Kịp thời cứu sống 2 bệnh nhi bị rắn lục đuôi đỏ cắn
Mới đây, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi kịp thời cứu sống 2 bệnh nhi ở huyện Sơn Tây và Trà Bồng bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Một bệnh nhi bị rắn lục đuôi đỏ cắn đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVSNQN
Ngày 11/11, thông tin từ Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi cho biết, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện này vừa kịp thời cứu sống 2 bệnh nhi ở huyện Sơn Tây và Trà Bồng bị rắn lục đuôi đỏ cắn.
Điển hình là trường hợp cháu Đ.L.D. (11 tuổi, trú tại Sơn Dung, Sơn Tây, Quảng Ngãi). Tại thời điểm vào viện cấp cứu, cơ thể cháu D. phù nề, bóng nước, ra máu, hoại tử chỗ vết rắn cắn ở tay. Ngay lập tức, bệnh nhi đã được truyền huyết thanh kháng độc nọc rắn liên tục. Hiện tại, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, chỉ số sinh tồn ổn định, đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tại bệnh viện.
Rắn lục đuôi đỏ là một trong số các loài rắn có nọc độc cực mạnh. Mức độ độc của nó chỉ đứng sau loài rắn hổ mang chúa. Đặc biệt, khi mang bầu, rắn mẹ có nọc độc cao hơn bình thường. Trong nọc rắn có hơn 20 thành phần khác nhau, hơn nữa, vết cắn của loài rắn này thường bị chảy máu nhiều và sưng rất nhanh.
Khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, bệnh nhân có thể gặp các hiện tượng như tan máu, phù nề, nhiễm độc thần kinh, liệt hô hấp, trụy tim mạch. Nếu không được sơ cứu đúng cách và cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể bị sốc tâm lý, chất độc di chuyển nhanh đến tim, rối loạn đông máu và dẫn đến mất mạng.
Do vậy, khi bị rắn lục đuôi đỏ cắn, nạn nhân và những người xung quanh cần giữ bình tĩnh để sơ cứu đúng một cách nhanh chóng nhằm giải quyết các tình trạng đau nhức, sưng nề, xuất huyết, tán huyết, hoại tử…
Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bị rắn lục đuôi đỏ cắn có thể tử vong. Ảnh minh họa
Trao đổi với VTV news, bác sĩ Trần Đình Điệp, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hiện nay đã bước vào mùa mưa, ở huyện miền núi thường xuất hiện rắn lục đầu đỏ, người dân nên đề phòng khi đi qua các bụi rậm, đi đêm phải có đèn pin.
Chính vì thế, bác sĩ Điệp khuyến cáo, nếu chẳng may bị rắn độc cắn thì người dân phải nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để xử lý, dùng huyết thanh kháng độc nọc rắn theo đúng quy định.
Theo các bác sĩ, để phòng tránh bị rắn lục đuôi đỏ tấn công, người dân cần chú ý dọn dẹp xung quanh nhà, cắt ngắn cỏ, phát quang bụi rậm bởi đây có thể trở thành nơi trú ngụ của rắn lục đuôi đỏ. Bên cạnh đó, giữ nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ, diệt, loại bỏ chuột và các côn trùng bởi đây là những con mồi yêu thích của loài rắn lục đuôi đỏ.
Đồng thời, kiểm tra kỹ các kẽ nứt, khe hở xung quanh nhà bởi đó cũng chính là nơi mà những con rắn lục đuôi đỏ hay lẩn trốn. Trồng các loại cây như sả, sắn dây, hoa lan tỏi… để ngăn không cho rắn lục đuôi đỏ đến gần.