Hòa Bình: Xét nghiệm Covid-19, phát hiện bệnh nhân mắc bệnh Whitmore
Nam bệnh nhân ở Hòa Bình nhập viện trong tình trạng viêm phổi - sốc nhiễm khuẩn - suy đa tạng nhưng lại âm tính với Covid-19. Tập trung xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện vi khuẩn Whitmore.
Bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức Tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình, cho báo VnExpress biết bệnh nhân trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, làm việc trong trại nuôi lợn ở khu công nghiệp tại Bắc Giang. Thông thường, cứ ba đến bốn tháng, anh về thăm gia đình ở Tân Lạc, Hòa Bình, nhưng do dịch bệnh nên mấy tháng nay đều ở lại khu công nghiệp. Công việc hằng ngày của anh là tắm rửa, cho lợn ăn và vệ sinh chuồng trại.
Ngày 16/8, bệnh nhân sốt cao không hạ. Ba ngày sau, tình trạng khó thở tăng dần, anh về quê ở Hòa Bình để khám bệnh. Trạm y tế huyện chủ động cách ly bệnh nhân để điều trị và phối hợp Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh (CDC) lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm RT-PCR sàng lọc Covid-19.
Khi chưa có kết quả RT-PCR, tình trạng suy hô hấp của người bệnh tiến triển nặng kèm theo sốc nhiễm khuẩn nên được hội chẩn, chuyển đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình. Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực cũng thông tin với Vietnamnet, ngay khi tiếp nhận, bệnh viện đã bố trí cho trường hợp này khu vực cách ly riêng để điều trị và chăm sóc tạm thời.
Người bệnh có tình trạng suy hô hấp, tụt huyết áp, suy thận cấp, suy gan cấp, tổn thương phổi lan toả 2 bên. Bệnh nhân trong trạng thái lơ mơ nên không khai thác được yếu tố dịch tễ.
Nam bệnh nhân và các bác sĩ điều trị. Ảnh: VTV
Kết quả xét nghiệm RT-PCR từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình đều cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Loại trừ nguyên nhân do COVID-19, các bác sĩ tập trung tìm nguyên nhân gây viêm phổi - sốc nhiễm khuẩn - suy đa tạng cho bệnh nhân.
Hai ngày sau, kết quả cấy máu phân lập được vi khuẩn gây bệnh Whitmore (melioidosis) - căn bệnh vẫn được gọi là "vi khuẩn ăn thịt người". Hiện tại, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và vẫn đang được điều trị, chăm sóc tích cực.
Bệnh Whitmore do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei gây nên (chưa có vaccine dự phòng). Vi khuẩn này có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc bệnh nhân hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.
Bệnh thường xảy ra vào mùa mưa, tập trung từ tháng 6 đến tháng 11 hàng năm. Người có sẵn các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, bệnh phổi mạn tính... dễ bị mắc Whitmore.
Điều trị bệnh Whitmore hết sức khó khăn, nếu không được điều trị đúng liều, đúng phác đồ và theo dõi sát sao, bệnh dễ tái phát, sức khỏe bệnh nhân suy kiệt dần và có thể tử vong. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong lên tới 40%.