Học sinh mầm non, THCS công lập sẽ được miễn học phí
Không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập, hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập và nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm.
Chính phủ đã trình bày, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc không thu học phí và nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non tại phiên họp sáng 12/9.
Hai chính sách mới trong lĩnh vực giáo dục đã được Chính phủ đề xuất tại Tờ trình về sửa đổi Luật Giáo dục, được Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trình bày, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tại phiên họp sáng nay, 12/9.
Đó là không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập, hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập và nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho Zing biết hiện nay, khung học phí mầm non, phổ thông quy định đối với các trường công lập khá thấp (khu vực thành thị từ 60.000 đồng đến 300.000 đồng; khu vực nông thôn từ 30.000 đồng đến 120.000 đồng; khu vực miền núi từ 8.000 đồng đến 60.000 đồng).
Đề xuất không thu học phí trẻ mầm non 5 tuổi. Ảnh minh họa
Riêng các cơ sở giáo dục ngoài công lập tự quyết định mức thu học phí. Tuy nhiên, đến nay Nhà nước mới chỉ thực hiện miễn học phí đối với giáo dục tiểu học, còn giáo dục trung học cơ sở, trẻ em mầm non 5 tuổi (học sinh thuộc diện phổ cập) vẫn chưa được miễn học phí. Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.
Trước đó, Lao Động đã có nhiều bài viết ghi nhận ý kiến của phụ huynh, chuyên gia, khẳng định việc miễn học phí với học sinh đến cấp THCS là chính sách nhân văn để đầu tư cho tương lai, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục.
Bộ GDĐT cũng khẳng định, để thực hiện chính sách phổ cập và giáo dục bắt buộc thì nhà nước phải có chính sách đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất trường lớp học và phải không thu học phí (không phân biệt trường công và trường tư).
Vì hiện nay vẫn còn rất nhiều hộ gia đình có thu nhập trung bình và thu nhập thấp (tiệm cận chuẩn nghèo), nếu không miễn hoàn toàn học phí cho đối tượng này, thì rất khó huy động tất cả các trẻ em học sinh đến trường.