Huỳnh Dũng Nhân - Một cốt cách báo chí
Tôi đã từng nghe đến câu “Làm báo mà không biết Huỳnh Dũng Nhân là một thiệt thòi. Viết báo mà chưa phỏng vấn Huỳnh Dũng Nhân là mất đi một điều thú vị!”.
“Liều” để thành công
Sau thành công của buổi khai mạc triển lãm “Nhà báo vẽ nhà báo”, chắc hẳn nhà báo đang có rất nhiều cảm xúc trong lòng ?
Bằng cả tâm tư, bác nói: “Đối với bác thì buổi khai mạc này mới chỉ thành công 70% thôi, do dịch bệnh căng thẳng mà rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp thân thương của bác không đến được, mặc dù có nhận được những lá thư, những lời gọi điện chúc mừng nhưng bản thân vẫn cảm thấy buồn vì không được gặp gỡ trực tiếp.”
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân
Để có được những thành tựu như ngày hôm nay, là gần 70 năm nỗ lực, học hỏi, làm việc, tìm tòi và lăn xả không ngừng của bác. Càng tò mò về triển lãm “Nhà báo vẽ nhà báo” của bác, tôi càng muốn biết hơn những điều xoay xung quanh sự kiện đó, muốn bác chia sẻ về nghề báo, những trải nghiệm trong cuộc sống.
Như đã chia sẻ nhiều lần với truyền thông, bác nói ước mơ thuở nhỏ của mình là hội họa, làm văn và đá bóng, nhưng có lẽ chỉ khi trong lần điều trị hồi sức tích cực do đột quỵ, bác mới có dịp ôn lại ước mơ đã xa là vẽ tranh.
Chợt nghĩ đến việc tìm lại ước mơ của bác như một điều tình cờ, tôi thắc mắc liệu không có biến cố đó xảy ra, thì những bức vẽ được trưng bày hôm nay có thể sẽ không xuất hiện.
Khá bất ngờ, bác tâm sự: “Quả thực nếu không có biến cố này, bác cũng không nghĩ đến việc sẽ vẽ, ban đầu chỉ là vẽ cho giết thời gian nhưng không biết từ khi nào, nó đã trở thành một niềm vui, một động lực sống khiến bản thân lạc quan hơn trong những ngày gian khó bệnh tật… Ngay cả việc tổ chức buổi triển lãm hôm nay cũng là một sự liều lĩnh, nhà báo vẽ tranh thì có nhưng chưa có ai dám tổ chức một buổi triển lãm tranh như vậy, nhưng đó cũng coi như là một ước mơ cuối đời được thực hiện,...”
Bác có nhắc đến chữ “liều” rất nhiều, thậm chí trong buổi triển lãm, nghệ sĩ nhân dân Hà Bắc cũng nói nhà báo Huỳnh Dũng Nhân là một người bất khuất, tôi bỗng nảy hứng thú với những lần “liều” của bác.
“Từ nhỏ bác đã là một người liều rồi, từng đi bộ dọc đường tàu để xem nó kéo dài đến đâu, hồi sinh viên thì có lần liều đi phỏng vấn nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn, ấy vậy mà nhờ có sự liều lĩnh đó, bản thảo của bác được Nhà xuất bản Kim Đồng chọn thay vì bản thảo của ba nhà báo nổi tiếng khác, và giờ thì là việc tổ chức triển lãm vẽ tranh”. Bác cười.
Nghệ sĩ nhân dân Hà Bắc tặng tranh nhà báo Huỳnh Dũng Nhân trong buổi triển lãm “Nhà báo vẽ”
Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống lâu đời đều là nhà báo, cái “máu” văn hóa đó như thấm nhuần vào con người bác. Bác nói năng khiếu chỉ chiếm một phần thôi, quan trọng là sự học hỏi, đọc nhiều, viết nhiều, chú ý quan sát mọi thứ, chủ đề ở xung quanh chúng ta, từ những điều bình thường nhất, nhưng chẳng qua là chúng ta có để ý đến chúng hay không thôi. Sự tinh ý rất quan trọng, đòi hỏi phải có óc quan sát, vì chỉ một chi tiết nhỏ, chúng ta cũng có thể nảy ra một câu hỏi. Ví dụ như khi nhìn chiếc đồng hồ, chúng ta cũng có thể bật được ra câu phỏng vấn “Anh chị có quý trọng thời gian không?” Hay có người sẽ đặt câu hỏi là “Tại sao trên sân khấu tôi mang theo gậy mà về nhà thì không?. Đó là vì tôi có thể ngã ở nơi khác nhưng không thể ngã trên sân khấu được”
Quả thật, ngồi nghe bác chia sẻ, tôi như mở mang được một tầng kiến thức mới. Ai cũng thấy sự liều lĩnh cùng sự rèn luyện và trau dồi kiến thức, kỹ năng không ngừng đã tạo nên một Huỳnh Dũng Nhân bất khuất như hiện nay. Còn riêng với tôi, điều tôi cảm nhận rõ nhất ở bác là sự tận tâm, nhiệt huyết với nghề, đáng học hỏi hơn cả là tính cách lạc quan, luôn nỗ lực bất chấp hoàn cảnh.
Cái tâm và cái tầm của một nhà báo
Khi nghe chúng tôi chia sẻ là sinh viên trường Báo, bác vui mừng giới thiệu mình cũng là cựu sinh viên khóa 4 của trường, bác nói trước kia khi học chỉ có mỗi duy nhất trường mình là đào tạo báo chí chuyên sâu, những người từng học sau này đều thành công trong lĩnh vực báo chí.
Sau khi tốt nghiệp và chuyển vào Nam công tác, bác có đôi lần trở lại Hà Nội và có nhiều cơ hội giao lưu với sinh viên trường Báo. Tiếp xúc với nhiều thế hệ như vậy, bác có những nhận định khách quan nào về thế hệ làm báo xưa và nay không?
Bác cười: “So với thời bác và các cháu hiện tại có sự khác biệt. Cuộc sống đi lên thì thời đại thay đổi, động cơ làm báo có khác biệt, điều đó dẫn tới việc người làm báo cũng phải thay đổi để thích nghi, đôi khi có những thông tin không được xã hội xưa nhìn nhận nhưng cho đến hiện tại nó vẫn là một dòng thông tin mà có độc giả quan tâm, tuy nhiên tuyệt đối không làm việc gì hổ thẹn với lương tâm và nghề”.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân từng có nhiều dịp giao lưu tại Học viện Báo chí & Tuyên truyền
So với thế hệ làm báo xưa, thế hệ báo trở bây giờ dường như có nhiều sự cạnh tranh hơn, không chỉ cạnh tranh với các cơ quan, phương tiện báo chí mà còn phải cạnh tranh với cả những mạng xã hội. Theo dõi nhà báo đã được một khoảng thời gian, tôi có thấy bác rất “chăm chỉ” tương tác trên Facebook, thậm chí trong tác phẩm “Tự tình với Facebook” của mình, bác còn chia sẻ về những mặt lợi và hại của trang mạng xã hội này.
“Cái dễ trong làm báo của thế hệ trẻ ngày nay là có Internet nhưng nó cũng chính là cái khó, quan trọng là cách sử dụng như thế nào. Không thể phủ nhận lợi ích của Facebook, bác cũng phải thừa nhận mình là người “nghiện Facebook” vì sự thuận tiện của nó, lúc nào cũng có thể tương tác với bạn bè, thoải mái viết, thoải mái bộc bạch…”
Tập thơ “Tự tình với Facebook” cũng được trưng bày tại sự kiện
Là người có thâm niên trong nghề, chứng kiến biết bao thăng trầm của nền báo chí Việt Nam, luôn theo sát dòng chảy của ngành báo Việt, bác có cho rằng Báo in đang thất thế và đứng trước nguy cơ lụi tàn không?
“Bản thân bác cũng rất quan tâm vấn đề này, thực tế thì bạn đọc đa số cũng đọc báo trên mạng, báo in sẽ ở tình trạng “hấp hối” nếu tốc độ công nghệ đang tăng dần. Nhưng ở Việt Nam sẽ còn đến một khoảng thời gian dài nữa mới đến, vì công nghệ của Việt Nam vẫn đang ở mức trung bình, bên cạnh đó, mặc dù hầu như người dân ta đều có điện thoại thông minh nhưng sẽ còn những công chúng khác như người già, người vùng sâu, vùng xa,...Từng có sinh viên hỏi bác rằng “Thưa nhà báo, có phải báo in ngày nay chỉ dùng để gói xôi không?” “Đúng như thế, nhưng nếu như vậy thì cứ còn xôi là còn báo in, tuổi thọ báo in chỉ 1-2 tiếng đồng hồ thôi, nên sau đó có dùng để gói xôi thì vẫn gọi là có giá trị?” - Bác cười
Tinh thần lạc quan đó của bác như làm tôi hiểu rằng việc thích nghi với sự thay đổi của thời đại rất quan trọng, thực chất loại hình như thế nào không quan trọng, vì trong tương lai có thể nó sẽ luôn bị thay thế, nhưng cốt lõi nhất vẫn là nội dung, thông điệp truyền tải có tác động được đến công chúng hay không.
Câu tạm biệt không thành lời
Bác nói lần này ra Hà Nội cũng như lời chào tạm biệt với nơi đây, tạm biệt những người bạn, người đồng nghiệp mến thương, tạm biệt cả những nơi từng sống, từng học tập, làm việc. Ánh lên trong đôi mắt bác là xen lẫn niềm xúc động và cả những tiếc nuối. Từng nơi chốn, từng con người là biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, giống như mục đích của việc vẽ tranh chân dung “Tôi thích vẽ chân dung, vì khi vẽ chân dung là khi tôi nhớ về những kỷ niệm, những tình cảm với nhân vật đó. Thật thú vị khi thấy sau ít phút, trên nền giấy trắng tinh hiện lên một gương mặt mà mình thương mến…”.
Đến giờ kết thúc cuộc gặp gỡ, trong lòng tôi dâng trào cảm xúc khó tả, tôi thấy tự hào vì thấy mình chỉ là một sinh viên ngành báo non trẻ nhưng đã có cơ may được phỏng vấn, tâm sự cùng một cây đại thụ cùng ngành, nhưng cũng đầy tiếc nuối vì không biết khi nào mới có dịp được gặp lại người thầy vừa trao cho tôi bao nhiêu kiến thức quý giá. Tiễn bác về, bác còn không quên tặng chúng tôi tập thơ “Một chút riêng tư” mới ra mắt năm 2021 kèm lời dặn “Kết bạn với tôi mà không tương tác trong ba ngày là facebook tôi tự block đấy”. Tôi cười và chào tạm biệt bác.