Không khí ô nhiễm: Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam cảnh báo khẩn
Trước thực trạng ô nhiễm cực nghiêm trọng những ngày qua, Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam đã đưa ra khuyến cáo khẩn, đặc biệt với người già và trẻ nhỏ.
Những ngày đầu tháng 12/2019, chỉ số chất lượng không khí (chỉ số AQI) mà các ứng dụng trực tuyến cũng như cơ quan chức năng đo được tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM ở ngưỡng xấu, có thể gây nguy hại đến sức khỏe con người.
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Ảnh minh họa
Theo thống kê của WHO, ảnh hưởng của ô nhiễm với cuộc sống con người đã khiến hơn 6 triệu người tử vong mỗi năm, trong đó khoảng 1,7 triệu nạn nhân là trẻ em dưới 5 tuổi.
Tác hại với trẻ nhỏ:
Việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí có thể làm tổn hại chức năng phổi của trẻ hoặc làm cản trở chức năng phổi phát triển.
Các nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng thuyết phục rằng trẻ em tiếp xúc với ô nhiễm không khí trước khi sinh có liên quan đến suy giảm sự phát triển của phổi và chức năng phổi trong thời thơ ấu.
Ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy, việc trẻ em bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí trước khi sinh và sau khi sinh đều nguy hiểm.
Ô nhiễm không khí có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh của trẻ, dẫn đến nhận thức thấp hơn. Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí còn ảnh hưởng đến sự phát triển của hành vi các rối loạn như rối loạn phổ tự kỷ và rối loạn tăng động giảm chú ý.
Nhiều nghiên cứu đưa ra bằng chứng thuyết phục rằng việc tiếp xúc với ô nhiễm không khí sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hô hấp cấp tính (ALRI) ở trẻ em. Có bằng chứng thuyết phục cho thấy, việc tiếp xúc với các chất gây ô nhiễm không khí như PM2.5, NO2 và O3 có liên quan đến viêm phổi và nhiễm trùng đường hô hấp khác ở trẻ nhỏ.
Thông qua số liệu thu thập từ các phương tiện khác nhau, từ cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn, Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam xin đưa ra các khuyến nghị – hướng dẫn để người dân tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng như sau:
Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Khuyến nghị chung ở các vùng có không khí ô nhiễm:
Mọi người dân hạn chế các chương trình vận động, tập thể dục ngoài trời.
Nếu có việc phải đi ra ngoài thì mang theo khẩu trang, áo chống bụi.
Ở nhà hạn chế mở cửa, cửa sổ, nếu có điều kiện thì nên sử dụng máy lọc khí.
Với người có sức khỏe kém hoặc các bệnh về hô hấp...
Không đến các khu vực được cảnh báo có chất lượng không khí kém.
Hạn chế ra ngoài trời nếu không có việc thực sự cần thiết.
Vệ sinh mắt, mũi, cổ họng bằng các dung dịch vệ sinh đạt tiêu chuẩn.
Với người cao tuổi:
Hạn chế tập thể dục bằng phương pháp đi bộ hoặc tập dưỡng sinh ngoài trời.
Ưu tiên các bài tập thể dục tại chỗ, dưỡng sinh, thiền, yoga trong nhà.
Kêu gọi, làm gương cho con cháu hạn chế sử dụng than, bếp than tổ ong, thay thế bằng bếp gas, bếp từ, hồng ngoại.
Một số biện pháp bảo vệ trẻ nhỏ khi ô nhiễm không khí gia tăng
Từ khi bắt đầu mang thai, người mẹ cần chú trọng ngay tới việc bảo vệ sức khỏe mẹ và thai nhi khỏi ô nhiễm không khí bằng cách giảm tiếp xúc với các chất ô nhiễm.
Trồng thêm cây xanh có chức năng lọc không khí xung quanh nhà như cây tùng tuyết, cây sống đời, cây họ cam quýt, cây lan ý, cây trầu bà…
Dùng khẩu trang có chức năng lọc không khí khi ra đường hoặc mặt nạ chống độc.
Trẻ em nên đeo khẩu trang mỗi khi ra đường và tránh ra khỏi nhà vào những thời điểm ô nhiễm không khí bị báo động.
Các trung tâm, viện nghiên cứu thuộc Hội đẩy mạnh các đề tài nghiên cứu nhằm đưa ra các giải pháp thiết thực để đóng góp ý kiến cho các cơ quan chức năng trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí, bảo vệ sức khỏe người dân.