Hàn Quốc triển khai giáo dục suốt đời
Bộ Giáo dục Hàn Quốc mới đây đã công bố kế hoạch xúc tiến 5 năm để triển khai mô hình giáo dục suốt đời cho người dân cả nước.
Sinh viên Trường Đại học Chung-Ang, Hàn Quốc, làm lễ tốt nghiệp vào năm 2022.
Cụ thể, Bộ Giáo dục cho phép những người trưởng thành chưa có bằng đại học tham gia vào các khóa học không cấp bằng ngắn hạn. Các khóa học do các cơ sở giáo dục đại học Hàn Quốc xây dựng chương trình và triển khai đào tạo, thường kéo dài một đến ba tháng.
Tương tự như chương trình đại học, các khóa học nằm trong mô hình giáo dục suốt đời có tín chỉ. Sau khi hoàn thành các tín chỉ theo quy định, người học sẽ được cấp giấy chứng nhận thay bằng cấp.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục Hàn Quốc sẽ xây dựng một ủy ban phối hợp gồm chính quyền địa phương, trường đại học và doanh nghiệp để đảm bảo mọi người dân được tiếp cận với giáo dục suốt đời. Liên doanh mới cũng góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương, cũng như sự tăng trưởng cân bằng của quốc gia.
Theo nghiên cứu của Chính phủ Hàn Quốc, người dân ở độ tuổi 30, 40 và 50 chiếm phần lớn dân số nước này là những người tạo thành xương sống của xã hội Hàn Quốc.
Do đó, họ cần được giáo dục để chuyển đổi nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu đổi mới của xã hội. Giáo dục suốt đời và học tập toàn diện sẽ góp phần hoàn thiện mục tiêu trên.
Trước đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo hệ thống giáo dục Hàn Quốc không thể đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động hiện đại. Nhiều cử nhân thiếu hụt kỹ năng học tập suốt đời để duy trì cạnh tranh trong công việc.