Hoạt động tín dụng và quy mô tổng tài sản của PGBank giảm trong quý 2

04-08-2022 10:16:16

Kết thúc quý 2, tổng tài sản của PGBank giảm 2,4% so với hồi đầu năm xuống còn 29.637 tỷ đồng. Đồng thời, hoạt động cho vay khách hàng và tiền gửi khách hàng của nhà băng này đều suy giảm.

Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank, UPCoM: PGB), vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2022 với thu nhập lãi thuần đạt hơn 308 tỷ đồng, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái.


Quy mô lẫn chất lượng tín dụng của PGBank suy giảm trong quý 2/2022.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 73,3% lên 17,1 tỷ đồng và lãi thuần từ hoạt động khác ghi nhận tăng gấp 18 lần lên 15,5 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 11,2 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư vỏn vẹn chỉ 266 triệu đồng, trong khi quý trước đó có lãi hơn 29,3 tỷ đồng.

Tại kỳ này, PGBank cũng tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021 lên mức 73,7 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí hoạt động của nhà băng này cũng tăng 4% lên mức gần 160 tỷ đồng.

Do đó, PGBank báo lãi trước thuế 118,6 tỷ đồng trong quý 2/2022, tăng 27,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù vẫn ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận khả quan nhưng hoạt động tín dụng và quy mô tài sản của PGBank trong quý này lại có dấu hiệu suy giảm.

Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2022, tổng tài sản của PGBank đạt 39.636 tỷ đồng, giảm 2,4% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng giảm 4,5% còn xuống 26.271,7 tỷ đồng; Tiền gửi NHNN giảm 41,6% xuống mức 602,3 tỷ đồng; Tiền gửi các TCTD khác giảm 3,5% xuống còn 7.232,8 tỷ đồng,...

Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng của PGBank cũng suy giảm 1,4% so với hồi đầu năm xuống còn 27.679,3 tỷ đồng, tiền gửi và vay các TCTD khác giảm 9,4% xuống mức 6.435,4 tỷ đồng.

Ngoài nợ xấu nội bảng hơn 700 tỷ đồng, PGBank cũng đang sở hữu khoản nợ xấu 707,6 tỷ đồng tại VAMC.

Đáng lo ngại hơn là Nợ xấu nội bảng của PGBank cuối quý 2 là 700,4 tỷ đồng, tăng 13,5% so với hồi đầu năm. Trong đó, Nợ nhóm 3 ( Nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 62,7% lên mức 92,3 tỷ đồng; Nợ nhóm 4 (Nợ nghi ngờ) tăng 23,8% lên đến 108,5 tỷ đồng; Nợ nhóm 5 ( Nợ có khả năng mất vốn) tăng 5,6% lên mức gần 500 tỷ đồng, chiếm tới 71,3% tổng nợ xấu của PGBank.

Do đó, tỷ lệ nợ xấu của PGBank tăng từ mức 2,24% hồi đầu năm lên mức 2,67%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng thấp trong hệ thống, chỉ ở mức 37%.

Với tỷ lệ này, PGBank vẫn nằm trong nhóm những nhà băng có tỷ lệ nợ xấu nội bảng cao trong hệ thống. Tại thời điểm 30/6/2022, PGBank vẫn còn hơn 707,6 tỷ đồng nợ xấu tại VAMC.

Kết thúc quý 2/2022, mức vốn điều lệ tại PGBank vẫn duy trì ở mức thấp với 3.000 tỷ đồng, tuy nhiên ngân hàng này vẫn chưa có kế hoạch để tăng vốn. Do đó, đây sẽ là năm thứ 12 liên tiếp PGBank không tăng vốn điều lệ, lần gần nhất là năm 2010 khi ngân hàng tăng vốn bằng phát hành cổ phần mới và chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.

Đáng chú ý, Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn chấp thuận việc chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của cổ đông lớn tại PGBank là Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex), thông qua hình thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán. Thời gian tổ chức đấu giá dự kiến trong quý 3/2022.

Hiện tại, Petrolimex vẫn là cổ đông lớn nhất của PGBank với tỷ lệ sở hữu 40%, tương đương nắm giữ 120 triệu cổ phiếu. Và kế hoạch thoái vốn tại PGBank đã được Petrolimex công bố từ lâu. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, thương vụ này vẫn chưa thể hoàn tất.

 

Thu Thủy - Sỹ Bắc
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //