Hàng loạt cháu bé bị sùi mào gà ở Hưng Yên: "Chiếc kéo và găng tay được sử dụng cho nhiều cháu"?
Đó là lời kể của một phụ huynh có con trai bị sùi mào gà không lâu sau khi thực hiện cắt, lộn bao quy đầu tại phòng khám tư của bà H. ở Hưng Yên.
Liên quan đến vụ việc hàng chục cháu bé bị mắc bệnh sùi mào gà khi được người thân đưa đi cắt, lộn bao quy đầu tại một phòng khám nằm trên địa bàn xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, Hưng Yên, sáng ngày 18/7, PV Đời Sống Plus tiếp tục có buổi trao đổi với người nhà của các bệnh nhi.
Hàng chục bé trai bị sùi mào gà ở Hưng Yên hiện đang phải nhập viện điều trị. Ảnh VTC.
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Xuân Đ. (xã Tân Dân, Khoái Châu, Hưng Yên) có con trai 3 tuổi cũng đi khám tại phòng khám của gia đình bà H. bức xúc cho biết: "Con tôi bị đái rắt, được mọi người giới thiệu nên tôi đưa cháu đến nhờ bà H. khám và lộn bao quy đầu cho cháu. Khi gia đình tôi đưa cháu đến cũng có 2 nhà khác đưa con em đến thăm khám.
Quá trình thực hiện thủ thuật lộn bao quy đầu cho các cháu, tôi thấy bà H. chỉ dùng duy nhất một chiếc găng tay để làm cho hết cháu này đến cháu khác. Tuy không hiểu gì về chuyên môn nhưng tôi cũng biết việc đó rất có hại", anh Đ. chia sẻ.
Cũng theo thông tin từ anh Đ., hơn 2 tháng sau khi đi khám tại nhà bà H., vùng đầu bộ phận sinh dục của con trai anh bắt đầu xuất hiện những vết mẩn nhỏ sau đó sưng tấy. Lo lắng, gia đình anh đưa con đến phòng khám của bà H. nhờ xem xét lại.
Tại đây, bà H. dùng một chiếc kéo bấm những nốt sần đi và khuyên gia đình cứ đưa cháu về nhà chăm sóc. "Thực sự đến bây giờ nghĩ lại tôi mới thấy hối hận. Bản thân tận mắt chứng kiến nhưng tôi lại không ngăn cản để bây giờ dẫn đến con trai bị bệnh", anh Đ. chia sẻ.
Cùng chung nỗi bức xúc với gia đình anh Đ. Là chị G. (Đông Kết, Khoái Châu). Chị G. cho biết, gia đình chị có sinh được 2 cô con gái và cháu T.A (2 tuổi) là con trai duy nhất. Trước đó, khoảng tháng 4/2017, qua nhiều lời giới thiệu, anh chị vay mượn đưa con trai đến phòng khám của bà H. nhờ cắt bao quy đầu.
Phòng khám tư của bà H. hoạt đồng dù chưa được cấp phép
"Căn phòng khám của bà H. ẩm thấp, chỉ có 1 chiếc giường và 2 tủ đựng thuốc. Khi cháu nhà tôi đến khám, bà H. cũng đang trong quá trình khám cho 2 cháu khác. Lúc khám bệnh, tôi thấy bà không khám cho từng cháu 1 mà khám liên tục cho cả 3 cháu.
Mỗi cháu bà ấy lại kiểm tra một chút. Quá trình khám, tôi cũng không thấy bà ấy thay găng tay mà chỉ dùng duy nhất một chiếc găng đã đeo từ trước. Sau này ngẫm lại tôi mới thấy có thể cháu bị lây truyền bệnh sùi mào gà qua chiếc găng tay đó", chị G. tâm sự.
Theo lời chị G., vợ chồng chị hoàn toàn khoẻ mạnh, không hề mắc căn bệnh xã hội nào nên không thể có chuyện anh chị truyền sang cho con. "Hiện gia đình tôi và nhiều gia đình khác đang rất bức xúc. Chỉ mong cơ quan chức năng vào cuộc để lấy lại công bằng cho các cháu", chị G. sụt sùi.
Theo nguồn tin riêng của Đời Sống Plus, bà H. vốn xuất thân từ một y sĩ, hiện đang công tác tại Trạm Y tế xã Mễ Sở, Văn Giang, Hưng Yên. Hàng ngày, ngoài công việc trong giờ hành chính, bà H. thường tổ chức khám bệnh tại nhà riêng. Hầu hết các trường hợp cháu bé mắc bệnh sùi mào gà đều được bà H. khám vào ban đêm, ngoài giờ hành chính.
Đời Sống Plus sẽ tiếp tục thông tin.
Clip 3 thời điểm mẹ tuyệt đối không được cho cho con bú để không hại trẻ