'Giao lộ sáng tạo' từ di sản cũ

25-10-2024 12:09:41

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 chọn Cung Thiếu nhi Hà Nội là tổ hợp sáng tạo với 41 hoạt động nghệ thuật.

Cung Thiếu nhi Hà Nội được định vị như 'trái tim' của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024.

Tiếp nối mạch nguồn sáng tạo từ di sản cũ

Với chủ đề “Giao lộ sáng tạo”, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 sẽ diễn ra từ ngày 9 - 17/11 với tuyến trải nghiệm chính đặt tại quận Hoàn Kiếm. Lần đầu tiên, giao lộ sáng tạo Thủ đô được thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu, với hàng trăm hoạt động sáng tạo ở 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Theo kế hoạch tổ chức Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 của UBND TP Hà Nội, Cung Thiếu nhi Hà Nội (36-38 Lý Thái Tổ) được định vị như “trái tim” của tuyến lễ hội, nơi tập trung nhiều hoạt động chính. Hơn thế nữa, đây từng là nơi ươm mầm và lan tỏa tinh thần sáng tạo của nhiều thế hệ người Hà Nội.

Tòa nhà Ấu Trĩ Viên và Xéc Tây mang đặc trưng kiến trúc Pháp, từng là nơi vui chơi của các gia đình giàu có, quan lại thời Pháp thuộc. Từ năm 1954, nơi đây trở thành CLB Thiếu niên và đến năm 1977, Cung Văn hóa Thiếu niên (tên cũ) chính thức đưa vào hoạt động với tòa nhà 6 tầng được xây mới.

Tại lễ lần thứ 4 này, Cung Thiếu nhi Hà Nội được định hình thành tổ hợp sáng tạo, dự kiến diễn ra 41 hoạt động, từ sắp đặt, trưng bày, triển lãm, chiếu phim, biểu diễn đến sáng tạo cộng đồng. Thông qua việc chọn lựa các nhóm nghệ sĩ tham gia, Ban tổ chức đang cùng các nghệ sĩ tạo ra một đại triển lãm với các hoạt động kết nối.

Trong đó, “Cung Thiếu nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai” là một đại triển lãm chính, chia làm 3 mạch chủ đề: Cung Thiếu nhi như một bài tập nhớ; Di sản liên thế hệ; Kiến tạo thế giới và sự chơi.

Khác với không gian lễ hội các năm trước, lần này Cung Thiếu nhi Hà Nội được thể nghiệm như một “cơ thể sống”. Các nghệ sĩ sẽ phủ lên công trình diện mạo mới, thể hiện sự trân trọng với di sản; đồng thời tiếp tục kiến tạo ký ức văn hóa, đặt tiền đề cho giải pháp sống cùng di sản.

Năm 1974, Cung Thiếu nhi Hà Nội được xây dựng quy mô gồm 6 tầng với diện tích hơn 10.000m2 gồm 100 phòng học, do KTS Lê Văn Lân thiết kế, ứng dụng kiến trúc truyền thống hài hòa giữa công trình kiến trúc Pháp vốn có. Công trình này ngoài giá trị lịch sử, còn thể hiện kỳ vọng và niềm tin vào tương lai thế hệ thiếu nhi khi đất nước hòa bình.

Trong gần 70 năm qua, Cung Thiếu nhi Hà Nội là mạch nguồn văn hóa đối với nhiều thế hệ người Hà Nội, gắn với các phong trào cũng như các hoạt động giáo dục, văn hóa - nghệ thuật. Năm 2020, Cung Thiếu nhi Hà Nội chuyển đổi mô hình từ bao cấp sang tự chủ.

Tháng 9/2024, Cung Thiếu nhi khánh thành cơ sở mới tại Nam Từ Liêm với mục tiêu đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí và rèn luyện của trẻ em Thủ đô. Cung Thiếu nhi Hà Nội cũ tại phố Lý Thái Tổ trở thành di sản ký ức, được TP Hà Nội lựa chọn là điểm khởi đầu tuyến lễ hội, như là “vạch xuất phát” trong hành trình sáng tạo mới.

Tác phẩm 'Chim hòa bình' của điêu khắc gia Điềm Phùng Thị.

Khai mở tiềm năng sáng tạo của trẻ nhỏ

Trong 41 hoạt động nghệ thuật chính sẽ diễn ra tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, nổi bật nhất là hai triển lãm với 2 cố nghệ sĩ lớn của Việt Nam, là điêu khắc gia Điềm Phùng Thị và họa sĩ Vũ Dân Tân.

Lấy cảm hứng biến tấu trong ngôn ngữ điêu khắc mô-đun của Điềm Phùng Thị, nhóm giám tuyển lễ hội thực hiện một tổ hợp từ hình tượng những khối mô-đun. Điềm Phùng Thị là nghệ sĩ điêu khắc đặc biệt của nghệ thuật Việt Nam và thế giới. Bà đến với nghệ thuật khá muộn khi theo học điêu khắc gia Antoniucci Volti tại Trường Nghệ thuật ứng dụng Paris (Pháp).

Trải qua những thử nghiệm, bà sáng tạo hệ thống mô-đun gồm 7 đơn vị, và từ đó tạo ra một thế giới đa chất liệu, đa kích cỡ, đa thể loại. Đa phần những công trình điêu khắc của bà được đặt tại các không gian công cộng như sân tòa thị chính, thư viện, trường học, bệnh viện, đài tưởng niệm…

“Sân chơi mẫu tự Điềm Phùng Thị được bố trí tại sân ngoài trời của Ấu Trĩ Viên và Cung Thiếu nhi. Thông qua nhìn ngắm và tương tác với tác phẩm, người xem và đặc biệt là trẻ nhỏ có thể đánh thức tiềm năng sáng tạo nghệ thuật, hứa hẹn mang đến nhiều ý nghĩa của hành trình sáng tạo trong tương lai”, đại diện ban tổ chức cho biết.

Triển lãm lớn thứ 2 của lễ hội là “Cổ tích về Amadeus Vũ Dân Tân” với chuỗi sắp đặt điêu khắc khổ lớn, lấy cảm hứng và tiếp biến những phác thảo mang tên “mộng tưởng kiến trúc” của cố nghệ sĩ Vũ Dân Tân. Đặt trong khuôn viên Cung Thiếu nhi Hà Nội, các tác phẩm được sắp đặt rải rác, tạo câu chuyện cổ tích về nhân vật hư cấu bí ẩn có thể du hành qua các miền không gian và thời gian khác nhau.

Vũ Dân Tân là nghệ sĩ tiên phong của nghệ thuật đương đại Việt Nam, thử nghiệm với nhiều chất liệu sáng tác bao gồm cả vật liệu có sẵn, nới rộng đường biên cho cách hiểu về nghệ thuật. Dựa vào một vài chi tiết tạo hình của cố nghệ sĩ, nhóm thực hiện tạo ra những đường cắt, gập, chèn để giúp công chúng có thể tương tác được với các khối tác phẩm.

Men theo các lối đi ít người chú tâm, những tác phẩm trở thành nhân vật dẫn đường, cũng là một tòa tháp biến hình dẫn dắt người xem vào thế giới trong trẻo, tự do, pha chút dí dỏm, tinh nghịch.

Để chia sẻ câu chuyện về trí tưởng tượng và dấu ấn thẩm mỹ với khán giả nhí, các chuyên gia viết sách thiếu nhi thổi vào chùm tác phẩm một câu chuyện, biến hóa thành trò chơi hấp dẫn, tạo thành một hành trình khám phá truyện cổ tích hiện đại về thầy phù thủy mang tên Amadeus Dân Tân.

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội là sáng kiến cấp quốc tế nằm trong cam kết của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Qua mỗi năm, chủ đề và quy mô ngày một mở rộng, trở thành ngày hội của giới sáng tạo và người yêu văn hóa. Khu vực chính diễn ra lễ hội năm 2024 là Quảng trường Cách mạng tháng Tám, kết nối trục Bắc - Nam và trục Đông - Tây, gồm các công trình kiến trúc nổi bật: Cung Thiếu nhi, Nhà khách Chính phủ, Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Tổng hợp…

Trần Hoà
Theo Giáo dục & Thời đại //