Khi không thể chung đường, xin đừng 'bêu xấu' nhau trước bàn dân thiên hạ!
Khi nghèo khó, con người ta có thể cùng nhau vượt qua bao giông bão. Nhưng khi tưởng đã đủ đầy, người ta lại không ngần ngại 'bêu xấu' nhau trước bàn dân thiên hạ. Trên đời này, có tổn thương nào hơn thế?
Quy luật của đời thường, khi khó khăn con người ta sẽ cùng nhau vượt qua giông bão, sẽ lấy bản năng bao bọc của mình để ôm lấy người mình yêu thương, che chở cho họ trước những phong ba bão táp của cuộc đời, để họ an toàn trong vùng trời bình yên và tự do tỏa sáng.
Và chính trong những khó khăn, gian khổ đó mà họ đã xích lại gần nhau, yêu thương nhau nhiều hơn, nỗ lực vì giấc mơ chung mà mạnh mẽ đương đầu cùng số phận.
Thế nhưng, cũng có không ít người không theo quy luật của đất trời "sau cơn mưa trời lại sáng". Nếu như trong những tháng năm nghèo đói nhất, họ đã "đồng cam cộng khổ" với nhau thì khi trời quang mây tạnh, giông bão đi qua, kỳ lạ thay, họ lại xa nhau chỉ vì những lý do quá nhỏ bé. Có vẻ như, khi bình yên đến thì người ta lại thường quên đi những lời thề trong giông bão.
Gần đây, MXH đang xôn xao về một mối tình 20 năm đẹp như một giấc mơ của một cặp vợ chồng doanh nhân được gọi là thành đạt nhất Việt Nam Câu chuyện tình tựa như một trang thiên tình sử, với sự khởi đầu đẹp đến nao lòng. Nhưng giấc mơ có khi nào thành hiện thực. Một ngày họ đưa nhau ra tòa, tranh chấp, đòi lại những gì đã cùng nhau tạo dựng từ cái thủa còn mặn nồng gian khó đó.
Bao năm ân ái, giờ chỉ vì những điều hết sức phù phiếm mà sẵn sàng công khai làm tổn thương người mình đang rất mức yêu thương. Dù có thế nào thì lỗi không bao giờ thuộc về một người. Dù có thế nào thì khi đứng lên độc thoại trước công chúng để bắt lỗi người đàn ông của mình cũng là đang đẩy người ấy ra xa hơn.
Người ta vẫn thường nói với nhau rằng, người đàn ông có như thế nào đi nữa thì cuối cùng nơi họ tìm về vẫn sẽ là gia đình, nơi mà có vợ và những đứa con mang dòng máu của họ. Vậy thì, không hà cớ gì mà người phụ nữ không thể bao dung, lặng yên chờ đợi một người cha cho các con, một bờ vai khi quá mệt mỏi sẽ còn chỗ để quay về?
Lòng tự tôn của người đàn ông luôn cao vời vợi, họ sẽ luôn bảo vệ cái tôi của chính mình. Nên khi bị người đã cùng mình đi qua những tháng năm gian khổ, chung một lời hẹn ước, chung những đứa con xinh xắn lại "vạch áo cho người xem lưng" giữa bàn dân thiên hạ?
Trong khi đó, từ muôn đời xưa, người phụ nữ lúc thường chọn cách hy sinh thầm lặng, nuốt nước mắt vào trong chỉ mong chồng và con được khỏe mạnh vui tươi, giành mọi điều thiệt về cho bản thân mà không một câu than trách. "Giàu vì bạn mà sang vì vợ" là để như thế được như thế thôi.
Quả thật, trong mọi thời đại, người thiệt thòi nhất vẫn là người phụ nữ. Nhưng thay vì oán trách cho số phận, họ lại mỉm cười cho sự thành công của chồng và sự khôn lớn của các con. Và cũng có lẽ chính vì thế, điều này đã trở thành nét đẹp truyền thống của phụ nữ Việt.
Đối với một số gia đình, sự đổ vỡ là điều không thể tránh khỏi, và cũng có không ít những tan vỡ không thể hàn gắn. Nhưng, dù có phải kết thúc đi nữa, chúng ta cũng nên để một kết thúc trong bình yên, để khi gặp lại còn có thể mỉm cười, để những năm tháng tươi đẹp kia sẽ thực sự không phải là vô nghĩa. Xa hơn nữa còn là để giáo dục con cái. Bởi lẽ, những đứa trẻ chứng kiến bố mẹ chúng phải chia xa đã là tổn thương quá lớn. Nhưng thật khủng khiếp, khi mà bố mẹ chúng còn "vạch tội" làm tổn thương nhau trước "bàn dân thiên hạ".