất cho vay ở mức 1,1%/tháng, tương đương hơn 13%/năm để tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành về điều kiện kinh doanh dịch vụ cầm đồ và trần lãi suất.
Song nếu chỉ nhìn vào con số này sẽ thấy lãi suất cho vay của Công ty F88 khá “dễ thở” vì chỉ chênh lệch không nhiều so với hệ thống ngân hàng mà thủ tục, thời gian giải ngân lại hết sức nhanh gọn, thường chỉ dao động từ 10 đến 20 phút đối với các tài sản cầm cố đơn giản, có giá trị nhỏ.
Tuy nhiên, đây không phải toàn bộ chi phí vay mà khách hàng phải bỏ ra để thực hiện giao dịch. Vì cùng với mức lãi suất khá “nhẹ nhàng” này, tại điều 2 của bản hợp đồng cho vay cầm cố mà phía Công ty F88 đưa đối với mỗi khách hàng sẽ có điều khoản phải trả thêm 1,4%/tháng tiền “phí thẩm định điều kiện cho vay” và 3,5%/tháng tiền “phí lưu giữ tài sản cầm cố”.
Như vậy, tổng chi phí mà mỗi khách hàng phải trả để vay tiền từ hệ thống của Công ty F88 lên tới 6%/tháng, tương đương 72%/năm, cao gấp 3,6 lần so với quy định hiện hành của pháp luật về mức trần lãi suất là 20%/năm.
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Vũ Xuân Nam, Giám đốc Công ty TNHH Luật Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho rằng: “Việc bóc tách lãi suất và các khoản phụ phí của Công ty F88 là hình thức lách luật, gây thiệt hại cho khách hàng. Bản chất của việc làm này không khác gì cho vay lãi suất cao”.
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, để tránh những thiệt hại cho bản thân, khách hàng cần quan tâm đến những vấn đề pháp lý liên quan trước khi có ý định vay để vừa bảo vệ bản thân, vừa chủ động hướng xử lý khi có phát sinh tranh chấp. Bên cạnh đó phải tìm hiểu về thực lực và uy tín của doanh nghiệp để tránh thua thiệt khi vay tiền.