Kết nối phổ thông - đại học: Lợi ích cho cả hai phía

25-04-2022 16:26:09

Kết nối, hợp tác giữa trường phổ thông và đại học (ĐH) có ý nghĩa quan trọng trong quá trình định hướng nghề nghiệp cho học sinh (HS), giúp việc học tập chuyển tiếp thuận lợi hơn.


Ảnh MH

Sự quan tâm chưa đúng mức tới hoạt động này, bởi vậy là một thiệt thòi đối với HS hiện nay.

Chưa được chú ý đúng mức

Trường THPT Gang Thép (Thái Nguyên) những năm gần đây đã kết nối, phối hợp với nhiều trường ĐH trong, ngoài tỉnh. Sự kết nối này, theo cô Hiệu trưởng Ngô Thị Quyên, giúp thầy cô và HS rất nhiều trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học kỹ thuật, tổ chức các hoạt động ngoại khóa giáo dục kỹ năng sống cho HS, bồi dưỡng hỗ trợ về ngoại ngữ, tin học, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, quản lý; đặc biệt là công tác hướng nghiệp. HS được làm quen, tiếp xúc, học tập và trải nghiệm trong môi trường ĐH.

Khẳng định ý nghĩa tích cực và sự cần thiết của việc kết nối phổ thông - ĐH, tuy nhiên, cô Quyên cũng cho rằng: Hoạt động này chưa được chú ý đúng mức, đồng đều. Nhiều trường THPT chưa có sự kết nối với các trường ĐH, đặc biệt trường miền núi; hoặc có trường THPT ký kết hợp tác với trường ĐH nhưng chỉ trên văn bản.

“Đây là thiệt thòi lớn đối với HS phổ thông. Bởi lẽ, nếu được định hướng tốt ngay từ cấp học dưới, đồng thời có sự tiếp cận với môi trường ĐH sớm, các em sẽ chuẩn bị tốt hành trang kiến thức, cũng như rèn luyện kỹ năng sống cần thiết để vững bước trong tương lai. Bên cạnh đó, do vị trí xa trung tâm, xa các trường ĐH nên nhiều trường THPT khó khăn trong tổ chức các hoạt động phối hợp…” - cô Ngô Thị Quyên chia sẻ.

Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Cần Thơ) cũng bước đầu có một số liên kết với các trường ĐH, chủ yếu trong công tác tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp cho HS. Thầy Trịnh Nguyễn Thi Bằng, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng: Có nhiều lợi ích nếu trường phổ thông liên kết chặt chẽ với trường ĐH, như: Được sự hỗ trợ của đội ngũ cán bộ, giáo viên có trình độ chuyên môn sâu trong nhiều chuyên ngành khác nhau; có thể sử dụng được các phòng thí nghiệm, xưởng... với trang thiết bị hiện đại, số lượng lớn; có thông tin chính xác, thường xuyên về tuyển sinh, cơ hội việc làm sau khi ra trường với trường ĐH liên kết… Từ đó, các trường THPT tạo được uy tín trong ngành Giáo dục địa phương và nâng cao tín nhiệm, tin tưởng của HS, cha mẹ HS về chất lượng giáo dục của nhà trường.

“Tuy nhiên, hiện nay mối liên kết chặt chẽ, toàn diện giữa trường THPT và ĐH chưa thật sự được thiết lập, chưa phát huy hiệu quả. Để thay đổi điều này, trước hết cần thay đổi nhận thức của lãnh đạo các trường ĐH: Liên kết với trường phổ thông không chỉ vì lợi ích mà còn là sự hỗ trợ, phát triển giáo dục; phải thật sự coi trọng mối quan hệ với trường phổ thông. Trường phổ thông xây dựng kế hoạch liên kết với các trường ĐH cụ thể, chặt chẽ, lâu dài và mang tính hệ thống trên cơ sở thống nhất với trường ĐH. Sở GD&ĐT là đầu mối, xây dựng cơ chế liên kết, phối hợp giữa trường phổ thông và ĐH…” - thầy Bằng nêu quan điểm. 


Ảnh minh họa/ INT

Hai bên cùng có lợi

Ở góc nhìn chuyên gia giáo dục, theo TS Nguyễn Văn Cường (ĐH Potsdam, CHLB Đức), hoạt động hợp tác giữa trường phổ thông và trường ĐH mang lại nhiều lợi ích cho cả hai phía. Đối với trường phổ thông, sự hợp tác này hỗ trợ định hướng sớm cho HS với các ngành nghề đào tạo ở trường ĐH; chuẩn bị sớm cho các em tâm lý, kỹ năng cho việc học tập ở ĐH, tích cực hóa động cơ và phát triển hứng thú học tập của HS, có thể kết nối những kiến thức mới từ trường ĐH vào bài giảng ở trường phổ thông. Đối với trường ĐH, kết nối với trường phổ thông giúp nhà trường có thể tiếp xúc sớm với những ứng viên tiềm năng cho công tác tuyển sinh, thúc đẩy hứng thú học ĐH, giúp việc thích ứng với môi trường ĐH của sinh viên mới nhanh chóng hơn, từ đó hạn chế việc kéo dài thời gian học ĐH.

Ở Đức, hoạt động hợp tác, kết nối giữa trường phổ thông và trường ĐH được quan tâm, đặc biệt từ sau năm 2000 cùng với quá trình đổi mới giáo dục phổ thông và giáo dục ĐH. Hoạt động hợp tác được thực hiện với các văn bản hợp đồng, thỏa thuận hợp tác giữa trường phổ thông, trường ĐH, cũng như thông qua dự án liên kết. Một trường ĐH có thể có quan hệ hợp tác với nhiều trường phổ thông.

Có trường ĐH có hoạt động kết nối với hàng trăm trường phổ thông. Hoạt động hợp tác giữa trường phổ thông và trường ĐH rất đa dạng. HS phổ thông có thể đến tham quan, nghe giới thiệu về các ngành đào tạo của trường ĐH, cũng như về hoạt động học tập ở ĐH. HS cũng có thể tham gia nghe giảng thử bài giảng ở ĐH, hoặc tham dự một khóa cemina thích hợp. Có những nội dung học tập được công nhận kết quả khi HS vào ĐH. Giáo viên, HS ở trường phổ thông cũng có thể tham dự các hoạt động chuyên môn trong phòng thí nghiệm, thực hành ở trường ĐH...

Để tăng cường gắn kết, phối hợp giữa trường phổ thông và ĐH ở Việt Nam, TS Nguyễn Văn Cường cho rằng: Cần có những chính sách cũng như các chương trình khuyến khích, hỗ trợ hoạt động hợp tác giữa trường phổ thông, ĐH từ cơ quan quản lý giáo dục. Cần nâng cao nhận thức của trường phổ thông và trường ĐH về ý nghĩa quan trọng của hoạt động này đối với cả hai phía. Đồng thời, trường ĐH và trường phổ thông cần phát huy tính tự chủ trong việc tìm kiếm cũng như phát triển quan hệ hợp tác vì lợi ích lâu dài của cả hai bên. Hoạt động hợp tác nên bắt đầu bằng những việc dễ thực hiện, nhưng thiết thực, hấp dẫn với HS. Từ đó, từng bước mở rộng, phát triển các hoạt động hợp tác để tăng cường giá trị hướng nghiệp cho HS phổ thông, cũng như gia tăng lợi ích cho hoạt động tuyển sinh, đào tạo của trường ĐH.

Để kết nối phổ thông - ĐH được phát huy theo đúng sự cần thiết vốn có cần sự chủ động của cả 2 bên. Sự kết nối, theo cô Ngô Thị Quyên, phải mang tính chiến lược với kế hoạch, mục tiêu rõ ràng. Ban giám hiệu các trường là người đi đầu trong các hoạt động phối hợp này. Hàng quý, kỳ, năm phải có sơ kết, tổng kết các hoạt động phối hợp để từ đó điều chỉnh kế hoạch, mục tiêu cho phù hợp với thực tiễn.

 

Hiếu Nguyễn
Theo Giáo dục & Thời đại //