"Hồng nhan họa thủy" thời cổ đại: Tội ác kinh thiên động địa của Lã Hậu
Lã Hậu (241 TCN – 180 TCN) hay còn gọi là Lữ Hậu, Hán Cao Hậu, thời con gái bà có tên là Lã Trĩ – là vợ của Hán Cao Tổ Lưu Bang, mẹ của Hiếu Huệ Đế và công chúa Lỗ Nguyên.
Lã Hậu – người đàn bà đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa được phong làm Hoàng hậu, rồi đến Hoàng thái hậu, Thái hoàng thái hậu. Ở vị trí nào bà ta cũng gây ra những tội ác đẫm máu chốn cung đình.
Lã Hậu là con người cứng rắn quyết đoán, giúp Cao Tổ bình định thiên hạ, các quan đại thần bị Cao Tổ giết phần lớn do sức của Lữ Hậu, như Hàn Tín, Bành Việt.
Hàn Tín chết vì bị Lã Hậu vu oan cho ông “âm mưu tập hợp người nhà làm phản ở kinh đô để làm nội ứng cho Trần Hy”. Khi Lưu Bang đem quân đi đánh dẹp Trần Hy, danh tướng bách chiến bách thắng Hàn Tín bị Lã Hậu lừa vào cung, bị võ sĩ trói lại rồi bị mang chém ở nhà treo chuông trong cung Trường Lạc, rồi bà ta lại sai giết cả ba họ nhà Hàn Tín.
Sau khi Lưu Bang đã dẹp xong quân của Trần Hy trở về kinh đô, thấy ông đã chết mà vừa mừng vừa thương. Bành Việt cũng là một đại công thần “công cao lấn át chủ” cần phải trừ khử. Lã Hậu khuyên Lưu Bang: “Bành Việt là dũng tướng, nếu thả vào đất Thục mà dấy quân làm phản thì để ẩn hoạ cho mình, chi bằng giết luôn để trừ hậu hoạ”.
Lưu Bang nghe theo, Lã Hậu sai một môn khách của Bành Việt đứng ra tố cáo: Bành Việt muốn xin về Xương Ấp, thực chất là để làm phản. Lưu Bang và Lã Hậu cứ theo đó, sai Đình uý Điền Khai làm án, lệnh giết cả họ Bành Việt.
"Hồng nhan họa thủy" thời cổ đại chắc chắn không thể thiếu Lã Hậu. Ảnh: Internet
Trước khi chết, Hán Cao Tổ lường trước được dã tâm của người vợ, ông từng tuyên bố trước tất cả các quan tướng rằng phải giết tất cả những kẻ không phải họ Lưu mà đòi làm vương. Sau khi chồng mất, vì thái tử Lưu Doanh còn nhỏ, Lã Hậu sợ các tướng không phục sẽ làm loạn bèn bày mưu tính kế để “lâm triều xưng chế”.
Bà ta phong vương phong hầu phong tướng cho hàng loạt con em họ Lã, làm lũng đoạn triều đình nhà Hán trong khoảng thời gian bà ta cầm quyền.
Ngoài ra, bà ta còn cất nhắc tình nhân Thẩm Tự Cơ lên làm Tả thừa tướng. Tư Mã Thiên đã kín đáo bình về việc này trong Sử ký: "Tả thừa tướng không làm việc nước, chỉ xem xét việc ở trong cung". Tự Cơ được Lã Hậu sủng ái tin dùng, nhiều quan lại muốn được việc phải nhờ cậy lão.
Trong các phi tần của Hán Cao Tổ, bà ta đặc biệt căm ghét Thích phu nhân, vì Thích phu nhân cậy được sủng ái, lại sợ sau khi Hán Cao Tổ mất sẽ không còn chỗ dựa nên nhiều lần khóc lóc đòi Cao Tổ lập con mình lên thay thái tử. Cao Tổ mấy lần nghe theo nhưng bị quần thần can gián nên không thể thay thái tử.
Lã Hậu cho người trói Thích Phu Nhân vào trục đá và bắt bà kéo lê như “bò kéo xe”. Thích Phu Nhân trong lúc chịu nhục nhã đã thốt lên một câu rằng “con làm vương mà mẹ thân tù” – ý nói con trai bà là Như Ý trước đó được Hán Cao Tổ phong làm vương.
Thấy tình địch không cam chịu bị hành hạ mà “manh động”, Lã Hậu thừa cơ hội vu cho bà tội kích động con trai làm phản, chống đối Thái hậu nên bắt nhốt Thích Phu Nhân vào lãnh cung.
Lã hậu lưu danh muôn đời với những chiêu tàn bạo. Ảnh: Internet
Chưa hả, Lã Hậu quyết diệt hết hậu hoạn của Thích Phu Nhân nên lợi dụng việc Như Ý lúc này còn nhỏ dại, ở một mình, Lã Hậu cho người mang thuốc độc đến bắt uống. Như Ý uống thuốc và chết ngay sau đó.
Độc ác hơn, sau khi giết chết con của tình địch, Lã Hậu lập tức vào lãnh cung, sai người chặt hết tay chân Thích Phu Nhân, móc mắt, cắt lưỡi rồi ném cả người què quặt vào chuồng lợn, gọi là “người lợn”.
Việc làm tàn độc của Lã Hậu kinh động cả tam cung lục diện, khiến hoàng đế lúc bấy giờ - là con trai ruột của chính bà cũng không thể chịu đựng được mà thốt lên rằng “Đó không phải là việc làm của con người!’.
Cái giá phải trả cho việc dã man hơn cả cầm thú của Lã Hậu là con trai ruột của bà sau khi chứng kiến việc làm bất nhân của mẹ thì chán ngán, sinh bệnh và lao vào ăn chơi sa đọa bất cần ngôi vương. Chẳng lâu sau cũng mất.
Lã Hậu một mình tận hưởng quyền lực và sống trong sự dã tâm độc ác đến man rợ. Sau bà mất vì bạo bệnh và tuổi già nhưng tội ác kinh thiên động địa thì còn mãi lưu truyền.