Khóc, cười xét nghiệm ADN: Bị vợ bé lừa dối gần 20 năm, người đàn ông dằn vặt khi trở thành kẻ phản bội

20-02-2017 07:56:45

Cầm chiếc phong bì đựng phiếu kết quả trên tay, ông bố mở ra xem, mặt mũi tái dần đi trước sự bình thản của cô con gái.

LTS: Đây là những câu chuyện có thật của nhân viên làm việc lâu năm tại một trung tâm xét nghiệm ADN nổi tiếng. Những câu chuyện này khiến nhiều người bất ngờ bởi những tình tiết quá đỗi tréo nghoe, trái ngang, cay đắng...

Trước khi nghỉ Tết Ất Mùi, tôi đã gặp và làm việc với người đàn ông hành nghề bốc thuốc nam ở một làng quê không xa Hà Nội. Câu chuyện của ông khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, có những lúc tôi rất muốn gọi điện thăm hỏi ông trong những ngày đón năm mới liệu có được bình yên không...

Mặc dù không phải là nghề gia truyền, nhưng với tay nghề cao, danh tiếng của ông cũng được nhiều người biết đến là một lương y mát tay bốc thuốc, trị bệnh cho bà con trong và ngoài tỉnh. Năm người con của ông đã phương trưởng, biết bảo ban, hỗ trợ nhau làm ăn nên đều thuộc thành phần khá giả.

Gia đình ông được làng xóm coi là hình mẫu của cuộc sống “tứ đại đồng đường” mà vẫn yên ấm hòa thuận. Bố đẻ ông ngoài 90 vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh; vợ chồng ông sống với gia đình cậu con trai út có hai cháu nội đầy đủ nếp tẻ. Bên ngoài nhìn vào cuộc sống gia đình ông tưởng như mọi bề tốt đẹp, nhưng thực ra bên trong là những đợt sóng ngầm.

Bỏ bê vợ con vì mái ấm thứ hai

Cách đây hơn 20 năm, thời còn khó khăn, vùng quê thuần nông của ông ít nhà đủ ăn đủ mặc. Ông phải tìm cách đi làm ăn, buôn bán hàng lâm thổ sản ở miền ngược về xuôi để kiếm chút lời lãi nuôi đàn con nhỏ. Những chuyến ngược tàu lên miền núi, lang thang khắp các bản làng để gom hàng, ông gặp một người phụ nữ quá lứa nhỡ thì ở một xóm đồi.

Mới đầu, người phụ nữ đó chỉ giúp ông giao dịch với bà con dân tộc (vì ông không thạo tiếng dân tộc thiểu số), rồi tập kết hàng hóa những lúc ông chưa kịp lên. Dần dần, sự gắn bó trong công việc đã khiến hai người nảy sinh tình cảm.

Xét nghiệm ADN và những câu chuyện dở khóc dở cười. Ảnh minh họa

Lúc này, người vợ ở quê đang mang thai đứa con thứ 5, công việc đồng áng nặng nhọc cùng những trách nhiệm với gia đình, họ hàng khiến bà trở nên khó tính, hay cáu gắt. Trong khi người đàn bà kia lại luôn tận tụy chiều chuộng, lúc nào cũng cung phụng cơm dẻo canh ngọt, ông như bị bỏ bùa mê, cứ hút về phía đó đến mức bỏ quên trách nhiệm làm chồng, làm cha lúc nào không hay.

Khi vợ sinh con trai út, ông không có mặt ở nhà vì còn bận bịu chăm sóc nhân tình bụng mang dạ chửa, hai người ăn ở với nhau công khai như vợ chồng. Tiền lãi từ việc buôn bán ông giao hết cho bà thứ hai, không gửi một xu nào về cho vợ con ở quê.

Một mình bà vợ cả thắt lưng buộc bụng nuôi 5 đứa con tuổi ăn tuổi lớn. Cậu con cả phải nghỉ học từ lớp 9, giúp mẹ làm đồng lấy gạo nuôi em, ba cô con gái ở giữa cũng phải lao động kiếm tiền từ nhỏ. Hàng ngày bà khua các con dậy từ sáng sớm, đứa nấu cám lợn, đứa chằm nón lá, đứa vót nan đan quạt rồi ăn vội bát cơm độn khoai sắn để kịp giờ chạy đến trường học.

Cậu con trai út từ lúc mới sinh đã chịu nhiều thiệt thòi vì bố không hề quan tâm, ngay cả ngày tết ông về thắp hương cúng bái tổ tiên cũng không bao giờ mua được cho con một đồng quà tấm bánh. Suốt những năm tháng cực nhọc với cuộc sống mưu sinh đó, mấy mẹ con bà vợ cả đùm bọc nuôi nhau, không một lần mở miệng cậy nhờ ông.

Rồi những ngày khốn khó cũng qua đi, các con khôn lớn, biết cách làm kinh tế nên đời sống khá giả dần lên, bà không còn vất vả khuya sớm với đồng ruộng nữa. Không phải lo nghĩ đến chuyện tiền bạc, nhưng trong lòng bà lúc nào cũng canh cánh một điều là các con không được ăn học đến nơi đến chốn, cả nhà chỉ có mình cậu con út tốt nghiệp cấp ba.

Tuy không nói ra mà bà biết các con đều mang một nỗi hận trong lòng, vì bố bỏ bê gia đình nên con cái không được học hành tử tế, sau này dẫu có làm ăn giàu có cũng vẫn mặc cảm là người ít học. Vốn là người chịu ảnh hưởng của lối giáo dục cổ xưa, bà không bao giờ trách móc, oán hận người chồng bội bạc của mình và cũng không nhồi nhét vào đầu óc con cái những tư tưởng xấu về bố chúng.

Bà luôn dạy bảo các con kính trọng gia tộc bên nhà nội, khi bố về vẫn chào hỏi, thưa gửi lễ phép chứ không được tỏ thái độ hỗn xược, láo lếu vì dù thế nào thì ông cũng giữ vai trò trưởng tộc cho nên thể diện trước họ hàng, làng xóm vẫn quan trọng hơn cả.

Gần 20 năm bỏ bẵng gia đình, bỗng một ngày ông được bố đẻ gọi về, nhắc nhở đến ý thức, trách nhiệm của mình với dòng họ. Không thể làm trái những quy định của dòng họ, ông đành tạm xa gia đình thứ hai để trở về quê nhang khói, chăm sóc mồ mả tổ tiên.

Ông nhờ bố mẹ đẻ và những người có uy tín trong họ đứng ra thuyết phục vợ và các con bỏ qua chuyện cũ, chấp nhận ông trở về như một người đàn ông trụ cột trong gia đình. Con cái đều đã lớn và có cuộc sống riêng nên không ai ngăn cản chuyện đoàn tụ của bố mẹ.

Cuộc trở về được thu xếp êm ấm hơn mong đợi khiến ông muôn phần ân hận khi nghĩ lại những ngày bỏ mặc vợ con trong cảnh nheo nhóc. Ông muốn làm lại từ đầu để bù đắp những thiệt thòi mà bà vợ cả đã phải chịu đựng…

Những năm sống trên vùng núi, ông học được các bài thuốc chữa bệnh của người dân tộc nên mở một phòng mạch tại nhà. Nhiều người trong vùng được chữa khỏi một số căn bệnh như dạ dày, gan thận, phụ nữ hiếm muộn đến bốc thuốc đã có con, đàn ông bất lực, yếu sinh lí được điều trị có hiệu quả tốt.

Cứ như vậy, tiếng lành đồn xa, phòng mạch của ông đông khách dần và kéo theo cả những bệnh nhân ở phương xa đến khám chữa bệnh. Bà vợ cả không phải người hẹp hòi, vẫn để ông qua lại thăm nom và thể hiện trách nhiệm với bà thứ hai cùng đứa con của hai người.

Người đàn ông lặng người khi biết sự thật chôn vùi 20 năm. Ảnh minh họa

Sự thật cay đắng chôn vùi gần 20 năm

Thật không may, khi ông đoàn tụ với bà vợ cả được gần hai năm thì bà hai bị cảm đột ngột và qua đời, để lại cậu con trai chưa kịp lập gia đình. Lúc này ông rất muốn đưa con riêng về ở cùng để tiện chăm lo và cũng muốn các con nhận anh chị em, nhưng khi vừa đưa ra ý định đó, không ngờ ông gặp phải sự phản đối quyết liệt của người con gái thứ hai khi gặp mặt cậu kia.

Cô ấy lấy lý do không chấp nhận ông đưa con riêng về để sau này chia sẻ một phần đất đai, tài sản do bàn tay của mấy mẹ con bao năm vất vả gây dựng. Sau nhiều ngày dùng tình cảm thuyết phục con gái, ông nhận được sự đồng thuận của cả gia đình, chỉ với một điều kiện là đi làm thủ tục xét nghiệm ADN, nếu đúng là con ông thì các anh chị sẵn sàng bao bọc, giúp đỡ tạo điều kiện làm ăn tốt hơn.

Dù rất bất ngờ trước điều kiện của các con đưa ra, nhưng ông đành phải làm theo cách đó. Ngày đến gặp tôi tại văn phòng Trung tâm Phân tích AND, ông đi cùng cậu con riêng và cô con gái thứ hai.

Tôi phải tiến hành thu mẫu trước sự chứng kiến của cô ấy, ghi rõ lịch hẹn trả kết quả để cô và bố mình cùng đi nhận. Những ngày giáp tết ai cũng bận rộn, nhưng đến ngày hẹn, cô đã lái xe đưa bố đến văn phòng của tôi đúng giờ làm việc buổi sáng.

Cầm chiếc phong bì đựng phiếu kết quả trên tay, ông bố mở ra xem, mặt mũi tái dần đi trước sự bình thản của cô con gái. Dường như cô dự đoán trước được tình huống này: kết quả xét nghiệm ADN cho thấy ông và cậu kia không phải bố con. Cô đưa ông ra xe, chào tạm biệt tôi một cách nhẹ nhàng.

Ngay tối hôm đó, tôi nhận được điện thoại của ông. Giọng ông nói như người hụt hơi, ông bảo bây giờ đang rất đau lòng và khó xử. Đau lòng vì đã bị người vợ quá cố lừa dối suốt 20 năm, khiến cho ông trở thành kẻ bội bạc, vô tâm với người vợ cả cùng những đứa con tội nghiệp; khó xử vì bấy lâu nay ông vẫn chăm lo, yêu thương đứa con đó bằng tất cả tình phụ tử, nay biết sự thật như thế này, ông vẫn không nỡ lòng nào chối bỏ nó, nhất là khi mẹ nó đã mất, chỉ còn có ông là chỗ dựa duy nhất.

Ông bảo: “Tôi không biết phải làm thế nào nữa, cô ạ. Tết nhất đến nơi rồi mà lại gặp chuyện này, tôi cũng chẳng thể nào mà yên dạ được. Cứ ngỡ là mình thu xếp mọi việc cuối đời được ổn thỏa, ai ngờ lại tan nát ra như thế…”.           

Những ngày tết Nguyên đán đã đi qua, công việc hàng ngày lại diễn ra đều đặn nhưng ngày nào cũng mong nhận được một cuộc gọi hay một tin nhắn báo rằng mọi điều đã được giải quyết theo cách tốt đẹp nhất từ người đàn ông xấp xỉ tuổi 70 đó. Nhưng trong những tình huống tương tự thế này, mong ước của tôi đôi khi vẫn chỉ dừng lại là điều ước mong.

(Còn nữa)

Phong Lan (ghi theo lời nhân vật)
Theo Đời sống Plus //