Hà Nội tiêm xong khối nào, tổ chức cho khối đó đi học

05-11-2021 07:10:11

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn cho học sinh nên việc mở lại trường học cũng phải từng bước thận trọng, không nóng vội

Sự kiện:
Hà Nội

Ảnh minh họa

Trao đổi với báo chí ngày 4/11, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Hà Nội có gần 3.000 trường học với khoảng 2,1 triệu học sinh; đến nay đều chưa được tiêm vắc xin. Việc đưa tất cả trường học trở lại đồng loạt trong bối cảnh như vậy rất rủi ro. 

Thông tin trên báo VietNamnet, từ ngày 11/10 đến nay, số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 trung bình trong ngày tăng mạnh, gấp nhiều lần giai đoạn trước đó (từ ngày 21/9 đến 10/10).

Trên địa bàn Thành phố liên tục xảy ra các chuỗi lây nhiễm phức tạp liên quan tới việc tập trung đông người ở các huyện Quốc Oai, Mê Linh, Gia Lâm, các quận Hoàng Mai, Đống Đa, gần đây nhất là các ca bệnh tại quận Ba Đình, Hà Đông... 

Đáng lo ngại, từ ngày 28/10 đến ngày 4/11, số ca nhiễm tăng lên bình quân từ 33-104 ca/ngày. Trong bối cảnh mở ra hiện nay, các nguồn lây xâm nhập từ các phía và nguy cơ dịch đã ngấm sâu trong cộng đồng khiến rủi ro càng lớn hơn. Nhiều tỉnh sau khi mở lại trường học đã phát sinh ổ dịch lây nhiễm cho học sinh dẫn đến buộc phải đóng cửa trở lại là kinh nghiệm đòi hỏi Hà Nội càng phải thận trọng, không nóng vội. 

Thống nhất cao về sự cần thiết đối với việc cho học sinh trở lại trường học, ông Đinh Tiến Dũng khẳng định, Hà Nội sẽ mở lại toàn bộ hệ thống giáo dục và đào tạo. Cách làm là đi từng bước để bảo đảm an toàn cao nhất cho trẻ em.

Theo đó, trước mắt, xem xét việc tổ chức dạy và học trực tiếp tại một số huyện, thị xã bảo đảm điều kiện về phòng, chống dịch Covid-19. Riêng đối với các quận, do mật độ dân cư đông nên cần tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh để xem xét trong thời gian tiếp theo. 

Thông tin trên báo Dân Trí cho biết, theo kế hoạch, Bộ Y tế sẽ phân bổ vaccine Pfizer cho Hà Nội trong tháng 11 để tiêm cho trẻ dưới 18 tuổi theo quy định. Đây là điều kiện rất quan trọng để tăng thêm độ an toàn khi tiến hành quá trình khôi phục hoạt động của hệ thống trường học. 

Vì vậy, Bí thư Hà Nội đề nghị Bộ Y tế quan tâm, hỗ trợ cấp vaccine cho thành phố đúng tiến độ và kế hoạch để kịp thời tiêm cho học sinh trước khi trở lại trường, hạn chế thấp nhất nguy cơ mất an toàn từ dịch Covid-19 đối với trẻ.

Đồng thời, ông yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo Sở Y tế xây dựng kịch bản, kích hoạt dây chuyền tiêm, tổng duyệt để sẵn sàng triển khai chương trình tiêm chủng thần tốc, an toàn khi được cấp bổ sung vaccine; ưu tiên tiêm trước cho trẻ dưới 18 tuổi theo quy định.

Trong đó, cần thực hiện tiêm cuốn chiếu theo từng địa phương dự kiến đi học; tiêm xong khối nào, tổ chức cho khối đó đi học, dần dần từng bước đưa toàn bộ hệ thống giáo dục quay trở lại học tập trung. Giáo viên tiêm 2 mũi mới tham gia giảng dạy trực tiếp; học sinh tiêm một mũi có thể đến trường trước. Các nhóm tuổi chưa đủ điều kiện hoặc chưa được tiêm vaccine sẽ trở lại học trực tiếp khi trường học được bảo đảm an toàn theo các tiêu chí quy định.

Ông Dũng bày tỏ: "Thế hệ trẻ là tương lai của Thủ đô và đất nước nên thành phố sẽ giành nguồn lực, sự quan tâm tối đa để bảo đảm an toàn cũng như sự phát triển thể chất, trí tuệ bình thường của các em. Mỗi người, mỗi gia đình chia sẻ cùng với chính quyền các cấp để chăm sóc, bảo vệ, giáo dục con em mình là điều kiện để sớm đưa hệ thống giáo dục Thủ đô trở lại trạng thái "bình thường mới" trong thời gian sớm nhất".

Theo đó, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu Sở Y tế và Sở GD-ĐT là hai cơ quan thường trực, nòng cốt, phải phối hợp thật chặt chẽ, hiệu quả với nhau, với các địa phương để tổ chức thực hiện tiêm chủng và triển khai phương án dạy và học. 

Song song với nhiệm vụ đưa trường học trở lại, Sở GD-ĐT vẫn phải nghiên cứu tìm giải pháp xây dựng kịch bản, đề cương học trực tuyến tốt nhất, hiệu quả nhất, để nơi nào chưa thể đưa trẻ đến trường thì học sinh vẫn được tiếp nhận chất lượng giáo dục tốt nhất.

 

H.N (t/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //