Hà Nội: Ổ dịch ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương có thể đã qua 2-3 chu kỳ
TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định, có thể ổ dịch ở bệnh viện này đã qua 2 đến 3 chu kỳ, nguy cơ lây lan dịch trong toàn viện rất dễ xảy ra.
Theo TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), có thể ổ dịch ở bệnh viện này đã qua 2 đến 3 chu kỳ, nguy cơ lây lan dịch trong toàn viện rất dễ xảy ra. Do đó, việc xét nghiệm càng phải đẩy nhanh, ít nhất 3 ngày phải làm một lần để nhanh chóng bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, nếu có khả năng thì viện có thể làm hàng ngày.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Khoa đề nghị các bộ phận khác trong bệnh viện, ngoại trừ toà nhà BC, cần phân luồng người bệnh tới khám chặt chẽ, kiểm soát vấn đề thăm nuôi. Tất cả các trường hợp có triệu chứng phải lấy mẫu xét nghiệm ngay.
Trước đó, theo báo cáo của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, 8h ngày 1/12, qua sàng lọc đo thân nhiệt hàng ngày, cán bộ y tế phát hiện 2 bệnh nhân tại phòng 502, thuộc khoa Sản bệnh lý, tòa nhà BC bị sốt và ho. Kết quả test nhanh của hai bệnh nhân này dương tính. Bệnh viện tiếp tục lấy mẫu test nhanh cho các trường hợp còn lại ở buồng bệnh này phát hiện 15 ca dương tính.
Trong ngày 1/12, có 22 ca dương tính trong tổng số 681 trường hợp lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR. Đến ngày 3/12, tổng số mẫu xét nghiệm đã thực hiện là 2.081 (gồm nhân viên y tế, người nhà bệnh nhân và bệnh nhân), phát hiện 25 ca dương tính (trong đó có 1 nữ bác sĩ nội trú) ở tầng 4 và 5 (đều thuộc khoa Sản bệnh lý).
Toà nhà BC gồm 11 tầng đã được phong toả, đặc biệt là tầng 4-5, khử khuẩn toàn bộ. Ngoại trừ việc phong toả toà nhà BC, các hoạt động khám chữa bệnh khác của Bệnh viện Phụ sản Trung ương vẫn diễn ra bình thường.
Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội
Theo Phó giáo sư Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, hai buồng bệnh số 502 và 513 gồm 28 bệnh nhân và người nhà. Đây là những thai phụ mắc các bệnh lý như rau tiền đạo, rau cài răng lược... đã điều trị lâu ngày. Tòa nhà BC gồm các khoa khác nhau, nằm tách biệt hẳn so với các khu vực khác của bệnh viện.
Từ ngày 1/12 đến nay, toàn bộ nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong toà nhà BC được yêu cầu ở lại đây, thực hiện 4 tại chỗ. Các F1 là nhân viên y tế đang chăm sóc, điều trị cho các F1 là người bệnh. Tất cả nhân viên y tế trong tòa nhà BC hiện đã âm tính lần 1. Dự kiến trưa 4/12, Bệnh viện sẽ lấy mẫu xét nghiệm lần thứ 2 cho toàn bộ bệnh nhân, người nhà và cán bộ nhân viên y tế tại tòa nhà BC.
Về tình hình dịch tại Hà Nội, trong ngày 2/12, trên địa bàn thành phố ghi nhận 542 ca bệnh trong đó, cộng đồng (161), khu cách ly (236), khu phong tỏa (145). Phân bố 542 bệnh nhân tại 170 xã, phường, thị trấn thuộc 25/30 quận, huyện: Hai Bà Trưng (81); Hoàn Kiếm, Hoàng Mai (59); Đống Đa (54), Mê Linh (49), Đông Anh (38), Ba Đình (27), Gia Lâm (24); Chương Mỹ, Nam Từ Liêm (16); Long Biên (15); Thanh Oai, Sóc Sơn (14); Thường Tín (12), Thanh Xuân (10); Tây Hồ, Bắc Từ Liêm (9); Ba Vì, Hoài Đức (8); Đan Phượng (7); Phúc Thọ, Thạch Thất, Cầu Giấy (4); Quốc Oai (1).
Phân bố 161 ca cộng đồng theo theo quận, huyện: Phân bố tại 89 xã phường thuộc 23/30 quận huyện: Hoàng Mai (23), Đống Đa (19); Mê Linh, Sóc Sơn (12); Đông Anh (10), Thường Tín, Hoàn Kiếm (9); Hai Bà Trưng (8); Long Biên, Gia Lâm, Tây Hồ, Thanh Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ (6); Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm (4); Ba Đình, Thanh Xuân, Phúc Thọ (3); Thạch Thất, Đan Phượng (2), Ba Vì, Cầu Giấy (1).
Cộng dồn số mắc tại Hà Nội năm 2021 là 12.117 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 4.833 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 7284 ca.