Điện Biên lấp đầy 'khoảng trống' sách giáo khoa
Sách giáo khoa hiện là “từ khóa nóng” khi thời điểm năm học mới cận kề. Đặc biệt tại địa bàn vùng khó, nhiều “khoảng trống” về sách đã đặt ra không ít thử thách đòi hỏi sự linh hoạt của các cơ sở giáo dục.
Việc phát động hiệu quả phong trào quyên góp, ủng hỗ đã giúp bổ sung nguồn sách dồi dào cho thư viện các nhà trường, sẵn sàng hỗ trợ học sinh khi có nhu cầu.
Chủ động cung ứng
Thống kê từ ngành Giáo dục Điện Biên, địa phương này đã quyên góp ủng hộ được trên 14.600 bộ SGK. Vận động, đề nghị cha mẹ học sinh sử dụng đúng mục đích tiền hỗ trợ chi phí học tập (theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP), bảo đảm 100% học sinh có đủ SGK phục vụ học tập trước thềm năm học mới. |
Năm đầu tiên thực hiện Chương trình sách giáo khoa (SGK) mới với lớp 3, 7 và 10, theo ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, trước khi kết thúc năm 2021 – 2022, các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục địa phương đã thực hiện kiểm kê, rà soát, xác định nhu cầu SGK thực tế.
“Chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định tiêu chí lựa chọn sách cho năm học mới từ rất sớm. Đồng thời chỉ đạo cơ sở giáo dục thông báo công khai, cụ thể danh mục SGK, các môn học bắt buộc, tự chọn (có giá bìa kèm theo). Từ đó, nhà trường xây dựng kế hoạch chuẩn bị, nhằm tránh bị động, gián đoạn do ảnh hưởng, tác động khách quan”, ông Đoạt cho hay.
Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Điện Biên nhiều năm nay là đơn vị tiếp nhận đăng ký và cung ứng SGK tại địa phương này. Ông Trần Quang Đức, Phó Giám đốc Công ty cho biết: Từ đầu tháng 5, đơn vị đã khảo sát thị trường và nhận được đăng ký nhu cầu sử dụng SGK của các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
“Cùng với danh mục được tỉnh phê duyệt, công ty xây dựng kế hoạch đặt hàng với các nhà xuất bản, đặc biệt là SGK lớp 3, 7, 10 theo chương trình mới. Dựa trên nhu cầu thực tế, đơn vị đặt khoảng 1,4 triệu bản SGK các cấp. Đến nay, công ty đã nhập đủ và vượt số lượng trong kế hoạch, với tổng số 545.000 bản sách (bao gồm SGK và sách bổ trợ)”, ông Đức cho hay.
Cũng theo ông Đức, là địa bàn vùng khó, chịu nhiều tác động tiêu cực của thời tiết, thiên tai nên đơn vị đã chủ động phối hợp với các cơ sở giáo dục cung ứng, vận chuyển sách từ sớm. Trong đó ưu tiên các địa bàn vùng sâu, vùng xa, giao thông đặc biệt khó khăn. Đến nay, việc cung ứng sách đạt 85% kế hoạch.
Ngoài ra, công ty cũng chuẩn bị sẵn các đầu SGK và thiết bị học tập tại 1 siêu thị, 12 đại lý cấp 1 trên toàn địa bàn. Đồng thời triển khai chương trình khuyến mại, giảm giá SGK, văn phòng phẩm đối với học sinh thuộc diện nghèo, đặc biệt khó khăn.
Hàng năm, Trường PTDTBT Tiểu học Kim Đồng (huyện Tủa Chùa) vận động quyên góp được từ 50 - 60% lượng SGK cũ.
Lấp đầy chỗ trống
Điện Biên có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là tại huyện biên giới như: Mường Nhé, Nậm Pồ, Tủa Chùa... Cùng với đó là số lượng học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nhu cầu hỗ trợ sách cũng tương đối lớn. Theo rà soát của toàn ngành, năm học 2022 – 2023, địa phương này có gần 103.000 học sinh cần hỗ trợ SGK.
Chính vì vậy, các sơ sở giáo dục đã chủ động, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm lấp đầy chỗ trống này. Tại Trường PTDTBT Tiểu học Kim Đồng, huyện Tủa Chùa, từ cuối tháng 5 phong trào quyên góp sách cũ đã diễn ra sôi nổi. Ý nghĩa chương trình, giá trị của sách được thông tin sâu rộng đến từng học sinh, phụ huynh. Nhờ đó, những bộ SGK cũ nối tiếp nhau lấp đầy trên các kệ sách thư viện nhà trường.
Theo Phó Hiệu trưởng Trịnh Xuân Tùng, 98% học sinh nhà trường là người dân tộc thiểu số. Trong đó, tỷ lệ học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn chiếm trên 41%. Bởi vậy, nhiều năm qua đơn vị đã tích cực vận động và phát huy hiệu quả phong trào quyên góp, ủng hộ sách cũ.
“Để có nguồn sách bảo đảm, nhà trường giáo dục ý thức gìn giữ sách vở, tinh thần “tương thân tương ái”, biết sống vì mọi người cho từng học sinh. Ngoài ra, thông qua các buổi họp phụ huynh để vận động cha mẹ các em, tạo thành phong trào chung. Nhờ đó, hàng năm, trường vận động quyên góp được từ 50 - 60% lượng SGK cũ, đảm bảo 100% học sinh đều có sách cho năm học mới”, thầy Tùng cho hay.
Tương tự, tại Trường THCS xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) phong trào này cũng được duy trì nhiều năm qua. Đặc biệt, theo thầy Trần Văn Khương, Hiệu trưởng nhà trường, từ cuối năm học vừa qua, xã đạt chuẩn nông thôn mới, học sinh không còn hưởng chính sách hỗ trợ như trước, trong đó có SGK nên phong trào càng được phát động mạnh mẽ.
“Việc phải chuẩn bị sách giáo khoa, đồ dùng cho con trước thềm năm học mới gây khó khăn cho không ít phụ huynh, nhất là gia đình có nhiều con cùng theo học. Vì vậy, chúng tôi đã tiến hành rà soát số học sinh sẽ tiếp tục học tại nhà trường trong năm tới. Trong đó, phân loại rõ em nào phải mua sách mới, em nào có anh chị khóa trước có thể để lại và cả trường hợp không có điều kiện cần sự hỗ trợ. Trên cơ sở đó, trường xây dựng kế hoạch bù lấp từ nhiều nguồn khác nhau”, thầy Khương chia sẻ.
Đến nay, hơn 240 học sinh toàn trường được đảm bảo đầy đủ SGK cho năm học mới. Trong đó, hơn 80% mua mới, gần 20% còn lại quyên góp, ủng hộ từ học sinh khóa trước và nguồn xã hội, từ thiện. “Không chỉ hỗ trợ các gia đình khó khăn, số sách kế thừa lại còn giúp nhiều phụ huynh tiết kiệm được khoản chi tiêu đầu năm học. Về phía nhà trường cũng bổ sung được một số đầu sách vào kho dùng chung. Học sinh mất, hỏng sách bất kỳ khi nào đều sẵn sàng có nguồn thay thế”, thầy Khương nói.
Theo ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ, ngoài số học sinh lớp 3, 7 (100% phải mua mới) thì hơn 80% còn lại tự mua theo hình thức đăng ký với nhà trường. Vì là địa bàn khó khăn về giao thông, thường xuyên xảy ra sạt lở, ách tắc nên phòng đã phối hợp với công ty sách chủ động cung ứng, vận chuyển, bảo đảm đủ số lượng theo nhu cầu từ giữa tháng 8. |