"Đừng bắt em có tội với Tổ quốc!" và lời hứa "Hết dịch anh sẽ về" làm rung động triệu trái tim

02-06-2021 15:15:15

Câu chuyện một tài xế công nghệ từ chối nhận tiền cước xe của bác sĩ đang trên đường tiếp sức cho các đồng nghiệp tham gia chống dịch COVID-19 ở TP.HCM đã khiến nhiều người cảm động.

Xúc động chuyện anh tài xế từ chối nhận tiền của bác sĩ giữa dịch 

Câu chuyện được bác sĩ Lê Ngọc Diệp đăng trên trang Facebook cá nhân (Ảnh chụp màn hình).

Câu chuyện một tài xế công nghệ từ chối nhận tiền cước xe của bác sĩ đang trên đường tiếp sức cho các đồng nghiệp tham gia chống dịch COVID-19 ở TP.HCM đã khiến nhiều người cảm động.

Câu chuyện ý nghĩa này được bác sĩ Lê Ngọc Diệp (Trưởng khoa Nội soi, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM) cũng chính là vị khách đặt chuyến xe chia sẻ lên mạng xã hội vào sáng 31/5.

Trao đổi với Lao Động, bác sĩ Lê Ngọc Diệp kể: "Ngay từ ban đầu, tôi cảm thấy bạn rất dễ thương nè. Khi thấy tôi mang theo thùng sữa, bạn liền hỏi tôi muốn để ở trước hay ở sau, tôi muốn chạy nhanh hay chạy từ từ. Đang dịch bệnh nên trên đường đi chúng tôi không trò chuyện nhiều nhưng từ giao tiếp đầu tiên, tôi tự nhiên thấy quý bạn ấy".

Lúc đến nơi, quý mến sự dễ thương và lo sợ anh tài xế này không có khách đặt xe từ quận Gò Vấp về vì sắp tới giờ giãn cách xã hội (0h ngày 31/5), chị Diệp đã hẹn anh tài xế này cho chuyến xe về nhà trở lại.

Về đến nhà, khi trả tiền xe kèm tip thêm, anh tài xế không chịu nhận với lý do nhận tiền lúc này của bác sĩ là bản thân "có tội với Tổ quốc", chị đừng bắt em "có tội với Tổ quốc".

"Giằng co ép được bạn này nhận mà thấy vui ghê. Thật sự tôi cảm thấy bạn này rất dễ thương" - chị Diệp chia sẻ. Về hình ảnh và tên của anh tài xế này, chị Diệp từ chối tiết lộ bởi chị sợ có thể gây nên sự xáo trộn trong cuộc sống của anh.

Được biết, chị Diệp mang sữa đến cho đồng nghiệp đang tham gia lấy mẫu nghiệm tầm soát COVID-19 tại quận Gò Vấp. Nhóm bác sĩ, nhân viên y tế đã làm việc từ 12 giờ trưa đến tận đêm 30/5 nhưng vì mệt quá nên không ăn nổi.

"Tôi thích cảm xúc tích cực vì khiến mình như được tiếp thêm năng lượng" - chị Diệp tâm sự.

Vợ chồng bác sĩ và 2 lần "trăng mật" không thể quên

Vợ chồng bác sĩ trẻ Mai Anh - Xuân Điệp ngày lên đường đến Bắc Giang

Sau khi cưới nhau, 2 vợ chồng đều là bác sĩ, anh Nguyễn Xuân Điệp và chị Đinh Hoàng Mai Anh đã có 2 lần hưởng kỳ "trăng mật" hoàn toàn mới: "trăng mật" trong tâm dịch.

Được biết, họ đã hoãn kỳ nghỉ ngọt ngào của mình trước đó để xung phong cùng đồng nghiệp vào điểm nóng Đông Triều, Quảng Ninh, gác lại kế hoạch riêng.

Và lần này, khi Bắc Giang vẫy gọi, gần thời điểm anh chị thực hiện kế hoạch trăng mật muộn, hai người lại tiếp tục lên đường chống dịch.

Có lẽ 2 lần trải nghiệm kỳ trăng mật kỳ lạ nhất Việt Nam sẽ là những kỉ niệm khó quên đối với 2 vị bác sĩ.

Trái tim ấm của vị bác sĩ già tình nguyện viết đơn xin tham gia chống dịch

Bác sĩ Nguyễn Văn Trang

Một bác sĩ nghỉ hưu năm nay 78 tuổi ở Nghệ An vừa làm đơn đăng ký tình nguyện ra Bắc Giang chống dịch COVID-19, vì muốn đem kiến thức mình có giúp những người bệnh ở vùng tâm dịch.

Người viết đơn là bác sĩ Nguyễn Văn Trang (78 tuổi, ngụ thị trấn Dùng, H.Thanh Chương).

Trước đó, ngày 30/5, bác sĩ Trang làm đơn gửi Huyện ủy, UBND H.Thanh Chương và Trung tâm Y tế H.Thanh Chương xin tình nguyện ra Bắc Giang tham gia chống dịch COVID-19.

Trong đơn, bác sĩ Trang viết: “Là một bác sĩ nghỉ hưu, tôi nhận thấy tinh thần minh mẫn sáng suốt, thể lực an khang, sức khỏe A1. Suốt nhiều năm công tác, tôi từng làm Trưởng khoa Nhi, Trưởng khoa Tổng hợp Nội, Nhi lây Đông y. Tôi muốn gia nhập đoàn quân áo trắng (đồng nghiệp của tôi) bằng tâm huyết cao, mong về già còn làm thêm được việc có ích cho xã hội”.

Chàng trai vượt hơn 500km tình nguyện lái xe cứu thương chống dịch ở Bắc Giang

Chiều muộn ngày 22/5, Đặng Minh Trí (24 tuổi, quê Quảng Bình) đã đến TP Bắc Giang sau khi vượt hơn 500km từ TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình để tình nguyện tham gia lực lượng y tế Bắc Giang chống dịch.

Chàng trai 24 tuổi tình nguyện đến Bắc Giang chống dịch COVID-19 - Ảnh: NVCC

Đặng Minh Trí chia sẻ: "Mình nghe tin Bắc Giang đang bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Ngay hôm qua (ngày 21/5), mình làm đơn tình nguyện với công ty để mượn 1 chiếc xe cứu thương trong đội xe để đến Bắc Giang hỗ trợ các cán bộ, chiến sĩ tuyến đầu chống dịch".

Trí kể, anh thấy bài đăng về việc tỉnh Bắc Giang cần hỗ trợ nguồn lực cả về vật chất và tinh thần trên mạng xã hội. Ngay lập tức, Trí đề xuất với ban giám đốc công ty để đến Bắc Giang tham gia cùng các y bác sĩ, nhân viên y tế "chiến đấu" với virus SARS-CoV-2.

"Khi mình xin đi, các anh chỉ hỏi "có thật sự đi không, đi thì công ty cấp xe cho". Khi ấy, mình không nghĩ ngợi gì nhiều và kiên quyết nói tình nguyện, nếu được đi ngay. Tối ăn cơm xong, mình nói qua với bố mẹ. Đi được nửa đường, người yêu nhắn, sao anh đi không nói với em. Mình chỉ cười, nói chuyện mấy câu rồi tiếp tục hành trình", Trí tâm sự.

Trí bộc bạch, anh lái xe cứu thương ngoại tỉnh nhiều nên có kinh nghiệm từ xem trước hành trình, chuẩn bị chi phí… và không thể thiếu khẩu trang, các bộ quần áo bảo hộ để đến nơi có thể "hỗ trợ ngay lập tức".

"Thực ra, mình cũng lo lắng chứ. Nhưng bản thân luôn nghĩ quyết tâm đi chống dịch. Tự dặn mình còn trẻ, còn khỏe lại được công ty hỗ trợ. Đến nơi thì các anh chị ở Sở Y tế và CDC Bắc Giang hỗ trợ nên mình an tâm phần nào. Ngay ngày mai, mình sẽ bắt đầu công việc được phân công. Có thể là vận chuyển bệnh nhân, chuyển mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm… Việc gì mình cũng không ngại. Hết dịch thì mình về", Trí nói.

K.N (th)
Theo Giadinhnet //