"Ông đồ cho chữ trên phố là đồ rởm, không có trình độ''?
Theo Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội Trương Minh Tiến, những ông đồ trên vỉa hè đều là "ông đồ rởm'' tự phát, không có trình độ, lợi dụng việc cho chữ để kiếm tiền.
Chiều ngày 16/1/2017, buổi họp báo Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 đã diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (số 58 đường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội). Phát biểu tại buổi họp báo, ông Trương Minh Tiến - PGĐ Sở VHTT&DL Hà Nội đã thông tin về tiến độ bảo tồn, trùng tu Văn Miếu, bao gồm việc làm sạch tường, quét ve chống mối mọt gây hại di tích.
Cũng trong buổi họp báo, ông Tiến đã thông báo về ngày khac mạc Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 theo sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội. Năm nay, Hội chữ Xuân do Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với Trung tâm hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám và các câu lạc bộ thư pháp tổ chức, nhằm phục vụ nhu cầu xin chữ của nhân dân Thủ đô nhân dịp đầu xuân.
Lễ khai mạc Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 sẽ chính thức diễn ra tại hồ Văn, thuộc Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào hồi 9h ngày 21/1/2017. Triển lãm thư pháp trong Hội chữ Xuân năm nay sẽ xoay quanh chủ đề "tôn sư trọng đạo", một truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Chủ đề này sẽ được các bậc thầy thư pháp thể hiện theo nhiều phong cách khác nhau qua những lời danh ngôn, giáo huấn, thơ văn,... Theo kế hoạch, sẽ có khoảng 30 bức thư pháp theo phong cách chữ Hán - Nôm và chữ Quốc ngữ được giới thiệu đến công chúng nhân dịp này.
Tham gia Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 sẽ có khoảng 100 người viết thư pháp đến từ 13 câu lạc bộ thư pháp và một số người viết thư pháp tự do. Số người tham gia sẽ được chia thành 50 lều (mỗi lều 2 người viết). Những ông đồ cho chữ này đều phải trải qua kỳ sát hạch từ năm trước.
Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017 gắn liền với hình ảnh ông đồ cho chữ. Ảnh Trí Kiên
Để tránh tình trạng các “ông đồ rởm’’ lợi dụng kiếm tiền gây ra cảnh lộn xộn, tự phát, theo ông Trương Minh Tiến, năm 2017, Hà Nội sẽ kiên quyết ‘’khai tử’’ các ông đồ trên vỉa hè Văn Miếu. Những ‘’ông đồ’’ tự phát sẽ bị công an xử lý. Ông Tiến cũng khuyến cáo, những ông đồ ngồi ngoài hè phố "đều là đồ rởm, không có trình độ, lợi dụng kiếm tiền". Vậy nên, nếu người dân xin chữ năm mới của những ông đồ chưa được thẩm định này có khả năng "xin chữ may mắn lại thành chữ xúi quẩy".
Ông đồ khai bút tại Hội chữ Xuân. Ảnh Trí Kiên
Họp báo Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017. Ảnh Trí Kiên
Giám đốc trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cũng cho rằng, việc thi tuyển và quy hoạch phố ông đồ vào khu vực hồ Văn là hoàn toàn đúng đắn, đã làm giảm đáng kể số người viết chữ tự phát ở vỉa hè Văn Miếu trong dịp Tết Bính Thân.
Bên cạnh hoạt động viết chữ thư pháp, Hội chữ Xuân còn có khu vực tái hiện các làng nghề truyền thống Hà Nội với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ lừng danh như đồ gốm, thêu, dệt, làm giấy, tranh dân gian, chạm khắc gỗ, đúc đồng và khu tái hiện không gian làng quê Bắc Bộ. Đặc biệt, năm nay có thêm khu vực trò chơi dân gian và nơi trải nghiệm vẽ tranh "Cùng bé sáng tạo - khám phá tranh Tết" dành cho trẻ nhỏ. Ngoài ra, ban tổ chức còn sắp xếp một số chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật phục vụ quần chúng.
Triển lãm Hội chữ Xuân năm nay cũng là dịp để những người đam mê thư pháp được gặp gỡ những bậc kỳ cựu trong làng thư pháp Việt Nam. Đây đều là những bậc cao niên có nhiều đóng góp cho hoạt động thư pháp Hà Nội từ năm 2000 đến nay, được các câu lạc bộ thư pháp hàng đầu Thủ đô suy tôn như như cụ Cung Khắc Lược, Nguyễn Thế Lục, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Như Phách...