Điều kỳ diệu gây bất ngờ sau vụ hỏa hoạn Nhà thờ Đức Bà Paris

16-04-2019 21:49:49

Hình ảnh từ bên trong nhà thờ Đức Bà cho thấy phần trung tâm của nhà thờ mang thiết kế gothic vẫn còn nguyên vẹn, trong đó có cây thánh giá đứng sừng sững.


Hình ảnh cây thánh giá vẫn đứng sừng sững giữa đám cháy dữ dội được ví là “biểu tượng cho hy vọng” của người dân Pháp (Ảnh: AP)

Liên quan đến vụ hoả hoạn kinh hoàng tại Nhà thờ Đức Bà Paris xảy ra tối 15/4, báo chí địa phương cho biết đám cháy tại nhà thờ Đức Bà Paris kéo dài 8 tiếng đồng hồ đã cơ bản được dập tắt vào lúc 3 giờ sáng ngày 16/4 giờ địa phương. 

Điều đáng nói là hình ảnh từ bên trong nhà thờ Đức Bà cho thấy phần trung tâm của nhà thờ mang thiết kế gothic vẫn còn nguyên vẹn, trong đó có cây thánh giá đứng sừng sững giữa ngọn lửa cháy rực. Thậm chí nhìn từ xa, cây thánh giá vẫn rọi sáng lối đi của nhà thờ dù phần mái nhà đang âm ỉ cháy và than hồng vẫn tiếp tục rơi xuống. 

Nhiều người cho rằng hình ảnh ấy chính là “biểu tượng cho hy vọng” của người dân Pháp.

Hình ảnh này đã được các phóng viên ảnh đầu tiên vào trong nhà thờ sau vụ hỏa hoạn xảy ra vào khoảng 19h tối 15/4 ghi lại.

Trước đó, lính cứu hỏa Paris đã liều mình xông vào đám cháy và họ đã cứu được nhiều bảo vật vô giá bên trong nhà thờ, bao gồm Vương miện gai từng được Chúa Jesus đội trên đầu khi bị đóng đinh.

Theo xác nhận từ giới chức Pháp, tháp cao nhất và 2/3 phần mái làm bằng gỗ sồi thứ thế kỷ 13 của Nhà thờ Đức Bà bị phá hủy, nhưng 2 tháp chuông và tòa nhà chính đã được cứu.


Nguyên nhân vụ hỏa hoạn vẫn chưa được tiết lộ, nhưng các thông tin ban đàu cho thấy cho thấy vụ cháy có thể liên quan tới quá trình trùng tu đang diễn ra.

Nhiều tỷ phú quyên góp tiền tái thiết Nhà thờ Đức Bà

Trong một tuyên bố đưa ra vào tối 15/4, Tổng thống Emmanuel Macron cam kết sẽ xây dựng lại nhà thờ và công việc gây quỹ sẽ bắt đầu ngay từ sáng 16/4. 

The Guardian ngày 16/4 đưa tin, chưa đầy một ngày sau lời kêu gọi quyên góp quốc tế được Tổng thống Emmanuel Macron phát động, Chính phủ Pháp đã nhận được những cam kết "khủng" với tổng trị giá lên tới gần nửa tỷ USD, nhằm xây dựng lại nhà thờ. 

Cụ thể, gia đình tỷ phú Bernard Arnault, ông chủ của tập đoàn LVMH (tập đoàn sở hữu các thương hiệu hạng sang như Louis Vuitton, Fendi, Céline, Christian Dior) đã cam kết tặng 200 triệu Euro (~226 triệu USD) giúp phục hồi Nhà thờ Đức Bà. Ông Arnault hiện là tỷ phú giàu thứ ba thế giới, sở hữu khối tài sản khoảng 90,4 tỷ USD.

Trước đó, tỷ phú người Pháp Francois Pinault (82 tuổi) – nhà sáng lập và cổ đông lớn nhất của tập đoàn Kering cùng con trai đã tuyên bố quyên góp 100 triệu euro cho Quỹ Di sản Pháp nhằm đưa nhà thờ Đức Bà trở lại thời kỳ hoàng kim của nó. Kering là công ty mẹ của nhiều thương hiệu thời trang đình đám nhất hiện nay như Gucci, Yves Saint Laurent, Balenciaga, Alexander McQueen, Bottega Veneta, Boucheron, Brioni và Pomellato. Với khối tài sản 31,5 tỉ USD, Francois Pinault hiện là người giàu thứ 3 tại Pháp và 25 trên thế giới.


Hai tỷ phú Pháp Francois-Henri Pinault (trái) và Bernard Arnault. (Ảnh: VnEconomy)

Chính phủ Pháp cũng đã nhận được cam kết quyên góp 100 triệu euro (~113 triệu USD) từ Tập đoàn Dầu khí Total và thêm 1 triệu euro (1,13 triệu USD) từ công ty công nghệ Capgemini.

Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, tổng số tiền mà các doanh nghiệp và các tỷ phú tự nguyện đóng góp cho việc xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà đã lên tới 401 triệu euro (~ 453 triệu USD). Con số nêu trên còn chưa bao gồm khoản 50 triệu euro (56 triệu USD) mà tòa thị chính Paris tuyên bố chia sẻ. 

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //