Du học nước ngoài có là 'chìa khóa vạn năng'?
Thống kê cho thấy, hiện có gần 200 nghìn HS, SV Việt Nam du học nước ngoài. Bức tranh này mang đến những góc nhìn khác nhau trên nhiều phương diện.
Phụ huynh, học sinh tìm hiểu thông tin về các trường đại học quốc tế tại chương trình Ngày hội du học Mỹ. Ảnh: Phạm Mai
Ý nghĩa từ con số
Tại Hội thảo khoa học Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, ông Phạm Quang Hưng – Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ GD&ĐT) cho hay, mỗi năm, khoảng 40 nghìn người Việt đi du học nước ngoài (tăng khoảng 2,5 lần so với giai đoạn trước 2013). Thống kê cho thấy, hiện có gần 200 nghìn du học sinh Việt Nam cấp THPT, đại học và sau đại học đi học nước ngoài.
Báo cáo Xu hướng chính tại Đông Nam Á năm 2024 của Acumen, Tổ chức tư vấn giáo dục quốc tế (ngày 7/2) dẫn thống kê của UNESCO cho thấy: Năm học 2021 - 2022, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về lượng du học sinh tại nước ngoài, với hơn 132 nghìn người. Tiếp đến là Malaysia và Indonesia, mỗi nước có hơn 56 nghìn du học sinh. Thái Lan có 32 nghìn du học sinh.
Nhìn nhận về thực trạng trên, TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, đây là dấu hiệu tích cực – thể hiện kinh tế hộ gia đình của người Việt Nam ngày càng khá giả. Có nhiều nguyên nhân khiến người Việt Nam đi du học. Không ít gia đình có điều kiện cho con đi du học để được tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của các nước phát triển. Từ đó, mở rộng tư duy, rèn giũa khả năng thích ứng và mang tới nhiều cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
Thứ nữa, nhiều học sinh, sinh viên tìm kiếm được học bổng. “Đặc biệt, hợp tác đa phương, song phương trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo giữa Việt Nam và các nước ngày càng sâu rộng, mở ra nhiều cơ hội đi du học cho người học”, TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh và nhận thấy, dù không phải số đông nhưng vẫn có người còn tư tưởng “sính ngoại”. Họ chưa tin tưởng vào chất lượng đào tạo, dịch vụ ở Việt Nam nên lựa chọn hình thức du học.
Ngày càng có nhiều sinh viên Việt Nam đi du học ở nước ngoài, GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhìn nhận, đồng thời viện dẫn, có khoảng 3,6% sinh viên Việt Nam đang du học nước ngoài. Tỷ lệ này tăng nhanh hơn so với khu vực.
Đây là dấu hiệu tốt nhưng nếu nhìn ở chiều ngược lại thì giáo dục đại học Việt Nam yếu trong vấn đề quốc tế hóa tại chỗ. Hiện, tỷ lệ sinh viên nước ngoài đến du học tại Việt Nam ở mức thấp. Nếu muốn quốc tế hóa giáo dục đại học thì đây cũng là một trong những bài toán cần giải.
Theo GS.TS Lê Anh Vinh, 10 năm vừa qua, chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam có nhiều khởi sắc. Chúng ta có những trường đại học của lọt vào tốp 1.000 thế giới và góp mặt trong những bảng xếp hạng có uy tín của châu Á; song số lượng còn khiêm tốn so với các nước khác, thậm chí so với các nước trong khu vực.
Cô Nguyễn Thị Minh Thuý khen thưởng học sinh đạt thành tích cao chương trình Cambridge. Ảnh: NTCC.
Có là “chìa khóa vạn năng”?
Cho rằng, xu hướng du học có sự dịch chuyển, cô Nguyễn Thị Minh Thuý - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Nguyễn Siêu (Cầu Giấy, Hà Nội) viện dẫn, trước đại dịch Covid-19, số lượng học sinh của trường lựa chọn đi du học từ bậc phổ thông chiếm khoảng 30 - 40%. Đây cũng là tỷ lệ học sinh đi du học sau khi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, sau đại dịch, số học sinh đi du học giảm khoảng 10%. Thay vì cho con ra nước ngoài học tập, họ lựa chọn hình thức “du học trong nước”.
Theo cô Nguyễn Thị Minh Thuý, chất lượng giáo dục, đào tạo ở bậc phổ thông, đại học của Việt Nam ngày càng phát triển. Nhiều cơ sở giáo dục, đại học có chất lượng không thua kém trường quốc tế. Các trường ngày càng đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên.
Liên quan đến hợp tác quốc tế, GS.TS Lê Anh Vinh khuyến nghị, cần tạo bước đột phá về chất lượng trong các trường đại học Việt Nam. Muốn vậy, phải tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, bao gồm việc thực hiện các giải pháp về đào tạo, bồi dưỡng giảng viên; trao đổi sinh viên giữa các quốc gia và đẩy mạnh hoạt động hợp tác nghiên cứu, chuyển giao, chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo, học thuật giữa cơ sở giáo dục đại học trong nước với quốc tế.
Ngoài ra, cần xây dựng chính sách nhằm khuyến khích hoạt động trao đổi sinh viên giữa Việt Nam với các quốc gia phát triển. Qua đó, tạo cơ hội cho các em được học tập, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, trau dồi các kỹ năng, nâng cao kinh nghiệm thực tiễn trong môi trường giáo dục quốc tế; góp phần nâng cao tính liên thông quốc tế và chất lượng đào tạo.
Chú trọng thu hút sinh viên nước ngoài đến học tập, nghiên cứu, tăng cường mức độ quốc tế hóa của các cơ sở trong nước. Qua đây, giúp các trường tiếp cận và chuyển giao kinh nghiệm quản trị đào tạo các chương trình quốc tế và quản trị người học trong môi trường đa quốc gia, đa văn hóa; đồng thời góp phần quảng bá, phát triển thương hiệu và nâng cao vị thế của các cơ sở giáo dục Việt Nam trên trường quốc tế.
Đồng quan điểm, TS Hoàng Ngọc Vinh trao đổi, du học nước ngoài là nhu cầu chính đáng của phụ huynh và học sinh nhưng không nên coi đó là “chìa khóa vạn năng”. Thực tế, nhiều trường đại học trong nước “nâng cấp” chất lượng đào tạo, dịch vụ và hoàn toàn đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, sinh viên; trong đó có cả các chương trình quốc tế, chất lượng cao…
Tuy nhiên, dù học trong nước hay du học thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là ý thức và nỗ lực bản thân. Khi người học xác định đúng năng lực bản thân, lựa chọn ngành nghề phù hợp với sở trường, học tập nghiêm túc, không ngừng mở mang kiến thức và học hỏi từ thực tiễn... thì dù học tập ở môi trường nào cũng gặt hái được thành công.
Nguyễn Việt Hùng từng nhận được học bổng tiến sĩ toàn phần từ 4 trường đại học hàng đầu của Australia nhưng anh chọn Trường ĐH New South Wales tại thành phố Sydney để học tiến sĩ và theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. Việc ngày càng có nhiều học sinh, sinh viên đi du học nước ngoài phần nào khẳng định, năng lực, trình độ, trí tuệ của người Việt Nam trên bản đồ thế giới.