Hà Nội: Giáo viên sẵn sàng tâm thế chọn sách lớp 3, 7, 10
Chọn sách giáo khoa phù hợp để đưa vào giảng dạy ở các nhà trường là khâu quan trọng đang được ngành Giáo dục Hà Nội triển khai bài bản với mục tiêu tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập.
Các trường đã hoàn thành việc giới thiệu sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10
Cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về từng cuốn sách
Trong tháng 3 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phối hợp với các nhà xuất bản đã tổ chức hội nghị giới thiệu sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây để dịp để các chủ biên, tác giả sách và giáo viên có cơ hội trao đổi, tìm hiểu kỹ hơn về từng cuốn sách.
Cô Cao Thị Loan- Tổ trưởng chuyên môn khối 3 Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàng Kiếm) chia sẻ: Hội thảo là dịp để các tác giả sách trình bày, chia sẻ về quá trình biên soạn, nội dung cơ bản, thông điệp của các cuốn sách, qua đó, giúp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tiếp cận, nắm bắt các nội dung cơ bản, cốt lõi của bộ sách, giúp cho việc lựa chọn và triển khai vận dụng hiệu quả trong công tác dạy, học.
Bên cạnh đó, các nhà xuất bản cũng cung cấp thêm các tài liệu hỗ trợ giảng dạy gồm: sách giáo viên, vở bài tập, trang web tập huấn, học liệu điện tử. Các học liệu đi kèm giúp giảm nhẹ gánh nặng lên giáo viên mỗi giờ lên lớp, tăng cường tương tác, hiệu quả dạy học. Các tác giả cũng khẳng định việc sẽ đồng, giúp giáo viên tháo gỡ các khó khăn nếu có trong quá trình dạy và học.
"Buổi hội thảo này thực sự có ý nghĩa đối với chúng tôi, các tác giả đã giúp cho giáo viên hiểu rõ hơn về từng bộ sách, giải đáp các thắc mắc trong quá trình tự nghiên cứu của giáo viên, từ đó chúng tôi có thêm cơ sở vững chắc trong việc lựa chọn bộ sách phù hợp với hoạt động dạy học của nhà trường"- cô Loan nói.
Cô Nguyễn Thu Nguyệt- giáo viên Trường THCS Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) chia sẻ: Tại buổi tập huấn, cán bộ quản lý và giáo viên đã được các Tổng chủ biên, Chủ biên, tác giả sách giáo khoa của các bộ sách Cánh Diều, Kết nối tri thức, Chân trời sáng tạo và một số bộ sách giáo khoa môn Tiếng Anh 7 hướng dẫn về cấu trúc sách giáo khoa, học liệu bổ trợ của các bộ sách.
Tác giả các cuốn sách đã hướng dẫn sự đổi mới, cách triển khai của phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá học sinh qua các phương pháp dạy học tích cực ở đó giáo viên tập trung tổ chức các hoạt động học của học sinh, phát triển năng lực học sinh; hướng dẫn sử dụng học liệu điện tử trong quá trình giảng dạy.
Theo đó, giáo viên được bồi dưỡng đổi mới phương pháp, nâng cao hiệu quả giờ dạy thông qua việc sử dụng tích hợp thiết bị dạy học; bồi dưỡng đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin; đổi mới phương pháp đánh giá học sinh để nâng cao hiệu suất giờ dạy; phát triển chương trình theo hướng tích hợp liên môn.
Trong buổi tập huấn, giáo viên đã đối thoại trực tiếp với các nhóm tác giả SGK để được giải đáp các thắc mắc, tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới mới. Cùng với đó, các thầy cô đã nhận thức được nhiều điểm mới của sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018, nổi bật nhất đó là chuyển từ truyền thụ kiến thức của giáo viên sang phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.
Tất cả giáo viên trực tiếp đứng lớp đã được giới thiệu về sách giáo khoa mới
Tạo tâm thế vững vàng khi triển khai sách giáo khoa mới
Cô Nguyễn Thị Bình Minh- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh (quận Hoàn Kiếm) nhận định: Việc được lắng nghe các nhóm tác giả giới thiệu, làm rõ ưu điểm và tính đổi mới của từng bộ sách đồng thời được nghiên cứu, tìm ra bộ sách có chương trình và cấu trúc phù hợp với sự phát triển năng lực, phẩm chất của đối tượng học sinh mà mình đang trực tiếp giảng dạy là một hoạt động vô cùng cần thiết bởi giáo viên là người rõ nhất khả năng và nhu cầu học tập của học sinh.
Qua buổi tập huấn, các giáo viên đã cơ bản hình dung nội dung của các bộ sách mới với điểm nổi bật là được thiết kế theo hướng mở, có cấu trúc mạch lạc, rõ ràng, tập trung phát huy năng lực cá nhân; nội dung gồm các bài học gắn liền với thực tế, gần gũi với học sinh, phù hợp với xu thế hiện nay.
Sách giáo khoa mới cũng chú trọng đến phát triển các kĩ năng của học sinh qua việc tích hợp kiến thức. Các bài học được lựa chọn phù hợp với khả năng của trẻ em. Hệ thống bài học đa dạng, nội dung linh hoạt tạo hứng thú học tập cho học sinh; tạo điều kiện cho học sinh suy luận, phát triển kĩ năng học tập. Hơn nữa, hình thức trình bày sách giáo khoa mới có tính thẩm mĩ cao, kênh hình, kênh chữ phong phú, đẹp mắt, trình bày khoa học thu hút sự chú ý của học sinh.
Ngoài ra, sách mới viết rõ ràng, rành mạch, hỗ trợ giáo viên trong quá trình giảng dạy, giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy học. Đặc biệt, sách mới có bộ học liệu điện tử đi kèm giúp giảm nhẹ gánh nặng lên giáo viên mỗi giờ lên lớp, tăng cường tương tác, hiệu quả dạy học hơn nữa.
Sau hội thảo, Ban giám hiệu nhà trường và giáo viên đã có thêm những hiểu biết sâu sắc về cấu trúc, nội dung của các cuốn sách giáo khoa mới trong các bộ sách. Từ đó, có cơ sở vững chắc để quyết định lựa chọn cuốn sách phù hợp với hoạt động dạy học trong nhà trường; đồng thời tạo cho giáo viên tâm thế vững vàng để chuẩn bị cho việc triển khai vận dụng hiệu quả bộ sách giáo khoa mới trong công tác dạy, học và tổ chức các hoạt động giáo dục.
Cô thầy Đào Ngọc Sỹ- Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo (quận Hà Đông) cho biết: Tại buổi tập huấn, giáo viên của trường đã được hướng dẫn về cấu trúc sách giáo khoa, học liệu bổ trợ của các bộ sách; hướng dẫn sự đổi mới, cách triển khai của phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá học sinh qua các phương pháp dạy học tích cực ở đó giáo viên tập trung tổ chức các hoạt động học của học sinh, phát triển năng lực học sinh; hướng dẫn sử dụng học liệu điện tử trong quá trình giảng dạy.
Hiện sách giáo khoa mới, bao gồm cả bản in và bản điện tử đã được chuyển tới các tổ chuyên môn để tổ chức cho giáo viên nghiên cứu. Nhà trường sẽ thực hiện quy trình đề xuất lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT, bắt đầu bằng việc tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên thảo luận, đánh giá các sách giáo khoa; bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất một sách giáo khoa cho mỗi môn học.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức đề xuất lựa chọn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt theo quy định tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT và Quyết định số 1157/QĐ-UBND ngày 10/3/2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc Ban hành Quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong quá trình tổ chức đề xuất lựa chọn sách giáo khoa, tổ chuyên môn của cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận và đánh giá các bộ sách giáo khoa của môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa. |