Lá tắm hỗ trợ chữa tay chân miệng chỉ 3 ngày là khỏi của y sĩ ở Lạng Sơn
Bài thuốc nam của y sỹ Nguyễn Văn Chắt (59 tuổi, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn) hỗ trợ chữa cho hàng trăm ca mắc tay chân miệng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, TP. Hà Nội và nhiều tỉnh khác.
Bài thuốc nam của y sỹ Nguyễn Văn Chắt đã chữa khỏi hoàn toàn cho hàng trăm ca mắc tay chân miệng
Thời gian gần đây, bệnh tay chân miệng đang bùng phát mạnh, đặc biệt tại một số tỉnh thành phố ở phía Nam. Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, số ca mắc tay chân miệng trong cả nước tính đến ngày 1/10 là 53.500 trường hợp, trong đó đến gần 26.000 ca phải nhập viện điều trị, 6 trẻ đã tử vong.
Trước lo lắng của nhiều bậc phụ huynh, trên một số diễn đàn cho mẹ và bé, các mẹ bỉm sữa đã truyền tay nhau bài thuốc nam hỗ trợ điều trị tay chân miệng chỉ trong 3 ngày do một y sĩ ở Lạng Sơn bào chế.
Theo chia sẻ của chị Nguyễn Bích Phương: "Ong được phát hiện bị tay chân miệng ngày hôm kia, khi quanh mồm và 2 má bạn ấy là mọc nhiều mụn nhất, đến cổ, nách, bẹn, trong miệng lốm đốm nốt đỏ. Mẹ có cho bạn ấy uống vitamin C và bôi kem Su bạc nhưng nốt vẫn mọc, tuy tốc độ có chậm.
Sau 1 lần tắm lá thuốc, Ong ko bị mọc nốt nữa, lần thứ 2 tắm nốt nhỏ li ti đã bay, nốt to mọng nước thì đã xẹp. Trưa mẹ tắm lần thứ 3 xong đến tối nay bất ngờ thấy bạn ấy nhẵn nhụi không còn dấu vết gì".
Chia sẻ của bà mẹ có con bị tay chân miệng
Chia sẻ với Đời sống Plus, ông Nguyễn Văn Chắt người bào chế bài thuốc cho biết: "Bệnh tay chân miệng là bệnh do virus, mà virus thì không có thuốc chữa. Tuy nhiên, căn bệnh này có thể dùng thuốc nam hỗ trợ điều trị các triệu chứng, giúp tiêu độc trong cơ thể trẻ, để các mụn nước, phát ban trên da nhanh lành".
Được biết ông Chắt là y sỹ chuyên ngành Y học cổ truyền trong quân đội hơn 10 năm, hiện đã chuyển ngạch về làm Phó trưởng trạm Y tế thị Trấn Bắc Sơn (huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn). Hơn ba chục năm làm thuốc chữa bệnh, ông Chắt không thể nhớ hết có bao nhiêu ca bệnh tay chân miệng đã được ông bốc thuốc nam hỗ trợ, tắm cho các bé làm giảm những nốt mụn trên cơ thể.
Được biết, bài thuốc của ông khá tác dụng và đã hỗ trợ cho con cháu của bạn bè, đồng nghiệp thậm chí là các cha mẹ ở nhiều tỉnh quanh Lạng Sơn cũng như Hà Nội rút ngắn thời gian chữa bệnh chân tay miệng cho trẻ.
Theo lời y sỹ Chắt, thang thuốc tắm cho trẻ có sự kế thừa các vị thuốc nam được cha ông sử dụng từ lâu. Tuy nhiên, ông không chỉ biết kế thừa mà còn tiếp thu những tinh hoa, để phát triển bài thuốc cho phù hợp.
"Trong quá trình học tập và công tác, tôi đã giành rất nhiều thời gian nghiên cứu khoa học, sách vở để tìm hiểu công dụng, cách kết hợp các loại cây thuốc nam sao cho phù hợp, mang lại hiệu quả tốt nhất cho từng bệnh.
Với bệnh tay chân miệng, tôi khuyên các bậc cha mẹ nên đưa đến cơ sở y tế tham khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, việc tắm lá cho con là phương pháp hỗ trợ. Chính nhờ vậy mà các trẻ tắm lá đều mang lại hiệu quả tốt' - y sỹ Chắt cho biết.
Nhiều mẹ bỉm sữa đã truyền tay nhau bài thuốc nam hỗ trợ điều trị tay chân miệng chỉ trong 3 ngày
Thành phần bài thuốc:
Vỏ cây núc nác (cây hoàng bá nam) 200g; cành lá cây kim ngân 100g; cành lá cây cơm nguội 100g; lá cây chè vằng 50g; lá cây mắc nhàu 100g.
Các cây thuốc đều được thái nhỏ, phơi khô. Khi sử dụng cần rửa qua nước để làm sạch bụi trong quá trình phơi, sau đó mới cho vào nồi, đổ một lượng nước đủ tắm cho bé. Sau khi đun sôi 20 phút chắt 1 cốc nước khoảng 50ml để cho bé uống 3-4 lần/ngày. Còn lại để nước đủ ấm tắm và gội cho bé.
Ngoài ra, có thể dùng nước thuốc đã đun chấm vào những chỗ có mụn trên cơ thể bé 1-2 lần/ngày giúp các vết mụn nhanh lành.
Theo y sỹ Chắt, bài thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu viêm. Tác dụng thanh nhiệt vì khi bị tay chân miệng bé sẽ sốt, cần có cây thuốc giúp hạ nhiệt cho cơ thể. Sau đó dùng cây thuốc có tính chất giải độc, tiêu viêm sẽ khiến cho các vết lở loét se lại, không bị viêm nhiễm.
Cây núc nác là có tính kháng sinh, chữa ngứa, dị ứng. Cây chè vằng giúp nhanh lành vết thương, tái tạo tế bào non, thanh nhiệt, phòng ngừa mụn nhọt cho cơ thể, thải độc gan. Cây cơm nguội có tính mát giúp hạ sốt cho trẻ, và có tác dụng giảm đau. Cây Kim ngân là cây thuốc quý làm mát tiêu viêm, thanh nhiệt, giải độc.
5 cây thuốc này khi kết hợp với nhau có thể giúp hỗ trợ điều trị tay chân miệng rất hiệu quả.
Trước tình hình bệnh tay chân miệng đang vào mùa, số ca nhập viện tăng nhanh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau: - Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ. - Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng. - Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. - Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. - Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh. - Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. |
Xem thêm bệnh viện nhi ở Sài Gòn vỡ trận vì dịch chồng dịch