Đã có lời giải cho hiện tượng bé gái vừa sinh đã gồng mình... tập đi

31-05-2017 16:48:57

Hôm 26/5, một đoạn video được đăng tải lên mạng xã hội đã khiến cho mọi người ngạc nhiên khi chứng kiến một bé gái đang cố gắng bước đi sau khi mẹ bé vừa mới sinh. Khoa học có lý giải được hiện tượng này?

Trong đoạn video, một bác sĩ đang giữ đứa bé bằng một cánh tay đã phải thốt lên: “Trời ơi, con bé đang tập đi!”. Còn bé gái đang vừa cố níu vào tay vị bác sĩ, vừa chập chững bước đi. Một người trong phòng bệnh đã nhanh tay ghi lại khoảnh khắc bất ngờ này.

Nữ y tá trong đoạn clip giải thích rằng, cô đang cố để đưa bé gái đi tắm nhưng đứa trẻ chỉ muốn đứng dậy và bước đi. "Cô bé bước từ đây tới đây", cô vừa nói vừa chỉ. "Nếu bạn nói với ai đó về những gì đã xảy ra chắc sẽ không ai tin nổi, trừ khi họ tận mắt chứng kiến".

Hình ảnh khiến nhiều người kinh ngạc. Ảnh cắt từ clip

Đoạn video đã thu hút được hơn 50 triệu lượt xem và 1,3 triệu lượt chia sẻ trên Facebook. Mặc dù có rất ít thông tin về em bé trong đoạn video cũng như nơi xảy ra sự việc trên, nhưng phù hiệu trên đồng phục của nữ y tá cho thấy cô làm việc tại Bệnh viện Santa Cruz, một thành phố thuộc bang Rio Grande do Sul, phía nam Brazil.

Tuy nhiên, trước hiện tượng tưởng chừng như rất kỳ lạ và hiếm gặp này, Trung tâm y tế Đại học Rochester (University of Rochester Medical Center), Hoa Kỳ lại đưa ra lời giải thích hết sức “bình thường” rằng: “Việc “bước đi” không phải là một điều kỳ diệu mà là một trong những phản xạ tự nhiên ở trẻ sơ sinh”.

Khoảnh khắc bé gái biết đi chỉ vài phút sau khi chào đời khiến ai cũng thấy thần kì. Nguồn: Trending Videos

Các em bé khi được sinh ra đã có "phản xạ bước đi" (stepping reflex). Chỉ cần được người lớn xốc nách, đỡ đứng thẳng và để cho chân bé chạm một bề mặt nào đó, bé sẽ có biểu hiện bước đi từng bước một, chân nọ nối tiếp chân kia. Phản xạ này sẽ kéo dài cho đến khi trẻ được khoảng 2 tháng tuổi. Nó giúp trẻ phát triển và tồn tại, tuy nhiên nó không dự báo sớm về ngày biết đi thực sự của trẻ.

Phản xạ bước đi là dấu hiệu phát triển tự nhiên, bên cạnh một số phản xạ khác ở trẻ sơ sinh như: Phản xạ khi sợ hãi (moro), phản xạ bàn chân (babinski), phản xạ vùng miệng (rooting), phản xạ nắm chặt bàn tay (palmar), phản ứng phòng vệ khi bị xoay vùng cổ (tonic neck),…

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus //