Hà Nội rà soát các cơ sở y tế có số tiền khám chữa bệnh BHYT tăng bất thường

01-07-2021 14:00:53

Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, hưởng ứng Ngày bảo hiểm y tế Việt Nam ( 1/7), BHXH TP Hà Nội sẽ tập trung đánh giá tình hình chi phí khám chữa bệnh và sử dụng nguồn kinh phí chi khám chữa bệnh BHYT của các cơ sở y tế trên địa bàn.


Ảnh minh họa

Trong đó tập trung xác định các chỉ số gia tăng bất thường để thông báo, cảnh báo cho các cơ sở y tế kịp thời rà soát điều chỉnh, đồng thời thông tin để các sở, ngành liên quan kịp thời có các giải pháp chỉ đạo xử lý.

Theo thống kê đến ngày 30/6 cho thấy, số người tham gia BHYT trên địa bàn Hà Nội là 7.300.029 người, tăng 60.935 người so với tháng 12/2020, tăng 327.593 người so với cùng kỳ năm 2020; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 90,1% dân số (chỉ tiêu giao năm 2021 là 91,5%). Trong khi đó, số lượt khám chữa bệnh BHYT là 4.858.364 lượt với chi phí bệnh viện đề nghị cơ quan BHXH thanh toán cho bệnh nhân BHYT khoảng 8.532,9 tỷ đồng bằng 45,4% dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao.

Trước thực tế trên, BHXH TP Hà Nội yêu cầu tổ chức công tác giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT chặt chẽ; tăng cường công tác giám định theo các chuyên đề qua phân tích dữ liệu và cảnh báo của BHXH Việt Nam, kiên quyết từ chối thanh toán các chi phí không đúng quy định. Mặt khác, BHXH TP Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra bệnh nhân nội trú trong giờ và ngoài giờ hành chính. Trường hợp phát hiện trục lợi và lạm dụng quỹ BHYT qua công tác kiểm tra, công tác giám định, sẽ báo cáo và chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật.

Thực tế kết quả thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền, báo cáo kiến nghị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT cũng như kết quả kiểm tra rà soát cơ sở dữ liệu trên Hệ thống thông tin giám định BHYT ở các địa phương cho thấy, vẫn còn tồn tại một số vấn đề bất cập như việc tạm ứng, thanh quyết toán chi phí KCB BHYT giữa cơ quan BHXH với cơ sở KCB chưa được thực hiện kịp thời theo đúng quy định tại Điều 32 Luật BHYT, còn tình trạng chậm tạm ứng, tạm ứng kinh phí KCB khi thừa, khi thiếu.

Việc ký hợp đồng KCB BHYT không hoàn thành đúng thời hạn theo quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ; tình trạng thống kê, thanh toán chi phí KCB BHYT không hợp lý, không đúng quy định, thanh toán khống chi phí KCB BHYT vẫn xảy ra. Đồng thời, công tác giám định trực tiếp tại cơ sở KCB chưa được thường xuyên dẫn đến không phát hiện được tình trạng kê khống đơn thuốc, dịch vụ kỹ thuật, cấp khống giấy nghỉ ốm để hưởng BHXH…

LAN HƯƠNG
Theo Đại Đoàn Kết //