Giận 'tím gan' khi nghe vợ chồng chủ cà phê nhuộm pin trần tình
Vợ chồng nhuộm cà phê bẩn với pin đã lên tiếng trần tình về hành vi của mình. Họ nói rằng, đã 'phát minh' ra sáng kiến này một cách tình cờ.
Giận 'tím gan' khi nghe vợ chồng chủ cà phê nhuộm pin trần tình. Ảnh Người lao động.
Sáng 19/4, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với bà Nguyễn Thị Thanh Loan (thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) và chồng là ông Nguyễn Xuân Bảo liên quan đến vụ nhuộm cà phê bẩn với pin.
Trước câu hỏi, gia đình nhuộm tạp chất với than pin để làm gì, bà Nguyễn Thị Thanh Loan cho biết: "Mấy tháng trước, có một người phụ nữ đi mua tiêu bụi tới chỉ vào đống thải loại gia đình phơi trước cửa hỏi mua với giá 3.000 đồng/kg. Sau đó gia đình đã ủ các tạp chất vào một góc kho để chuyển màu đen như đống tiêu mà người phụ nữ hỏi mua.
Tuy nhiên, ủ được một thời gian, do phải tưới nước nên bức tường bị sập, lún nền. Trong một lần cầm viên pin, chồng tôi thấy tay bị nhuộm đen nên mới nghĩ ra cách mua pin về nhuộm tạp chất cho chuyển thành màu đen để bán cho người phụ nữ hỏi mua.
Chồng tôi đã mua hết 3 triệu đồng tiền pin, pin đang mới được mua gom từ các quán tạp hóa trên địa bàn về nhuộm được khoảng 3 tấn mà công an đã thu giữ. Người phụ nữ hỏi mua lúc đó tôi có lấy số điện thoại nhưng sau đó bị mất điện thoại nên giờ không biết người này ở đâu. Nếu còn số tôi sẽ gọi chửi vì hứa mua mà không tới lấy để gia đình tôi liên lụy."
Cũng theo bà Loan, gia đình bà chưa bán được ký cà phê nhộm pin nào ra thị trường. Ba tấn mà công an nói đã bán ra thị trường với giá 9 triệu đồng chưa được nhuộm, bán cho một người phụ nữ mà tôi không rõ địa chỉ.
Công an làm việc với chủ cơ sở sản xuất cà phê rang từ vỏ cà phê, bột đá và... pin Con Ó - Ảnh: Công an cung cấp
Bà Loan cho biết thêm: "Không có vốn nên chúng tôi chỉ mua bán kiếm lời. Trong kho không có bất kỳ vật dụng nào dùng để chế biến cà phê bột thì sao nói chúng tôi sử dụng tạp chất nhuộm than pin để sản suất cà phê bột.
Bên cạnh đó, những tạp chất gồm đất đá, bụi bẩn. Chỉ tính riêng những tạp chất này cũng không thể mang ra chế biến cho con người dùng chứ nói gì nhuộm thêm chất độc hại từ than pin. Đói quá thì chúng tôi đi xin ăn, để đức cho con cháu chứ lương tâm con người không cho phép làm thế."
Trước đó, chiều 16/4, Phòng cảnh sát môi trường (PC49) Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp với Sở NN&PTNT Đắk Nông đã ập vào. Hàng trăm bao tải đựng bột đá, đất bột và phế phẩm, vỏ cà phê chất thành từng đống cao đã được phát hiện, Tuổi trẻ đưa tin.
Trong đó, nhiều phế phẩm cà phê đã được trộn chung với đất, bột đá đổ ra sàn nhà. Nhiều thùng đựng nước đen mà bà Loan khai là hòa với than pin Con Ó đã được đổ lên bề mặt... Sau đó công nhân xúc đổ vào guồng trộn bêtông để trộn đều.
Bà Loan công nhận đã mua pin nhãn hiệu Con Ó về đập bể, lấy lõi pin. Than pin này được hòa với nước rồi tưới lên, trộn đều với vỏ, phế phẩm cà phê…
"Ban đầu, bà Loan quanh co rằng mình chỉ mua đá vụn, phế phẩm, vỏ cà phê đóng bao, chất cao lên để qua mắt cán bộ ngân hàng đi thẩm định tài sản... Tuy nhiên qua đấu tranh bước đầu, bà Loan khai nhuộm đen phế phẩm cà phê để bán kiếm lời" - một cán bộ điều tra cho biết.
Việc bà Loan thu mua vỏ, phế phẩm cà phê rồi nhuộm đen bằng than pin Con Ó có thể xử lý theo hành vi "sản xuất, buôn bán hàng giả"... Theo quy định, nếu giá trị hàng hóa bị làm giả, kém chất lượng có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên, khung hình phạt từ 5 đến 10 năm.
Xem thêm: Ớn lạnh khi xem quy trình sản xuất cà phê nhuộm than pin