Hướng dẫn cách bấm huyệt chữa viêm xoang
Theo Y học cổ truyền, cơ thể chúng ta chứa các huyệt đạo rất đặc biệt và có thể vận dụng phương pháp bấm huyệt để điều trị nhiều bệnh. Bấm huyệt liệu có chữa được viêm xoang, cách thực hiện ra sao cho đúng và hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.
I. Bấm huyệt chữa viêm xoang được không?
Viêm xoang nguyên nhân là do cơ địa dị ứng nhiễm trùng (huyết nhiệt) khi gặp phải tác nhân phong hàn, phong nhiệt, nhiệt độc (gió lạnh, gió độc, vi khuẩn), cơ thể không khống chế được mà sinh bệnh.
Khi niêm mạc xoang bị xâm hại và suy yếu sẽ dẫn đến tình trạng sưng viêm, ứ tắc dịch, dòng máu đến niêm mạc bị ảnh hưởng và dẫn truyền thần kinh cũng bị cản trở. Biểu hiện là mũi nghẹt cứng, đầu và vùng mặt đau nhức khó chịu.
Huyệt đạo là nơi giao nhau giữa hai luồng khí vào và ra, gắn liền chức năng của mỗi tạng phủ, kinh lạc... Bấm huyệt chữa viêm xoang dựa trên nguyên lý kích thích các huyệt đạo chủ xoang từ đó giúp kích hoạt phản ứng tại vị trí chịu ảnh hưởng. Khí huyết tại hốc xoang sẽ được điều hòa, ứ trệ được khai thông, tà khí được tống ra khỏi cơ thể. Kết quả là các triệu chứng nghẹt mũi, nhức buốt, khó chịu do viêm xoang giảm đi rõ rệt.
II. Hướng dẫn 7 cách bấm huyệt chữa viêm xoang
Việc xác định vị trí huyệt đạo và phương pháp bấm các huyệt này chữa viêm xoang đều khá đơn giản và dễ thực hiện. Đây đều là những huyệt vị rất có hiệu quả trong điều trị viêm xoang:
1. Bấm huyệt ấn đường trị viêm xoang
Huyệt ấn đường nằm ở vị trí chính giữa đường nối của hai lông mày, đảm nhiệm chức năng an thần, tác động vào huyệt này giúp giảm đau đầu, thông lợi mắt và mũi.
Một số cách bấm huyệt ấn đường chữa viêm xoang:
- Day ấn huyệt bằng ngón tay giữa trong vòng 1-3 phút.
- Dùng 2 ngón tay cái vuốt nhẹ từ ấn đường kéo dài đến 2 bên thái dương khoảng 30 lần.
2. Bấm huyệt nghinh hương
Huyệt nghinh hương nằm ở chỗ lõm tại hai bên cánh mũi, có chức năng tiếp nhận và dẫn truyền mùi hương. Kích thích huyệt nghinh hương giúp thông xoang mũi và làm mát đường thở.
Cách thực hiện bấm huyệt nghinh hương chữa viêm xoang như sau: Dùng mép đầu của hai ngón trỏ day nhẹ nhàng vào huyệt vị trong vòng 1-2 phút, vừa day vừa hít thở đều.
3. Bấm huyệt tỵ thông
Huyệt tỵ thông hay còn gọi là thượng nghinh hương nằm phía trên huyệt nghinh hương, tại chỗ tận cùng của rãnh trên nếp mũi và má.
Chức năng và cách bấm huyệt này tương tự với huyệt nghinh hương đã đề cập ở trên. Thời gian day bấm từ 1-2 phút.
4. Bấm huyệt phong trì
Huyệt phong trì để chỉ vị trí hõm như cái ao (trì) mà gió là phong dễ dàng luồn xuống và xâm nhập. Huyệt phong trì được xác định tại chỗ hõm đường chân tóc phía sau mang tai. Đây được coi là vị trí phong tà dễ dàng xâm nhập gây cảm mạo và trúng gió.
Cách day huyệt như sau: Dùng hai ngón tay cái bấm vào huyệt, trong khi các ngón tay còn lại ôm lấy phần đầu để làm điểm tựa. Day vị trí này nhịp nhàng trong vòng 2-3 phút giúp giảm cảm giác đau và nặng đầu, đẩy tà khí thoát ra khỏi cơ thể.
5. Bấm huyệt hợp cốc
Hợp trong từ kết hợp, cốc nghĩa là hang, khe. Huyệt hợp cốc chỉ vị trí khe giữa của ngón cái và ngón trỏ. Huyệt này có tên gọi khác là hổ khẩu tức miệng hổ vì khi mở rộng 2 ngón có hình như miệng hổ. Khi có cơn đau đầu bấm vào huyệt này cơn đau có thể thuyên giảm.
Cách thực hiện rất đơn giản bằng cách dùng ngón cái day vào vị trí huyệt đạo trong vòng 1-3 phút và cảm nhận cơn đau nhức giảm dần.
6. Bấm huyệt đại chùy
Đại chùy có nghĩa là xương to, huyệt đại chùy nằm dưới đầu mỏm gai của đốt sống cổ số 7, khi cúi cổ lộ ra u xương tròn, đó là vị trí của huyệt đạo. Huyệt đạo chủ trị các chứng cảm cúm, đau cứng cổ vai gáy...
Sử dụng ngón tay ấn vào huyệt và xoay tròn trong vòng 1-2 phút có thể cảm nhận ngay lập tức sự dễ chịu từ cổ đến vai gáy.
7. Bấm huyệt thiếu thương
Đây là huyệt đạo cuối cùng của đường kinh, nằm ở bờ ngoài của đầu ngón tay cái. Huyệt này chủ trị viêm họng, viêm mũi, trúng gió, ù tai…
Day bấm huyệt này cũng rất đơn giản bằng cách bấm nhẹ vào đầu ngón tay cái trong vòng 1 phút.
III. Những lưu ý khi bấm huyệt trị viêm xoang
1. Những đối tượng nào không nên bấm huyệt chữa viêm xoang?
Cân nhắc không thực hiện phương pháp bấm huyệt trong trường hợp:
- Vùng huyệt vị đang có chấn thương hoặc vết thương hở.
- Người có thể trạng yếu, huyết áp không ổn định.
- Người có rối loạn đông máu hoặc bệnh tim mạch.
- Phụ nữ đang mang thai.
2. Có nên tự bấm huyệt trị viêm xoang hay không?
Các huyệt đạo chủ xoang được giới thiệu ở trên đều là các vị trí dễ tiếp cận, người bệnh hoàn toàn có thể tự thực hiện khi đang nghỉ ngơi hoặc đang ngồi làm việc. Đối với huyệt vị ở sau gáy (phong trì) hoặc sau vai (đại chùy) nếu không thể với tay ra sau bạn có thể nhờ đến sự hỗ trợ của người khác để đạt hiệu quả tốt nhất.
3. Một số lưu ý khác khi bấm huyệt chữa viêm xoang
Phương pháp sử dụng ngón tay để bấm vào huyệt vị, do đó bạn nên cắt tỉa móng tay gọn gàng để tránh làm xước da.
Cần nhớ bấm huyệt chỉ làm giảm triệu chứng của viêm xoang chứ không điều trị dứt điểm bệnh. Sử dụng kết hợp bấm huyệt và các phương pháp chữa xoang bằng Tây y và Đông y sẽ giúp gia tăng hiệu quả điều trị bệnh.