Hà Nội: Số ca mắc sốt xuất huyết giảm tới 74,8% so với tuần trước đó
Trong tuần qua, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội giảm 74,8% so với tuần trước; toàn thành phố có 19.670 ca mắc bệnh này trong năm 2022, tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Ảnh minh họa.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, trong tuần qua, toàn thành phố ghi nhận hơn 90 cá mắc sốt xuất huyết, đồng thời không ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết mới.
Cụ thể, trong tuần qua (từ ngày 30/12/2022 đến ngày 6/1/2023), trên địa bàn Thủ đô ghi nhận 92 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 74,8% so với tuần trước. Các bệnh nhân xuất hiện tại 14/30 quận, huyện, thị xã; không ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết mới.
Như vậy, kể từ đầu năm 2022 đến nay, tại Hà Nội có 19.670 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2021). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 567/579 xã, phường, thị trấn. Trên địa bàn đã ghi nhận 1.432 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã; hiện không còn ổ dịch đang hoạt động.
Thời gian qua, thành phố cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định phòng, chống dịch, đặc biệt xử lý nghiêm tình trạng chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.
Để hạn chế số ca mắc mới, Hà Nội cũng kêu gọi người dân phối hợp diệt muỗi, diệt bọ gậy, loăng quăng, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, tích cực vệ sinh môi trường, không cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển.
Trong thời gian tới, Hà Nội cũng tiếp tục duy trì các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết theo phân cấp tại từng tuyến. Trong đó, thực hiện việc giám sát ca bệnh tại các cơ sở y tế hàng ngày; lấy mẫu, bảo quản, vận chuyển mẫu xét nghiệm đạt yêu cầu về kỹ thuật, đáp ứng chẩn đoán sớm ca bệnh, ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan, bùng phát.
Về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới, CDC Hà Nội cho rằng, thành phố cần tiếp tục chủ động giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.
Bên cạnh đó, tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy tại các khu vực ổ dịch một cách triệt để, bảo đảm các chỉ số côn trùng dưới ngưỡng (BI<20) mới được coi là đạt và được phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, bảo đảm tỷ lệ phun đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế.
Mặt khác, duy trì công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định phòng, chống dịch, đặc biệt xử lý nghiêm tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.