Hút mỡ bụng có thể gây chết người chỉ vì điều đơn giản này
Theo các chuyên gia khi hút mỡ bụng, bệnh nhân hoàn toàn có thể tử vong vì ngộ độc thuốc gây tê.
Thạc sĩ, bác sĩ Cao Ngọc Duy, Phó Trưởng Khoa Hàm Mặt Thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội, cho biết hút mỡ bụng không phải tiểu phẩu mà được xếp vào nhóm phẫu thuật lớn.
Hút mỡ bụng có thể gây chết người. Ảnh minh họa
Thông thường, hút mỡ bụng phải được thực hiện ở bệnh viện có phòng mổ đạt chuẩn, có bác sĩ gây mê theo dõi và hỗ trợ, kiểm soát. Khách hàng trước khi hút mỡ bụng phải được kiểm tra sức khỏe tổng thể, xét nghiệm đầy đủ, theo Vnexpress.
Trong quá trình kiểm tra sức khỏe tổng thể, các xét nghiệm tổng quát có những yếu tố bất thường thì cũng phải loại trừ hoặc dừng hẳn phẫu thuật như bệnh cao huyết áp, tim mạch, máu khó đông. Tuyệt đối không được thực hiện ở cơ sở thẩm mỹ viện.
Các biến chứng thường gặp nhất là sốc thuốc, sốc phản vệ, ngộ độc thuốc tê. Nguyên nhân do mỗi người có ngưỡng chịu đựng thuốc khác nhau. Tuy nhiên, nhiều cơ sở không có kinh nghiệm, không biết sử dụng thuốc đúng liều để ước lượng thuốc phù hợp dẫn đến tai nạn. Hơn 90% bệnh nhân sẽ tử vong nếu xử lý không kịp thời.
Trao đổi với phóng viên Lao Động, Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Minh - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và hàm mặt (Bệnh viện E) cho biết: Hút mỡ bụng là một kỹ thuật thường quy. Nhưng vấn đề chính ở đây là sử dụng thuốc gây mê, gây tê. Để hút được mỡ bụng hay mỡ cơ thể, phải sử dụng một trong hai phương pháp hoặc gây mê hoặc gây tê.
"Với phương pháp gây mê thì hầu như là an toàn. Còn đối với phương pháp gây tê, khi các bác sĩ hút mỡ thường phải sử dụng thêm thuốc trong quá trình thực hiện, thành phần chủ yếu là thuốc gây tê, nhưng nếu đã gây mê rồi thì hầu như không phải sử dụng thêm thuốc gây tê nữa, sẽ an toàn cho người bệnh" - bác sĩ Minh nói.
Bác sĩ Minh phân tích, tại các cơ sở thẩm mỹ tư nhân, trong phạm vi hoạt động không được phép hút mỡ bụng tại cơ sở. Các cơ sở này không có giấy phép hành nghề tạo hình thẩm mỹ nhưng vẫn quảng cáo, vẫn đón tiếp và thực hiện hút mỡ cho bệnh nhân. Đáng lo ngại là họ thường sử dụng thuốc gây tê cho bệnh nhân.
Thông thường, các bác sĩ chuyên nghiệp nếu hút mỡ bụng dùng liều gây tê như thế, kể cả dùng dung dịch thuốc gây tê theo y văn, cũng là quá liều. Nhưng họ tiêm vào rồi hút ra thì lượng gây tê bị hút ra sẽ không ngấm vào máu. Còn đối với những cơ sở tư nhân, nếu sử dụng quá liều thì bệnh nhân thường ngộ độc thần kinh và tử vong.
"Trong các cơ sở y tế công lập, các bệnh viện, các bác sĩ vẫn sử dụng phương pháp gây tê để hút mỡ, tuy nhiên, chỉ sử dụng vùng nhỏ, phải tính liều thuốc làm sao để bệnh nhân không bị ngộ độc.
Nếu cảm thấy vùng gây tê quá lớn, sử dụng thuốc gây tê quá liều thì các bác sĩ sẽ chuyển sang gây mê. Như vậy, bác sĩ hoàn toàn có thể kiểm soát được việc sử dụng liều thuốc gây tê đó. Với những cơ sở thẩm mỹ viện ngoài, không có kỹ thuật gây mê, họ bắt buộc sử dụng thuốc gây tê. Để bệnh nhân không đau thì họ phải tiêm rất nhiều thuốc tê. Việc sử dụng quá liều thuốc tê như vậy sẽ gây ra ngộ độc, bệnh nhân có thể tử vong"- bác sĩ Minh phân tích.
Với các bác sĩ không được đào tạo chuyên nghiệp hoặc những nhân viên thẩm mỹ, nếu bệnh nhân ngộ độc thuốc tê, họ sẽ không biết cách xử trí, cấp cứu và không kiểm soát được tình trạng đó, dẫn đến bệnh nhân tử vong.
Bác sĩ Minh khẳng định phương pháp hút mỡ là phương pháp an toàn, chính đáng, nếu tuân thủ đầy đủ điều kiện chặt chẽ về gây mê hồi sức. Phương pháp hút mỡ chỉ được phép thực hiện ở các bệnh viện có ở các khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Có thể là bệnh viện công hoặc bệnh viện tư, nhưng bắt buộc phải có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.
"Khi hút mỡ tại các cơ sở được phép, nếu có xảy ra ngộ độc, sẽ có bác sĩ gây mê hồi sức để phối hợp cùng xử trí tình huống. Tại các bệnh viện này, sẽ thường xuyên có những khóa đào tạo về ngộ độc thuốc tê quá liều để cập nhật kiến thức và ca bệnh cho y bác sĩ. Bởi đối với thuốc tê, đa phần là tử vong do ngộ độc thuốc tê quá liều chứ không phải là do sốc thuốc"- bác sĩ Minh chia sẻ.