Hội thảo về bộ tài liệu 'Giáo dục phòng, chống ma túy đối với học sinh trung học'

01-07-2020 11:51:58

Bộ tài liệu này được các chuyên gia đầu ngành dày công nghiên cứu và hoàn thiện trong suốt 3 năm kể từ năm 2016.


Thiếu tướng Vũ Hùng Vương, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công an. Đại diện Hội đồng cố vấn bộ tài liệu.

Chiều 30/6, tại Hà Nội, Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (HSSV), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Viện Nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) tổ chức Hội thảo góp ý Bộ tài liệu “Giáo dục phòng, chống ma túy đối với học sinh trung học”.

Bộ tài liệu này được các chuyên gia đầu ngành dày công nghiên cứu và hoàn thiện trong suốt 3 năm kể từ năm 2016. 

Dựa trên sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Viện PSD đã xây dựng Bộ tài liệu “Giáo dục phòng, chống ma túy cho học sinh trung học” gồm 4 cuốn: Kỹ năng phòng, chống ma túy (PCMT) cho học sinh THCS, kỹ năng PCMT cho học sinh THPT, hướng dẫn giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục kỹ năng PCMT cho học sinh trung học, hướng dẫn cha mẹ kỹ năng PCMT cho học sinh trung học. 

Thiếu tướng Vũ Hùng Vương, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công an, Đại diện Hội đồng cố vấn bộ tài liệu cho biết, phòng, chống túy trong lứa tuổi học sinh là một vấn đề mà UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống ma túy, mại dâm, các cấp các ngành, đặc biệt là phụ huynh học sinh rất quan tâm, vừa cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài.

Thiếu tướng Vũ Hùng Vương nhớ lại, giai đoạn năm 1995, khi ma túy bắt đầu xâm nhập vào trường học, tạo thành một hiểm họa với trên 3 nghìn học sinh sinh viên nghiện ma túy, gây nhiều bức xúc lo lắng cho toàn xã hội, đặc biệt là phụ huynh. Khi đó các đơn vị chức năng đã quyết liệt vào cuộc như chống dịch để bàn việc này, huy động được sự tham gia của hệ thống chính trị, đặc biệt là kế hoạch liên ngành 1413 do Bộ Công an chủ trì thực hiện đã tuyên chiến, dứt khoát phải đẩy lùi. Kết quả đến năm 1997, cơ bản đã ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy khỏi học đường.

“Từ kết quả này, chúng ta đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm từ khâu phòng ngừa đến giáo dục tuyên truyền đặc biệt là kỹ năng cho chính học sinh, sinh viên trong phòng chống ma túy. Chính vì vậy cần phải có tài liệu hướng dẫn kỹ năng cho chính học sinh sinh viên, cộng thêm những đối tượng khác những người trực tiếp chăm sóc, dạy dỗ các em học hàng ngày như gia đình, nhà trường. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo những năm qua đều có chỉ biên soạn nhiều tài liệu ở các cấp độ khác nhau, nhiều địa phương cũng có những tài liệu riêng biệt. Tuy nhiên, qua theo dõi những tài liêu này vẫn chưa hoàn chỉnh khi tình hình tội phạm ma túy có nhiều diễn biến mới, nhiều loại ma túy hơn, cách thức sử dụng đa dạng hơn, thủ đạn tinh vi hơn. 

Việc UBQG chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn giúp cho học sinh ở lứa tuổi trung học, lứa tuổi nhạy cảm nhất, dễ bị ma túy xâm nhập nhất là hết sức cần thiết”, Thiếu tướng Vũ Hùng Vương nhận định.

Thiếu tướng Vũ Hùng Vương cũng nhận định thêm tài liệu được biên soạn tỷ mỉ và có tính chất bền vững, sử dụng được lâu dài trong hoạt động giáo dục kỹ năng PCMT cho các nhóm học sinh THCS, THPT.


TS. Lê Thị Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ GDCT và CTHSSV

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đều đánh giá cao nỗ lực của ban biên soạn và mong muốn tài liệu phòng, chống ma túy cho học sinh trung học sớm được đưa vào giảng dạy tại nhà trường.

Bà TS. Lê Thị Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ GDCT và CTHSSV cho biết, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Vụ GDCT và CT HSSV nhận thấy chưa có bộ tài liệu chính thống, đầy đủ nội dung kiến thức và kỹ năng cần thiết cho HS Trung học PCMT một cách hiệu quả để giảm thiểu tác hại của ma túy…Ngay sau khi Viện PSD hoàn thành Bộ tài liệu, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành thành lập Hội đồng Thẩm định để đánh giá nội dung, hình thức… sớm đưa Bộ tài liệu vào sử dụng trong đầu năm học 2020.

Kim Hảo
Theo Đời sống Plus/GĐVN //