Giải cứu ngập đường Kinh Dương Vương tại TP. HCM bằng máy bơm: Có không lợi ích nhóm?

03-10-2018 13:21:41

Những bất thường trong việc phê duyệt tư vấn thiết kế, tổ chức lựa chọn nhà thầu trạm bơm Bà Tiếng trong dự án giải cứu ngập cho đường Kinh Dương Vương TP. HCM bằng máy bơm như báo chí phản ánh đang được dư luận đặc biệt quan tâm.


Người dân quanh đường Kinh Dương Vương chịu cảnh ngập lụt

“Xẻ” trạm bơm thành 02 gói thầu ai được lợi?

Như Đời Sống Việt Nam đã thông tin, cuối năm 2016, để tiếp tục cứu rốn ngập đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) TP. HCM chấp thuận cho Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước thành phố (Trung tâm chống ngập) bổ sung một trạm bơm công suất 42.000 m3 tại rạch Bà Tiếng (trạm bơm Bà Tiếng). 

Trước đó, tại đây đã có dự án Cải tạo hệ thống thoát nước đường Kinh Dương Vương (đoạn từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân) với tổng mức đầu tư hơn 730 tỉ đồng.
Ngày 9/1/2018, ông Nguyễn Văn Tám- Phó Giám đốc Sở Giao thông TP. HCM ký QĐ số 175/QĐ-SGTVT phê duyệt điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Theo đó bổ sung thêm 02 gói thầu: Gói thầu xây lắp 4- Xây lắp trạm bơm tại rạch Bà Tiếng và cải tạo nút giao vòng xoay An Lạc, giá gói thầu 135,636 tỉ đồng (gói thầu xây lắp 4); Gói thầu cung cấp lắp đặt thiết bị trạm bơm với giá là 55,1 tỉ đồng (gói thầu thiết bị, làm tròn số).

Sau đó, ông Nguyễn Văn Tám- Phó Giám đốc Sở Giao thông TP. HCM ký tiếp QĐ số 2940 (ngày 8/6/2018) phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng gói thầu xây lắp 4 với giá dự toán là 111,943 tỉ đồng.
Còn với gói thầu thiết bị máy bơm được vị Phó Giám đốc sở này ký phê duyệt bản vẽ thi công và dự toán xây dựng (QĐ số 4788, ngày 22/8/2018) với giá trị dự toán lúc này vọt từ 55,1 tỉ đồng lên trên 66 tỉ đồng.

Trao đổi với phóng viên về việc chia tách trạm bơm Bà Tiếng thành 2 gói thầu xây lắp và thiết bị như QĐ 175 của Sở Giao thông TP. HCM, luật sư Bùi Quang Thu- Đoàn Luật sư Hà Nội khẳng định việc chia tách này là có vấn đề, không phù hợp với tính chất kỹ thuật, tính đồng bộ và hợp lý của dự án. Việc phân chia phải tuân thủ Luật Đấu thầu và Thông tư số 10 của Bộ KHĐT quy định chi tiết về kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Luật sư Thu phân tích việc xây dựng trạm bơm, lắp đặt máy bơm và các thiết bị liên quan là tổng thể công việc có chung tính chất, sử dụng cho mục tiêu bơm chống ngập, có tính chất gắn kết chặt chẽ, không thể tách rời cả về mặt thiết kế thi công và mua sắm thiết bị. Khi nhà thầu cung cấp, lắp đặt thiết bị máy bơm nào thì có thiết kế trạm bơm tương ứng của hãng sản xuất đi kèm. 

Việc xây trạm bơm theo thiết kế đã duyệt để lắp một loại máy bơm đã nhắm đến là không đảm bảo tính cạnh tranh trong đấu thầu. Như vậy hình thức đấu thầu không phải là đấu thầu rộng rãi.

“Sở Giao thông TP. HCM gộp hai công việc khác nhau, có đặc tính kỹ thuật khác nhau thành một gói thầu gồm 2 hạng mục xây lắp trạm bơm tại rạch Bà Tiếng và hạng mục Cải tạo nút giao vòng xoay An Lạc là không phù hợp”- luật sư Thu nói.

Ghi nhận của phóng viên cho thấy dư luận nhà thầu tại TP. HCM đang bức xúc cho rằng việc chia tách trạm bơm Bà Tiếng  thành 02 gói thầu, phần xây lắp thi công trước phần thiết bị mua sắm sau thực chất là hình thức “ngầm chỉ định thầu” với 02 trường hợp xẩy ra là: móng làm trước, mua sắm thiết bị sau có nguy cơ xẩy ra hệ thống móng và thiết bị không ăn khớp, đồng bộ với nhau vì chưa biết sẽ sử dụng hãng bơm nào cho dự án. Hoặc trường hợp nữa là đã có sự bàn bạc trước về chủng loại thiết bị, kích thước thiết bị, giá cả….?

“Với cách phân chia gói thầu như QĐ 175 của Sở Giao thông TP. HCM thì không có nhà thầu nào có thể trúng thầu ngoại trừ nhà thầu do Trung tâm chống ngập thành phố và Sở Giao thông đã ngầm chọn từ trước?”- một nhà thầu bức xúc khi nêu nghi vấn về tính minh bạch của việc xẻ trạm bơm ra thành 02 gói thầu.


Gói thầu xây lắp trạm bơm Bà Tiếng đang được đơn vị trúng thầu thi công​

Nhiều vấn đề cần được TP. HCM kiểm tra làm rõ

Điều tra của phóng viên cho thấy gói thầu xây lắp 4 đã đấu thầu, nhà thầu đã thi công. Đơn vị trúng thầu là Cty Cổ phần công trình giao thông Sài Gòn. Giá trúng thầu là 111,7 tỉ đồng, sát với giá mời thầu (chỉ giảm hơn 200 triệu đồng so với dự toán phê duyệt của Sở Giao thông là 111,943 tỉ đồng).

Hơn nữa quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng gói thầu xây lắp 4 cũng được ông Nguyễn Văn Tám- Phó GĐ Sở Giao thông ký trước QĐ phê duyệt thiết kế gói thầu thiết bị máy bơm tới gần 3 tháng. Dư luận không khỏi không đặt vấn đề về tính minh bạch ở đây vì lý do phải chăng Sở Giao thông TP. HCM đã biết trước loại máy bơm, thông số kỹ thuật của máy bơm được lắp đặt cho trạm nên mới phê duyệt thiết kế trạm bơm trước, phê duyệt thiết kế máy bơm sau?.

Về việc “xé” trạm bơm Bà Tiếng thành 02 gói thầu, Sở KHĐT TP. HCM thừa nhận khoản 3, điều 33 Luật Đấu thầu quy định việc phân chia dự án thành các gói thầu là phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, bảo đảm tính đồng bộ của dự án và quy mô gói thầu hợp lý. Nhưng khi kiểm tra tờ trình của

Trung tâm chống ngập không có phân tích, giải trình về việc đảm bảo tính đồng bộ về mặt kỹ thuật và công nghệ khi phân chia thành 02 gói thầu. 

Sở KHĐT TP. HCM khẳng định: Việc phân chia gói thầu liên quan đến trách nhiệm giải trình của Trung tâm chống ngập và trách nhiệm thẩm định, phê duyệt của Sở Giao thông. 

Theo Sở KHĐT TP. HCM thì việc phân chia hạng mục trạm bơm Bà Tiếng thành 02 gói thầu độc lập có phù hợp với tính chất kỹ thuật, trình tự thực hiện, tính đồng bộ của dự án và có quy mô gói thầu hợp lý theo quy định của Luật Đấu thầu hay không thì phải có ý kiến đánh giá của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành trong lĩnh vực thoát nước về tính hiệu quả và đồng bộ của dự án.

Ngoài việc chia tách trạm bơm thành 02 gói thầu, nhà thầu đã có đề nghị làm rõ nhiều nội dung liên quan đến gói thầu này như chủng loại thiết bị, bài thầu đưa ra là “máy bơm ly tâm trục ngang”. Nhiều ý kiến khẳng định đây là loại máy bơm thuộc công nghệ cũ. Hiện đã có có nhiều loại máy bơm công nghệ hiện đại, hiệu suất cao, không tốn diện tích lắp đặt, không cần bơm mồi như bơm chìm trục đứng mà vẫn đáp ứng tốt các yêu cầu kỹ thuật của bài thầu…. 

Gói thầu thiết bị- cung cấp, lắp đặt thiết bị trạm bơm, giá trị dự toán là 66 tỉ đồng, trong đó có 8 máy bơm ly tâm trục ngang, (mỗi máy bơm lưu lượng q=6.000 m3/h), tổng lưu lượng Q=48.000 m3/h). Báo giá mà phóng viên thu thập được từ các hãng cung cấp máy bơm ly tâm trục ngang, có lưu lượng bơm q= 6.000 m3/h, giao hàng tại TP. HCM thì đơn giá chỉ có khoảng từ 3- 8 tỉ đồng tỉ đồng cho 10 máy bơm.


Xem thêm: Hải quan tiếp tay đường dây buôn lậu xăng dầu ngàn tỉ

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN //