Hãi hùng ở nơi con người phải bán nội tạng của mình để duy trì sự sống
Những người tị nạn đến Liban không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bán nội tạng của mình để kiếm tiền duy trì cuộc sống. Đó là cách kiếm tiền nhanh nhất.
Trước khi gia nhập một nhóm chuyên kinh doanh nội tạng người, Abu Jaafar (tên nhân vật đã được thay đổi) là nhân viên bảo vệ tại một quán rượu. Nhiệm vụ của Abu Jaafar là tìm kiếm những người đang tuyệt vọng và sẵn sàng chấp nhận bán đi một phần cơ thể của mình để kiếm tiền. Dòng người tị nạn từ Syria đến Liban đã tạo thêm cơ hội làm ăn cho bọn buôn lậu nội tạng người.
"Tôi khai thác con người và họ cũng nhận được lợi lộc. Việc phải bán đi một bộ phận trên cơ thể không có gì là đáng sợ so với những gì họ phải trải qua ở Syria, nơi chiến tranh, khủng bố vẫn tiếp diễn liên tục”, Abu Jaafar cho biết.
Căn cứ của Abu là quán cà phê nhỏ tại một trong những khu ngoại ô đông dân cư ở phía nam Beirut . Trong một căn nhà đã xuống cấp trầm trọng, Abu Jaafar thu xếp công việc bán nội tạng từ những người tị nạn đến Liban. Trong 3 năm qua, Abu đã thực hiện giao dịch thành công với trên 30 người tị nạn.
Abu luôn tự hào về công việc mình đang làm cho dù nó có vô nhận đạo đến mức nào đi chăng nữa
"Thận là một trong những bộ phận mà bên mua đòi hòi nhiều nhất. Ngoài thứ đó, tôi cũng có thể tìm kiếm được các thứ tạng khác. Có lần, người ta hỏi mua mắt và tôi tìm được ngay một khách hàng sẵn sàng bán mắt của mình.
Tôi chụp ảnh con mắt đó và gửi đến khách hàng qua ứng dụng WhatsApp để họ xác nhận sau đó mới tiến hành giao hàng”, Abu kể lại tường tận công việc của mình.
Những người tị nạn đến Liban thường sống trong những căn lều tạm và nhận được rất ít viện trợ. Phần đông những người tuyệt vọng nhất đến từ Syria sau khi chính quyền Liban yêu cầu Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngưng làm thủ tục đăng ký cho những người tị nạn mới vào tháng 5/2015.
"Không được làm thủ tục đăng ký đương nhiên những người tị nạn sẽ trở nên tuyệt vọng và bi quan. Một số người tị nạn, phần lớn là trẻ em, phải ăn xin trên đường phố hoặc hành nghề đánh giày. Nhiều người sa vào con đường mại dâm.
Trong hoàn cảnh đó, họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc bán nội tạng của mình để kiếm tiền duy trì cuộc sống. Bán nội tạng là cách kiếm tiền nhanh nhất”, Abu cho biết.
Một khi tìm được người sẵn sàng bán nội tạng, Abu sẽ bịt mắt người đó và đưa anh ta đến một địa điểm bí ẩn trong khoảng thời gian đã được chỉ định trước. Đôi khi, các bác sĩ cũng tham gia vào đường dây buôn bán nội tạng trái phép ở Liban.
Một người tị nạn Syria đã bán thận
“Trước khi giải phẫu, các vị khách sẽ được xét nghiệm máu. Sau khi lấy được thứ mình cần, tôi không quan tâm việc khách hàng có bị nguy hiểm đến tính mạng hay không. Miễn là họ được thanh toán tiền đầy đủ, còn những việc sau đó không liên quan đến tôi”, Abu nói.
Khách hàng gần đây nhất của Abu Jaafar là cậu thiếu niên 17 tuổi rời Syria sau khi cha và anh em bị giết chết ở đó. Người này đã ở tại Liban suốt 3 năm mà không có việc làm và nợ nần rất nhiều do phải kiếm tiền nuôi mẹ và 5 chị em gái.
Thông qua Abu, vị khách này đã đồng ý bán quả thận bên phải của mình với giá 8.000 USD. Hai ngày sau ca mổ lấy thận, dù đã được uống thuốc nhưng cậu thiếu niên này vẫn phải chịu đựng sự đau đớn khủng khiếp và máu liên tục chảy ra từ vết thương.
Abu từ chối tiết lộ, anh ta bỏ túi được bao nhiêu tiền qua vụ bán thận này và cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho các cơ quan nội tạng người sau khi chúng được mổ lấy ra khỏi cơ thể nhưng rất có thể chúng được xuất khẩu.
Trên khắp vùng Trung Đông, cơ quan nội tạng được hiến tặng để phẫu thuật cấy ghép là vô cùng hiếm do văn hóa và tôn giáo ở đây chống đối sự hiến tặng nội tạng người. Những người dân ở đây chỉ muốn chôn cất người chết ngay lập tức. Nhưng Abu khẳng định có ít nhất 7 người trung gian mua bán nội tạng người như anh ta ở Liban.
Theo nhận định của Abu Jaafar, việc kinh doanh, buôn bán nội tạng người đang bùng phát và sẽ không có dấu hiệu thuyên giảm, đặc biệt khi làn sóng tị nạn từ Syria tràn vào Liban hàng ngày.
Tại khu vực sinh sống của mình, Abu Jaafar luôn khiến mọi người sợ hãi. Anh ta lúc nào cũng mang theo khẩu súng ngắn bên người và thường xuyên trêu đùa những người xung quanh.
Abu Jaafar luôn khiến mọi người sợ hãi. Anh ta lúc nào cũng mang theo khẩu súng ngắn bên người và thường xuyên trêu đùa những người xung quanh
Abu Jaafar biết rõ là mình đang làm chuyện phạm pháp nhưng anh ta không hề sợ. Trên thực tế, anh ta còn công khai việc làm của mình bằng cách phun sơn số điện di động của mình lên những bức tường gần nhà để những người muốn bán nội tạng biết cách liên lạc.
"Tôi biết những gì mình đang làm là bất hợp pháp nhưng tôi đang giúp đỡ mọi người. Đó là cách nghĩ của riêng tôi. Người bán nội tạng được trả tiền để có cuộc sống tốt đẹp hơn cho bản thân và gia đình. Anh ta có thể dùng tiền để mua một chiếc xe và hành nghề lái taxi hay di chuyển sang quốc gia khác.
Tôi không bắt buộc ai phải thực hiện việc này. Tôi chỉ chỉ tạo điều kiện dựa trên yêu cầu của một ai đó", Abu luôn tự hào về công việc mình đang làm cho dù nó có vô nhận đạo đến mức nào đi chăng nữa.