Hàng nghìn doanh nghiệp bất động sản, xây dựng phá sản, tháo chạy khỏi thị trường
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) công bố, 8 tháng qua có hơn 860 doanh nghiệp xây dựng, hơn 850 doanh nghiệp bất động sản đã làm thủ tục phá sản.
Mỗi ngày có hàng trăm doanh nghiệp xây dựng, bất động sản phá sản
Trong đó, số doanh nghiệp bất động sản tăng hơn 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân, mỗi tháng có hơn 106 doanh nghiệp bất động sản phá sản hoặc rút lui khỏi thị trường do khó khăn của ngành này trong hơn 1 năm qua. Tương tự, cũng có hơn 107 doanh nghiệp xây dựng bị phá sản mỗi tháng do tình hình kinh tế khó khăn.
Tính chung 8 tháng năm 2023, có 71.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước; 41.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 26,7%; 11.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,2%.
Hàng nghìn doanh nghiệp bất động sản, xây dựng đã phá sản trong 8 tháng qua do khó khăn của kinh tế (Ảnh: Thái Nguyễn)
Tổng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ phá sản và hoàn tất thủ tục phá sản lên đến hơn 124.700 doanh nghiệp. Bình quân một tháng có gần 15.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Chỉ riêng trong tháng 8/2023, đã có hơn 5.100 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2022; có 5.216 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước; có 1.375 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Tổng số doanh nghiệp khó khăn, tạm dừng hoạt động, chờ giải thể và chính thức giải thể trong tháng 8/2023 là hơn 11.600 doanh nghiệp, bằng 1/10 số doanh nghiệp khó khăn, tháo chạy khỏi thị trường trong 8 tháng qua.
Về số doanh nghiệp thành lập mới, trong tháng 8/2023, cả nước có hơn 14.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 135.300 tỷ đồng, tăng 2,3% về số doanh nghiệp, tăng 6,6% về vốn đăng ký so với tháng 7/2023.
So với cùng kỳ năm trước, tăng 17,9% về số doanh nghiệp, tăng 3,9% về số vốn đăng ký và tăng 6,3% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 9,6 tỷ đồng, tăng 4,3% so với tháng trước và giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, cả nước còn có gần 6,3 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 10,9% so với tháng trước và giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 8 tháng năm 2023, cả nước có 103.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 969,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% về số doanh nghiệp, giảm 14,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng năm 2023 đạt 9,4 tỷ đồng, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Nếu tính cả 1.273,6 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 32,3 nghìn lượt doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng năm 2023 là 2.243,2 nghìn tỷ đồng, giảm 38,3% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, còn có 45,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (giảm 5% so với cùng kỳ năm 2022), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng năm 2023 lên 149.400 doanh nghiệp, giảm 0,03% với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, bình quân có 18.700 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động/ tháng, số doanh nghiệp lập mới, quay lại hoạt động mỗi ngày cao hơn 20% số doanh nghiệp phá sản, tháo chạy khỏi thị trường Việt Nam mỗi ngày.
Về tỷ lệ phá sản, giải thể, lớn nhất vẫn là khu vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy. 8 tháng qua, số lập mới khu vực kinh tế này đạt hơn 39.500 doanh nghiệp, tăng hơn 10.9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số giải thể cũng đạt hơn 4.400 doanh nghiệp, tăng hơn 33% so với cùng kỳ năm trước.
Số doanh nghiệp lập mới của ngành này chiếm khoảng 51,7% số doanh nghiệp thành lập mới trong nhóm 7 ngành có số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất hiện nay.
Trong khi đó, doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy cũng có tỷ lệ phá sản rất cao, hơn 50% trong 7 ngành có số doanh nghiệp giải thể, phá sản cao nhất. Số doanh nghiệp này phá sản trong 8 tháng qua lên đến hơn 4.400 doanh nghiệp, bình quân mỗi tháng có hơn 550 doanh nghiệp ngành này phá sản, giải thể.
Đây là năm thứ 2, doanh nghiệp ngành kinh doanh bất động sản, xây dựng gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và những khó khăn của doanh nghiệp hậu khủng hoảng. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đóng băng còn do các nguyên nhân từ giá bất động sản cao hơn giá trị thực tế, thị trường chứng khoán, trái phiếu - kênh huy động vốn dài hạn cho bất động sản thời gian qua gặp khủng hoảng, đang tái cơ cấu và hồi phục. Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lớn như Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát dính líu đến các gian lận về huy động vốn, phát hành trái phiếu và sai phạm của người đứng đầu đã ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường, khiến thị trường bất động sản trầm lắng trong thời gian khá dài.
Về huy động vốn, hiện các doanh nghiệp bất động sản chủ yếu trông chờ vào vốn ngân hàng, phát hành trái phiếu đang khó khăn. Nhiều dự án nhà ở cao cấp, phân khúc hạng sang bị đình truệ hoặc ế do tính thanh khoản thấp.
Mới đây, nhằm gỡ khó về vốn cho các doanh nghiệp bất động sản và việc giải ngân tín dụng cho người dân thông qua ngân hàng thương mại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng sửa đổi Thông tư 06/2023/TT-NHNN.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát, sửa đổi Thông tư số 06 theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các quy định gây khó khăn, hoàn thành trong ngày 25/8/2023 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thị trường bất động sản của ngân hàng cần quyết liệt, chủ động, linh hoạt hơn.