'Hiến thân' cho rắn hổ mang cắn hàng tuần để hệ miễn dịch luôn khỏe
Chàng trai cho rắn hổ mang cắn mỗi tuần để tăng sức đề kháng là một câu chuyện vô cùng lạ lùng xuất hiện trên truyền hình.
Joe Quililan, một người bắt rắn trẻ từ Philippines, được mệnh danh là "Venom Man" vì thói quen bất thường của anh ta khi để rắn độc cắn mỗi tuần; hay thậm chí tiêm một lượng nhỏ nọc độc vào cơ thể để tăng sức đề kháng của bản thân.
Quililan, 31 tuổi, đến từ thành phố Cagayan de Oro, đã bắt được con rắn hổ mang Bắc Philippine đầu tiên khi anh mới 14 tuổi. Hồi đó, anh này không có nhiều kinh nghiệm xử lý rắn. Vì vậy, một lần bị rắn hổ mang cắn, thay vì đi đến bệnh viện, anh Quililan chỉ nặn máu độc ra và mặc kệ vết thương.
Hầu hết mọi người sẽ gặp phải những vấn đề về hô hấp nghiêm trọng ngay sau khi bị rắn cắn, tiếp theo là mất ý thức và thậm chí là thiệt mạng, nhưng Quililan thì không sao. Anh cho biết rằng: sau khi bị con rắn đầu tiên cắn, anh chợt nhận ra mình có một sức đề kháng bất thường với nọc độc rắn hổ mang và đã dành những năm sau cố gắng để trở nên hoàn toàn miễn dịch với nó.
Quililan tuyên bố đã đạt được mục tiêu miễn dịch với nọc độc, mặc dù anh thừa nhận rằng quá trình này không phải là dễ như tưởng tượng. Trong suốt những năm qua, anh đã phải chịu đựng hàng trăm vết rắn cắn, một số trong đó đã khiến anh phải nhập viện.
Có 5 lần tính mạng của anh bị đe doạ vì lượng nọc độc rắn vào cơ thể quá nhiều. Ảnh: Internet
Thậm chí một ngón tay của anh đã bị phẫu thuật cắt bỏ sau một vết cắn của rắn lục, nhưng anh Quililan không bỏ cuộc.
Mới đây, Joe xuất hiện trên show Kapuso Mo, Jessica Soho (KMJS) của Good Morning America và khoe khả năng miễn dịch với nọc độc rắn bằng cách cho một con rắn hổ mang cắn mình hai lần. Sau khi được đưa đến viện, các bác sĩ kiểm tra và xác nhận tình trạng sức khỏe của anh hoàn toàn tốt. Một tiếng sau, Joe được cho xuất viện.
Người ta cũng lấy mẫu máu của Joe gửi tới Viện nghiên cứu Y học Nhiệt đới để phân tích. Kết quả cũng xác nhận các kháng thể trong người anh có thể trung hòa được nọc độc của rắn hổ mang.
"Chúng tôi nhận thấy anh Joe thực sự có các kháng thể có thể chống lại được nọc độc", Eleonor Cervantes, một chuyên gia nghiên cứu khoa học lâu năm, cho biết. "Nhưng máu của anh ấy có thể trung hòa được nọc độc đến mức nào thì chúng tôi vẫn chưa biết chắc. Anh ấy là người đầu tiên có khả năng này".
Từng là nhân viên trong một cửa hàng bán đồ cho thú cưng ở Cagayan de Oro, mới đây Joe tìm được một công việc ở Bộ Tài nguyên Môi trường Philippines. Anh hy vọng sẽ tận dụng được khả năng đặc biệt để bảo tồn rắn, giúp người dân hiểu hơn về loài rắn cũng như vai trò của chúng trong tự nhiên.