Hơn 23 triệu học sinh, sinh viên dự lễ khai giảng năm học mới

05-09-2018 08:44:26

Sáng 5/9, hơn 23 triệu học sinh, sinh viên dự lễ khai giảng năm học mới. Ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện 9 nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang trò chuyện cùng với thầy và trò trường THCS Trưng Vương- Hà Nội năm học 2017-2018. Ảnh Dân Việt

Sáng 5/9, học sinh cả nước bước vào năm học mới. Bộ GD&ĐT lưu ý việc tổ chức các hoạt động đầu năm học phải phù hợp lứa tuổi học sinh, điều kiện của nhà trường và gắn với thực tế của địa phương.

Chương trình lễ khai giảng thường diễn ra ngắn gọn trong khoảng một giờ với nghi thức hát Quốc ca trong lễ chào cờ, học sinh nghe đọc thư của Chủ tịch nước nhân ngày khai trường. Hiệu trưởng nhà trường tuyên bố khai giảng năm học mới và đánh trống khai trường, theo Tri thức trực tuyến.

Sau phần lễ, học sinh tham dự phần hội là các tiết mục văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian. Nội dung lễ khai giảng chú trọng việc đón học sinh đầu cấp, bảo đảm đơn giản, tiết kiệm.


Học sinh lên lớp 10 trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM​

Trước ngày khai giảng năm nay, một số trường học trên cả nước bị thiệt hại nặng nề sau các đợt mưa lũ, ngập lụt. Hiện tại, việc khắc phục hậu quả thực sự còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương đã cố gắng nỗ lực để học sinh có ngày khai giảng đúng lịch, TTXVN đưa tin. 

Trong năm học 2018-2019, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện 9 nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục; thực hiện nghiêm kỷ cương, nền nếp, dân chủ trong trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và thân thiện.

Trong đó, giáo dục mầm non tập trung phát triển trường, lớp ở khu công nghiệp, khu chế xuất; đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, kiên quyết chống hành vi bạo hành trẻ và khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.


Trường Tiểu học Mường Típ 1 sẵn sàng cho lễ khai giảng năm học mới dù đến thời điểm này giao thông chia cắt khiến khoảng 20 học sinh vẫn chưa đến trường. Ảnh báo Dân trí.

Giáo dục phổ thông tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là đối với lớp 1; nâng cao chất lượng kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện, đặc biệt là kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia; đổi mới cơ chế quản lý trong các trường phổ thông.

Giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên; chuẩn hóa, tăng cường hội nhập quốc tế, yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tăng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo.

Giáo dục thường xuyên tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên sau sáp nhập; chấn chỉnh các trung tâm ngoại ngữ, tin học, đào tạo từ xa hoạt động không đúng quy định; rà soát, tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Đề án xây dựng xã hội học tập.


Xem thêm: 
Bắt được nghi phạm sát hại 2 vợ chồng ở Hưng Yên trong đêm

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //