Dùng thuốc hơn 180 triệu đồng/lọ để cứu 2 vợ chồng bị ngộ độc pate Minh Chay

31-08-2020 15:01:57

Bệnh viện Bạch Mai đã nhập khẩu 2 lọ thuốc giải độc đặc hiệu từ Thái Lan để điều trị cho 2 ca bệnh nặng do ngộ độc pate Minh Chay. Giá bán của mỗi lọ thuốc này lên tới 8.000 USD.

Mỗi lọ "thuốc mồ côi" điều trị cho bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay lên tới 8.000 USD. Ảnh: VTC News

Sáng 31/8, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay, liên quan đến việc điều trị cho các bệnh nhân trong vụ ngộ độc pate Minh Chay, Bệnh viện đã nhập khẩu 2 lọ thuốc giải độc đặc hiệu từ Thái Lan. Giá bán của mỗi lọ thuốc này lên tới 8.000 USD.

Cụ thể, theo bác sĩ Nguyên, do đây là chứng bệnh rất hiếm gặp, lần đầu tiên Bệnh viện Bạch Mai điều trị cho bệnh nhân mắc căn bệnh này nên thời điểm nhập viện bệnh viện cũng chưa có thuốc giải độc phù hợp. Bệnh viện đã tìm rất nhiều nguồn và giữa tuần trước đã có giấy phép để nhập khẩu 2 lọ thuốc giải độc đặc hiệu từ Thái Lan.

"Thuốc điều trị ngộ căn bệnh này được xem là “thuốc mồ côi”, do bệnh không xuất hiện nhiều, số lượng thất thường, các doanh nghiệp không sản xuất một cách phổ biến. Giá bán của mỗi lọ thuốc này lên tới 8.000 USD"- bác sĩ Nguyên nói.

Được biết, hai lọ thuốc này do Tổ chức Y tế thế giới tài trợ, được gửi về Việt Nam ngày 29/8 và được sử dụng luôn trong ngày để điều trị cho 2 ca bệnh nặng ngộ độc pate Minh Chay tại Bệnh viện Bạch Mai. Hai bệnh nhân này là một cặp vợ chồng (chồng 70 tuổi, vợ 68 tuổi). Hiện tại, người đàn ông 70 tuổi đang thở máy, người vợ sau khi được dùng thuốc tình trạng có cải thiện hơn. 

Người nhà bệnh nhân cho biết, họ mua sản phẩm qua mạng. Từ đầu tháng 7/2020, hai vợ chồng đã ăn hết một lọ Pate Minh chay nhưng chưa có biểu hiện lạ. Khi ăn gần hết hộp thứ hai, bệnh nhân xuất hiện biểu hiện đau họng, sụp mi, khó nuốt, yếu tay, chân và khó thở.

Trước lo ngại sẽ xuất hiện thêm các ca bệnh mới với tình trạng bệnh nặng, trong khi thuốc điều trị lại khan hiếm, lãnh đạo Trung tâm Chống độc cho biết thông thường bệnh khởi phát sau khi ăn từ 12-36 tiếng và chậm nhất sau 1 tuần. Nếu có thêm bệnh nhân, bệnh viện sẽ tiếp tục tìm kiếm nguồn thuốc. Với những trường hợp nhẹ hơn, bác sĩ Nguyên cho biết việc điều trị bổ trợ là chủ yếu.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //