Độc đáo ngày Rằm tháng 7 của người Tày, Nùng ở Bắc Kạn

01-09-2020 13:33:52

Với người Kinh, rằm tháng 7 ngày Xá tội vong nhân tết vu lan báo hiếu cha mẹ người ta làm lễ cúng gia tiên, ăn chạy nhẹ. Còn người Tày, Nùng Bắc Kạn được coi là một trong hai cái tết quan trọng nhất trong năm sau Tết nguyên đán…

Từ cổ xưa, người Tày, Nùng ở tỉnh Bắc Kạn có câu “Tết tháng giêng hẹn từ tháng 7” và Tết tháng 7 người Bắc Kạn cũng hẹn từ tháng giêng. Tết rằm tháng 7, của người dân tộc Tày ngoài ý nghĩa thờ cúng tổ tiên, cúng các vong hồn còn là dịp để gia đình, dòng họ xum họp, con cái thể hiện lòng biết ơn, tình cảm và lòng hiếu thuận đối với cha mẹ, tổ tiên.

Điều đặc biệt về rằm tháng 7 của người Tày Bắc Kạn

Bắc Kạn là một tỉnh nghèo thuộc Đông Bắc, nơi sinh sống của nhiều đồng bào anh em các dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Chỉ,… nơi đây có nhiều phong tục, tập quán phong phú luôn được gìn giữ và phát huy. Trong 1 năm ngoài Tết nguyên đán ngày lễ tết quan trọng nhất thì người Bắc Kạn còn có Rằm Tháng 7 (Đồng bào gọi là Slíp Slí), đây được coi là cái Tết lớn thứ 2 trong năm của người dân nơi đây.

Ở Bắc Kạn người ta thường ăn rằm tháng 7 vào ngày 14, 15/7 âm lịch hằng năm với người Tày, Nùng Bắc Kạn có rất nhiều ý nghĩa và nó luôn được gìn giữ và phát huy qua các năm.


Một góc nhỏ phiên chợ ngày rằm (Ảnh ST)

Theo tài liệu ghi lại, Rằm tháng 7 nơi đây mang nhiều ý nghĩa, được coi như một dấu mốc quan trọng của quá trình sản xuất trong năm. Mùa này, bà con thu hoạch xong vụ lúa chiêm, vụ ngô và cấy xong vụ mùa. Việc lao động sản xuất thảnh thơi, chỉ cần làm cỏ, chăm bón chờ đến ngày thu hoạch. Vì thế, bà con mở tiệc ăn mừng, làm cỗ thắp hương mời tổ tiên về chứng kiến và mong tổ tiên phù hộ cho mưa thuận gió hòa, cây lúa sinh trưởng tốt tươi, vụ này trúng mùa.

Cũng theo sử sách ghi lại, Rằm tháng 7 là dịp để nhân dân khu vực Cao – Bắc – Lạng tưởng nhớ vong linh những chiến binh của nghĩa quân Nùng Chí Cao – một anh hùng dân tộc Tày sống ở thời nhà Lý thế kỷ XI. Nùng Trí Cao là con của một thủ lĩnh địa phương, được triều đình nhà Lý đào tạo, giao quyền cai quản, bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc trước sự xâm lấn của nhà Tống ở phương Bắc.

Trong một trận chiến ác liệt ở Tổng Quỷ, gần cửa khẩu Tà Lùng, huyện Phục Hoà, tỉnh Cao Bằng, nhiều quân binh của Nùng Trí Cao tử trận. Vì thế nhân dân thương tiếc lấy ngày 14/7 làm ngày giỗ của quân binh. Trong ngày này, người dân thường làm “pẻng tải” (người Kinh gọi là bánh gai) để cúng vong hồn binh sỹ. “Pẻng Tải” dịch ra nguyên nghĩa là bánh đưa đường. Tương truyền khi quân của Trí Cao lên đường đánh giặc, đi đến đâu, người dân cũng làm bánh gai cho quân sỹ làm lương thực.

Bên cạnh đó, quan niệm của người xưa, đây được coi như dịp những cô con gái đi lấy chồng về thăm cha mẹ, gia đình, thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, hiếu thuận đối với cha mẹ.

Cứ đến tháng 7 âm lịch hằng năm, các chợ phiên trên địa bàn huyện, lại nhộn nhịp, đông đúc hơn ngày thường. Đồng bào Tày, Nùng, Mông, Dao… từ khắp các bản làng lại nô nức xuống chợ sắm những đồ cần thiết cho Rằm tháng 7 như gạo nếp, thịt lợn, vịt và các nhu yếu phẩm khác.

Chợ phiên vào những ngày này đông đúc, nhộn nhịp bởi không khí mua bán tấp nập. Các gian hàng nối đuôi nhau, bày bán các nhu yếu phẩm như bánh kẹo, nước ngọt, và các vật dụng gia đình. Mọi người đến chợ đều vui nhộn, họ chăm chút lựa chọn, mặc cả giữa người bán, người mua các mặt hàng, nguyên liệu để chuẩn bị làm bánh gai như gạo nếp, lá gai, đỗ xanh, đường phên và sắm lễ vật để chuẩn bị cho mâm cỗ đầy đủ.


Mân cúng ngày raừm của người Tày Nùng (Ảnh ST)

Trong ngày lễ này, đồng bào nơi đây không thể thiếu thịt vịt, người Tày, Nùng thường có câu cửa miệng khi nói về các món ăn thuộc về phong tục của dân tộc mình “Bươn chiêng kin nựa cáy, bươn Chiết kin nựa pết (tạm dịch: tết tháng giêng ăn thịt gà, tết tháng bảy ăn thịt vịt). Những con vịt ngon, béo nhất sẽ được thịt để cúng tổ tiên, thổ địa cầu chúc cho gia đình may mắn… sau đó được chế biến thành nhiều món khác nhau cả gia đình họ hàng ngồi với nhau chung vui.

Bên cạnh đó, “pẻng tải” (bánh gai) bánh không thể thiếu, nguyên liệu để làm bánh gồm: gạo nếp, lá bánh gai, đường phên, đỗ xanh (hoặc lạc rang giã nhỏ) để làm nhân bánh, Ngoài ra còn phải chuẩn bị thêm lá chuối đã được phơi ngoài nắng cho mềm để gói bánh.

Bên cạnh 02 món ăn không thể thiếu này, người dân Cao Bằng cũng chuẩn bị những món ăn như trong dịp Tết nguyên đán như: Thịt lợn, bánh gio, bún và một số đồ ăn khác. Trên mâm cỗ cúng tổ tiên trong ngày rằm tháng 7 của người Tày, Nùng Bắc Kạn bao gồm: bánh gai, thịt vịt và hoa quả… tiền, quần áo do gia chủ tự cắt bằng giấy có nhiều màu sắc khác nhau được mua ở ngoài chợ.

Độc đáo phong tục “Pây tái”

Nếu như ở dưới xuôi, ngày mùng 2 tết nguyên đán các cặp vợ chồng, con cái đi nhà ngoại tham hỏi bố mẹ, ông bà thì người Tày Bắc Kạn trong một năm có hai lần đi nhà ngoại vào ngày mùng 2 tháng Giêng và ngày rằm tháng 7 (đồng bào gọi “pay tái”) hằng năm.


Người dân đang gói "pẻng tải" (bánh gai) - (Ảnh ST)

Người Tày, Nùng quan niệm rằng, những người phụ nữ sau khi đi lấy chồng, quanh năm phải cùng chồng con lo toan việc làm ăn, và phải quán xuyến hương khói thờ phụng ông, bà, tổ tiên nhà chồng. Chính vì vậy, ngày mùng 2 tháng Giêng và ngày rằm tháng 7 dịp người phụ nữ cùng chồng con mình trở về nhà bố mẹ đẻ để tự tay được chăm sóc cho cha mẹ. Việc này không chỉ thể hiện sự báo hiếu cho cha mẹ đẻ của mình mà còn là dịp để chàng rể thể hiện tấm lòng biết ơn cha mẹ vợ của mình đã vất vả khó nhọc sinh và chăm sóc cho cô gái mà mình lấy về làm vợ.

Quà cho cha mẹ thường một đôi vịt béo, một chục bánh gai. Theo truyền thuyết, con vịt được coi là con vật thiêng trong tâm linh của người Tày, Nùng, vì con vịt là vị sứ giả của mường trần gian với mường trời. Con vịt đó có công cõng gà trống vượt biển (khảm hải) đi cống sứ mường trời vào ngày rằm tháng 7 hằng năm. Ngày Tết, cả gia đình quây quần bên mâm cơm ấm cúng thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương.

Với người Tày, Nùng dù sống ở bất cứ nơi đâu cũng không thể quên tục “Pây Tái” vì hàm chứa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. Chính vì vậy, nó cần được gìn giữ và phát triển hơn nữa trong thời đại xã hội ngày càng phát triển như hiện nay, góp phần bảo tồn không gian văn hóa chung của đồng bào các dân tộc.


Một gia đình đanng trên đường "pay tái" (Ảnh ST)

Anh Hoàng Công Minh sinh sống tại Hà Nội lấy vợ ở Bắc Kạn cho biết: “Từ trước tôi không biết về phong tục “pay tái” này của đồng bào trên vùng cao đến khi lấy vợ là người Tày ở Băc Kạn tôi mới biết. Năm đầu tiên hơi bỡ ngỡ vì không biết phải mua đồ gì nhiều để về nhà ngoại trên đấy, nhưng dần rồi quen, cái hay trên đấy rằm họ ăn như tết nguyên đán mình, họ hàng bạn bè của vợ đến chơi, ngồi ăn cơm và được biết nhiều hơn về họ hàng bên ngoại vui lắm.

Em Dương Văn Hùng, người Bắc Kạn đang là sinh viên một trường Đại học ở Hà Nội ngậm ngùi nói: "Năm nay em không về ăn rằm được buồn quá, nhớ bạn bè tụ tập nhau ngồi ăn uống, hỏi han nhau chúc nhau sức khoẻ làm ăn phát đạt. Đặc biệt hơn, nhớ đến “pay tái” sang bên nhà bà ngoại được gặp nhiều ông bà, các bác, cậu được ăn nhiều món ngon.

Trong dịp này, người phụ nữ Tày, Nùng cũng cùng chồng sửa soạn lễ cúng tạ ơn ông bà tổ tiên. Rằm tháng bảy người Tày, Nùng cũng có tín ngưỡng cúng “Xá tội vong nhân”, mọi thủ tục và nghi thức cúng bái cũng giống như người Kinh.

Ngày nay, khi đất nước ngày càng phát triển, những văn hóa phương Tây ngày càng du nhập nhiều vào Việt Nam có ảnh hưởng không ít tới tư tưởng, lối sống của nhân dân. Nhưng với người Bắc Kạn, họ vẫn luôn gìn giữ và phát huy những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, của quê hương.

Trang Linh - Nhật Tân
Theo Đời sống Plus/GĐVN //