Đón học sinh trở lại trường: Quan trọng nhất là giám sát khoảng cách

09-11-2021 07:23:33

Theo nhận định của một số chuyên gia, khi các trường đón học sinh trở lại, trong các giải pháp để duy trì an toàn phòng dịch thì khâu giám sát đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Vấn đề đảm bảo an toàn khi đón học sinh trở lại trường được cả xã hội quan tâm. Ảnh: Đình Tuệ

Đảm bảo giãn cách

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã đồng ý cho học sinh một số khối lớp ở khu vực ngoại thành được đi học trở lại từ ngày 8/11. Các đối tượng được quay lại trường học trực tiếp gồm học sinh các khối 5, 6, 9, 10 và 12. Đây là các khối đầu cấp, cuối cấp và các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, thay sách giáo khoa, thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp. Học sinh những khối lớp còn lại tiếp tục học trực tuyến. Riêng cấp mầm non vẫn nghỉ học. Những địa bàn mà học sinh được đến trường học trực tiếp là các xã, phường, thị trấn của 18 huyện và thị xã, có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2, trong vòng 14 ngày tính đến ngày 8/11 không có các ca F0 trong cộng đồng.

Vậy khi các em được đến trường, giáo viên, học sinh sẽ phải lưu ý những gì để vừa dạy học an toàn, vừa đảm bảo chất lượng? Chia sẻ với Báo Giáo dục & Thời đại, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng – Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội - cho biết, liên ngành Y tế - Giáo dục của Hà Nội đã đưa ra bộ hướng dẫn bao gồm 16 tiêu chí về an toàn trường học. Khi học sinh một số khối lớp ở các huyện/thị xã ngoại thành được đi học trở lại thì việc áp dụng những tiêu chí kể trên phải được các trường đặc biệt lưu ý. Ông Hùng cho rằng, bộ tiêu chí rất đúng đắn và quan trọng. Tuy nhiên, chúng ta cần phân định rõ ràng ai là người giám sát, ai là người chịu trách nhiệm trong việc tuân thủ các quy định trong bộ tiêu chí đó?

Vị chuyên gia y tế khẳng định, quá trình lây nhiễm của học sinh thường xảy ra ở các thời điểm khác nhau. Ở gia đình, cha mẹ cần hướng dẫn, nhắc nhở con mình. Bố mẹ phải gương mẫu, không thể tùy hứng mà cho các em đi siêu thị hay những chỗ đông người có nguy cơ lây nhiễm cao. Quá trình trẻ đi từ nhà đến trường và ngược lại, bố mẹ cần giám sát để các em không chơi bời, tụ tập nơi quán xá.

Thời gian học sinh ở nhà trường, khâu quan trọng nhất là đảm bảo giãn cách. Thứ nữa, khẩu trang phải là “vật bất ly thân” và các em phải luôn mang theo bên mình để đeo, không “túm năm tụm ba” ngồi nói chuyện hoặc chơi các trò chơi như trước. Lớp nọ không được sang lớp kia. Muốn vậy, cần phải có sự giám sát của bảo vệ, giáo viên và chính thành viên đội tự quản ở các lớp và các em với nhau. Nếu ai vi phạm sẽ bị xử lý theo nội quy của trường.

“Khâu giám sát vô cùng quan trọng, nhà trường có thể ra quy định em nào không đeo khẩu trang mà đi lại lung tung sẽ bị phạt, tùy mức độ nặng nhẹ để mang tính răn đe. Kể cả các hành động nhỏ như sát khuẩn tay, đo thân nhiệt mà khi chính các em tự giám sát để bảo nhau cùng tự giác thực hiện mới là vấn đề nên làm. Bên cạnh đó, lãnh đạo các nhà trường cần có kế hoạch rõ ràng để đảm bảo khâu giám sát này thì mới đảm bảo hiệu quả về phòng dịch.

Các trường cần hướng dẫn các bộ phận trước thời điểm đón học sinh một ngày về các nội dung về an toàn trường học. Thậm chí, hàng tuần, hàng tháng cần có một buổi tổng kết để tuyên dương những điển hình làm tốt, hoặc nhắc nhở một số trường hợp làm chưa tốt. Làm lâu dần sẽ thành thói quen để cả thầy và trò cùng thực hiện”, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh. 

Chủ động tâm thế

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội. Ảnh: NVCC

TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - nhận định, việc cho học sinh đi học trực tiếp là điều cần thiết trong bối cảnh các em phải học trực tuyến thời gian dài vừa qua. Khi tình hình dịch vẫn chưa thực sự chấm dứt, ngành Giáo dục Hà Nội đang lên phương án cho phép học sinh một số khối lớp được đi học lại từ ngày 8/11. Điều quan trọng đầu tiên, đó là tất cả phải thực hiện nghiêm túc khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế.

Ông Lâm lưu ý, thầy cô phải thông báo tới học sinh, phụ huynh nếu các em có biểu hiện bất thường về sức khỏe thì phải báo cáo ngay, tự giác ở nhà không được đến trường và điều trị kịp thời. Nhà trường cũng cần quán triệt các lớp thành lập các tổ/nhóm tự kiểm soát nhau việc tuân thủ quy định giãn cách – điều gần như khó nhất khi cho học sinh đi học lại. Học sinh muốn được học lâu dài thì phải đảm bảo an toàn. Tuyệt đối không được chủ quan cho rằng “dịch đã qua” rồi muốn làm gì thì làm. Lãnh đạo các trường cần phải nghiêm khắc, tổ chức chặt chẽ các bộ phận để cùng hoạt động theo chỉ đạo chung trong công tác phòng dịch.

“Đồng thời, thầy cô trong giai đoạn được đến trường trong trạng thái bình thường mới cần rèn cho học sinh khả năng tự học. Tại sao tôi lại nói vậy, rõ ràng các em được đi học trực tiếp rồi cơ mà? Tức là, khi ở trên lớp các trò có điều kiện thể hiện mình và giúp đỡ lẫn nhau dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Trường hợp không may nếu một thời gian sau học sinh buộc phải quay lại học online, khả năng tự học của các em đã sẵn có và phát huy tốt hơn.

Ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, tôi cũng quán triệt các thầy cô cần “biến nguy thành cơ”. Trong điều kiện hiện nay, người thầy không thể giảng dạy như ngày trước qua bảng đen phấn trắng mà nên cho học sinh tự tìm hiểu và trình bày. Tạo cho cả thầy và trò một sự chủ động trước mọi tình hình. Kể cả trường hợp sáng học trên lớp, chiều về lại phải học online thì quá trình dạy và học không bị ảnh hưởng quá nhiều. Các em học sinh cũng lưu ý, khi được quay trở lại học trực tiếp nên tranh thủ tham gia nhiều hoạt động thể chất hoặc thực hành nhiều hơn để nâng cao sức khỏe, tạo tâm lý thoải mái”, TS Lâm chia sẻ.

Dưới góc độ chuyên gia y tế, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng, Hà Nội nên cho học sinh đi học sớm. Phụ huynh càng không nên có tư tưởng “đợi bao giờ hết dịch rồi mới cho con đi học”. Ngoài ra, cũng không thể chờ đến khi tiêm đủ vắc-xin mới cho các em đến trường. Thực tế thời gian qua cho thấy, tỉ lệ trẻ em bị nhiễm hoặc diễn biến nặng do Covid-19 dù không được tiêm chủng vắc-xin thấp hơn nhiều lần so với người lớn. Mặt khác, nguy cơ lây nhiễm ở trẻ em cũng thấp, bởi các em chủ yếu di chuyển từ nhà đến trường và ngược lại.

 

 

Đình Tuệ
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //