Giá cà phê hôm nay 1/9: Liên tục lên xuống trong tuần qua
Giá cà phê theo xu hướng một phiên tăng, một phiên giảm trong tuần qua, cuối tuần giá cà phê Tây Nguyên dao động trong khoảng 32.400 – 33.500 đồng/kg.
Giá cà phê trong nước
Tại thị trường trong nước, giá cà phê Tây Nguyên hiện dao động trong khoảng 32.400 – 33.500 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê hôm nay tại huyện Bảo Lộc (Lâm Đồng) ở mức 32.400 đồng/kg, giá cà phê tại Di Linh, Lâm Hà thấp đang có giá 32.500 đồng/kg. Tương tự giá cà phê hôm nay tại huyện Cư M'gar (ĐắkLắk), Ea H'leo (ĐắkLắk) dao động trong khoảng 33.200 – 33.500 đồng/kg. Tại huyện Buôn Hồ giá cà phê ở mức 33.200 đồng/kg.
Giá cà phê tại Ia Grai - Gia Lai hôm nay ở mức 33.400 đồng/kg. Giá cà phê tại Đắk Hà Kon Tum và Gia Nghĩa (Đắk Nông) có giá 33.200 đồng/kg.
Nguồn: tintaynguyen.com.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Thái Lan giảm nhập khẩu cà phê ở hàng loạt thị trường trong đó có Việt Nam. Thị phần cà phê Việt Nam tại quốc gia này giảm 5,2 điểm % xuống còn 91%. Cục Xuất nhập khẩu cho biết theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Thái Lan, nhập khẩu cà phê của quốc gia Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2019 giảm 35,1% về lượng và giảm 31,2% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2018, xuống còn 16.017 tấn, trị giá gần 38 triệu USD).
Trong đó, nhập khẩu cà phê arabica và robusta, chưa rang, chưa khử caffein của Thái Lan trong lũy kế 6 tháng đầu năm 2019 giảm gần 38% về lượng và giảm 42% về giá trị so với 6 tháng đầu năm 2018, xuống còn 14.757 tấn, trị giá 26,8 triệu USD.
Đây là chủng loại chiếm tới hơn 92% trong tổng lượng nhập khẩu cà phê của Thái Lan trong nửa đầu năm 2019. Ngược lại, lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, Thái Lan đẩy mạnh nhập khẩu cà phê rang, chưa khử caffein, tăng 52,3% về lượng và tăng 36,4% về trị giá so với cùng kì năm ngoái, đạt 1.086 tấn, trị giá hơn 8,14 triệu USD.
Nửa đầu tháng đầu năm 2019, Thái Lan giảm nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, Lào, Italy, Anh, nhưng tăng nhập khẩu từ Malaysia, Indonesia, Mỹ, Brazil, Thụy Điển, Australia.
Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2019, nhập khẩu cà phê của Thái Lan từ Việt Nam đạt 13.700 tấn, trị giá 744,9 triệu USD, giảm gần 39% về lượng và giảm hơn 42% về giá trị so với cùng kì năm 2018.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, mặc dù vẫn là thị trường cung cấp cà phê chủ yếu cho Thái Lan, nhưng thị phần cà phê Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Thái Lan giảm từ 91% trong 6 tháng đầu năm 2018, xuống còn 85,8% trong 6 tháng đầu năm 2019.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết nhập khẩu cà phê từ Việt Nam giảm chủ yếu do Thái Lan giảm nhập khẩu cà phê chưa rang, chưa khử caffein.
Trong khi đó, nhập khẩu cà phê của Thái Lan từ Malaysia trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng 371,3% về lượng và tăng 249% về trị giá so với 6 tháng đầu năm 2018, đạt 676 tấn, trị giá gần 5 triệu USD).
Thị phần cà phê Malaysia trong tổng lượng nhập khẩu của Thái Lan tăng từ 0,6% trong 6 tháng đầu năm 2018, lên 4,2% trong 6 tháng đầu năm 2019. Hiện Malaysia cung cấp chính chủng loại cà phê rang, chưa khử caffein cho Thái Lan.
Giá cà phê thế giới
Mở cửa phiên giao dịch hôm nay, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London đang tăng. Giá cà phê robusta kỳ hạn tại London giao tháng 9/2019 đang tăng 9 USD/tấn (mức tăng 1,9%) đứng ở mức 1.334USD/tấn. Trong khi tại New York, giá cà phê arabica tháng 9/2019 tăng 1,6 USD/tấn đứng ở mức 96,85 cent/lb.
Sản lượng cà phê Tanzania đã tăng gần gấp đôi nhờ thời tiết thuận lợi và bùng nổ sản xuất trong niên vụ 2018 - 2019. Chủ tịch Ủy ban cà phê Tanzania, ông Primus Kimaryo, đã trả lời tờ Daily News ngày 13/8 rằng sản lượng cà phê của quốc gia này đã tăng vọt từ 47.000 tấn trong niên vụ 2017 - 2018 lên 65.500 tấn trong niên vụ 2018 - 2019.
Giá cà phê thế giới tăng nhẹ.
"Sự bùng nổ sản xuất là nhờ khí hậu thuận lợi", ông Kimaryo trả lời qua điện thoại từ Moshi, vùng Kilimanjaro.
Ông cho biết thêm việc sản xuất sẽ tăng cao hơn nếu cà phê được trồng bởi các hộ nông dân sản xuất qui mô lớn. Hiện tại, Nông dân sản xuất qui mô nhỏ đóng góp 90% sản lượng cà phê của vùng này.
Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), sản lượng cà phê cao đã giúp Tanzania vượt qua Kenya lên vị trí thứ 4 từ vị trí thứ 5 trong số các nhà sản xuất hàng đầu ở châu Phi.
Nhà sản xuất hàng đầu ở châu Phi là Ethiopia với 450.000 tấn, tiếp theo là Uganda với 294.000 tấn, sau đó là Côte d'Ivoire với 96.000 tấn.