Học ngay cách sử dụng bình chữa cháy để tự cứu mình, cứu người!

22-11-2016 11:53:53

Đa số mọi người khi gặp hỏa hoạn thường chỉ biết dùng nước, chăn, cát,… để dập lửa mà không biết cách sử dụng bình chữa cháy để cứu hỏa.

Còn nhớ khi xảy ra vụ cháy quán karaoke Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội), một nhân chứng chia sẻ với báo VietNamNet rằng vì không biết cách sử dụng bình chữa cháy nên đành vứt đó, rồi chia nhau đập cửa từng phòng hát để hô hoán mọi người.

Điều này cho thấy một thực tế đáng lo ngại là mặc dù bình cứu hỏa được trang bị ở hầu hết các nhà hàng, văn phòng,… nhưng lại ít người biết dùng đúng cách.

Bình chữa cháy khí CO2

Cách sử dụng bình chứa cháy CO2 là phun phủ lên bề mặt ngọn lửa. Ảnh minh họa/Internet

Kiểu bình chữa cháy bằng khí CO2 chuyên sử dụng trong các đám cháy nổ do thiết bị điện, do khí gas / khí methan hoặc do chất lỏng như cồn, dầu, xăng,…  Do CO2 gây ngạt và chỉ có công dụng làm loãng ngọn lửa nên bình chữa cháy dạng này chỉ thích hợp với đám cháy xảy ra trong nhà, nhưng không được dùng trong phòng kín có người.

Ngoài ra, CO2 phun ra sẽ rất lạnh (khoảng -73 độ C) nên tuyệt đối không được cầm vào loa bình hoặc phun trực tiếp vào nạn nhân, sẽ gây bỏng lạnh. Do đó, người sử dụng bình CO2 phải nhớ một tay mở khóa van, một tay cầm vào loa phun và hướng về phía gốc lửa ít nhất 0,5 mét.

Khi cứu hỏa, không phun trực tiếp xuống chất lỏng gây cháy mà phun phủ lên bề mặt ngọn lửa và phun đến khi nào lửa tắt hẳn mới thôi, VTV cho hay.

Bình chữa cháy dạng bột

Cách dùng bình chữa cháy dạng bột thích hợp với đám cháy vừa phát sinh. Ảnh minh họa/Internet

Kiểu bình chữa cháy dạng bột được chia làm nhiều loại ký hiệu khác nhau để phù hợp với từng vật liệu cháy riêng. Cụ thể, bình A cho chất cháy rắn, B cho chất cháy lỏng, C cho chất cháy khí, D hoặc E cho các vụ cháy nổ do điện.

Chẳng hạn, bình cứu hỏa có ký hiệu ABCE có thể dùng trong mọi vụ cháy nổ, BC dùng với đám cháy do xăng hoặc khí gas trong khi bình ABC phù hợp với hỏa hoạn do vật liệu cháy rắn, lỏng và khí. So với bình CO2, bình dạng bột có ưu điểm là dễ kiểm tra, dễ sử dụng, hiệu quả cao, không dẫn điện và không độc hại.

Bình chữa cháy dạng bột đặc biệt phù hợp với vụ cháy nhỏ, chỉ mới xảy ra. Khi dập lửa, người sử dụng cầm bình tới gần hiện trường cháy, xóc bình khoảng 3 – 4 lần để làm tơi bột, giật phần chốt hãm kẹp chì rồi phun bột chữa cháy vào gốc lửa theo hướng gió.

Nhân chứng trong vụ cháy Hà Nội chia sẻ không biết cách dùng bình cứu hỏa. Ảnh VietNamNet

Tuy nhiên, đám cháy dập kiểu bằng bình dạng bột dễ bùng phát trở lại nên người cứu hỏa phải kiểm tra thật kỹ. Lưu ý, tuyệt đối không phun trực tiếp bột chữa cháy vào thiết bị điện tử vì có chứa muối, sẽ gây hư hại về tài sản.

Tạm kết

Thiết nghĩ, việc tập huấn cách sử dụng bình chữa cháy, sơ cứu và dập lửa đúng cách với từng kiểu cháy nổ (do dầu, nổ điện, nổ gas,…) nên được trở thành một quy định bắt buộc trong bộ Luật Phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên trước đó, mỗi người nên tự học cách dùng bình cứu hỏa để hạn chế bớt những thảm kịch như vụ cháy Hà Nội khiến 13 người chết ở Trần Thái Tông.

Tri Thu (t/h)
Theo Đời sống Plus //