Doanh nghiệp đào vàng hủy hoại rừng đặc dụng ở Thái Nguyên: Cần khởi tố vụ án hình sự
Liên quan đến các vi phạm tại khu vực khai thác vàng Võ Nhai, Thái Nguyên như đã phản ánh trao đổi với phóng viên các chuyên gia pháp lý cho rằng cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Thái Nguyên cần phải vào cuộc, nếu có dấu hiệu hình sự thì cần phải khởi tố vụ án để điều tra làm rõ.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Bùi Quang Thu- Đoàn luật sư Hà Nội phân tích: Rõ ràng, khi cấp phép khai thác khoáng sản cho Công ty khoáng sản Thăng Long, UBND tỉnh Thái Nguyên phải biết bản đồ hiện trạng, bản đồ quy hoạch 3 loại rừng năm 2006, năm 2013 có đất rừng đặc dụng. UBND tỉnh Thái Nguyên thừa nhận đối chiếu với 02 bản đồ trên và hiện nay thì có tới gần 10 ha là đất rừng đặc dụng.
Theo luật sư Thu thì việc UBND tỉnh Thái Nguyên lấy việc đối chiếu với bản đồ quy hoạch sử dụng đất xã Thần Sa, huyện Võ Nhai giai đoàn 2003- 2010; Đối chiếu với hiện trạng sử dụng đất năm 2005; Đối chiếu với bản đồ địa hình địa khoáng sản khi cấp giấy phép khoáng sản cho doanh nghiệp… để đi đến nhận định “Hồ sơ hiện trạng rừng, hồ sơ quy hoạch 3 loại rừng các năm 2006, 2013 và hiện nay không chính xác, không đúng thực tế” là có dấu hiệu lấp liếm, chữa cháy cho sai phạm đã xẩy ra.
Bởi lẽ, nguyên tắc của Khu bảo tồn thiên nhiên là phải giữ nguyên trạng thái rừng. Không cho phép tác động dù chỉ nhỏ nhất như: vứt rác bừa bãi....
Trên thực tế, đã có những người dân bị khởi tố vụ án hình sự chỉ vì chặt một cây gỗ trong rừng đặc dụng. Vậy doanh nghiệp tự ý làm đường vào mỏ, tự ý xây dựng đền chùa, tự ý đổ thải vì sao không khởi tố?”, luật sư nêu quan điểm.
Việc làm đường, xây chùa, trụ sở văn phòng... tại bãi vàng Bản Ná xâm lấn hơn 10ha đất rừng đặc dụng.
Cũng theo luật sư Thu thì việc tỉnh Thái Nguyên thừa nhận Công ty khoáng sản Thăng Long "mượn" đất rừng đổ thải, có nêu rõ diện tích. Hành vi này rõ ràng cùng một lúc đã vi phạm nhiều luật: Luật Bảo vệ môi trường, Luật bảo vệ rừng. Chiếu theo luật bảo vệ rừng thì đặc biệt nghiêm trọng đủ để khởi tố.
Hơn nữa theo quy định của Luật Khoáng sản 2010 thì các khu vực cấm hoạt động khoáng sản bao gồm: Khu vực đất có di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được khoanh vùng bảo vệ theo quy định của Luật di sản văn hóa;
Khu vực đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ hoặc đất quy hoạch trồng rừng phòng hộ, khu bảo tồn địa chất; Khu vực đất quy hoạch dành cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc nếu tiến hành hoạt động khoáng sản có thể gây ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; Đất do cơ sở tôn giáo sử dụng; Đất thuộc hành lang hoặc phạm vi bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi, đê điều; hệ thống cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải, dẫn điện, xăng dầu, khí, thông tin liên lạc.
Đối chiếu với bản đồ hiện trạng, bản đồ quy hoạch 3 loại rừng năm 2006, năm 2013 và hiện nay thì diện tích mỏ mà Công ty khoáng sản Thăng Long được cấp phép có 9,998 ha đất rừng đặc dụng, gồm 6,678 ha tại lô 1, khoảnh 2, tiểu khu 85; 3,27 ha tại lô 1, khoảnh 12, tiểu khu 85. Như vậy tỉnh Thái nguyên đã sai ngay từ khi cấp mỏ cho doanh nghiệp. Trách nhiệm cấp mỏ vào khu vực cấm khai thác khoáng sản cho doanh nghiệp dẫn đến hủy hoại môi trường rừng thuộc về cá nhân lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên kí quyết định giao mỏ.
Những moong khai thác vàng hủy hoại rừng của Công ty Thăng Long
“Tại văn bản số 4615, tỉnh Thái Nguyên thừa nhận đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, trong đó đang rà soát và điều chỉnh diện tích 9,998 ha quy hoạch là rừng đặc dụng ra đất sản xuất kinh doanh.” Đây là cách mà chính quyền tìm cách bao che, hợp thức hóa cho sai phạm. Trách nhiệm này rõ ràng thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đương nhiệm
Về nguyên tắc, nói đến vi phạm hủy hoại rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn thì trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Thần Sa và Chi cục Kiểm lâm.
Công ty khoáng sản Thăng Long hoạt động khai thác khoáng sản, đổ thải ra môi trường, làm đường, xây dựng trụ sở, đình chùa miếu mạo bằng bê tông cốt thép với quy mô lớn hủy hoại hoàn toàn hàng chục hecta rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên mà Ban quản lý và Kiểm lâm cố tình làm ngơ không xử lý thì hành vi này hội đủ yếu tố của việc tội: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu cơ quan điều tra làm rõ thấy có động cơ và lợi ích thì thuộc nhóm tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Vụ việc này cần có sự vào cuộc của Cục Cảnh sát mội trường, Bộ Công an", luật sư Thu nêu quan điểm.