Đi giày cao gót có thật sự nguy hiểm khi lái xe ô ô?
Vụ việc người phụ nữ lái xe Mercedes GLC 250 gây tai nạn nghiệm trọng sáng ngày 20/11 tại Hà Nội có đi giày cao gót khiến cộng đồng mạng tranh cãi về việc đây có phải là nguyên nhân?
Mới đây, vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra vào khoảng 7h20 sáng 20/11, tại ngã tư Lê Văn Lương - Nguyễn Ngọc Vũ, Hà Nội. Chiếc xe ô tô Mercedes GLC 250 do một phụ nữ điều khiển đã tông 2 xe máy cùng 1 xe đạp. Hậu quả Xe ô tô cùng 3 phương tiện bùng cháy, 1 phụ nữ khoảng 25 tuổi tử vong tại chỗ (chưa xác định danh tính nạn nhân).
Hiện trường vụ tai nạn thương tâm khiến 1 người phụ nữ tử vong, chiếc xe bốc cháy trơ khung
Ngay sau khi gây tai nạn, nữ tài xế hoảng loạn chạy lại chỗ người phụ nữ tử vong đang nằm dưới đất, cúi sát ôm nạn nhân. Theo thông tin ban đầu, chiếc Mercedes GLC 250 mới được mua vài ngày và đứng tên một người đàn ông. Chiếc xe gây tai nạn khi vợ người này điều khiển.
Ngay sau đó, cộng đồng mạng phát hiện nữ tài xế có đi giày cao gót và từ đây đã có những tranh cãi phải chăng đây là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn nghiêm trọng?
Theo quan điểm của một cư dân mạng trên diễn đàn lớn về ô tô, người này cho rằng: "Giày cao gót tiềm ẩn nguy cơ gây ra những vụ tai nạn kinh hoàng bậc nhất bởi nó có thể dẫn đến khả năng nhầm chân ga - chân phanh.
Cấu tạo của giày cao gót đã để lại một khoảng trống giữa bàn chân của bạn với 2 bàn đạp. Khoảng trống này có thể khiến người lái mất đi cảm nhận về không gian, dẫn đến đạp trượt phanh, hoặc tệ hơn là đạp nhầm chân ga. Việc đạp nhầm chân ga khi đang chuẩn bị dừng đèn đỏ sẽ gây ra tai nạn liên hoàn.
Đồng thời, câu chuyện đạp phanh hay chân ga phụ thuộc rất nhiều vào lực từ bàn chân, mà giày cao gót thì khiến bạn khó lòng phân bổ đúng lực ở khu vực này. Trên thực tế, người đi giày cao gót chỉ có thể sử dụng đầu ngón chân để đạp, dẫn đến câu chuyện không đạp đủ lực để phanh trong trường khẩn cấp.
Ngoài ra, giày cao gót gây vướng víu khi cần luân chuyển giữa chân ga và chân phanh, khiến phản xạ bị giảm đi so với bình thường làm mắc kẹt luôn trong chân phanh.
Chia sẻ về việc phụ nữ đi giày cao gót lái xe, ông Lê Văn Tạch, cựu kỹ sư ôtô của Toyota Việt Nam phân tích: "Khi đi giày cao gót, người điều khiển ô tô sẽ gặp khó khăn hơn khi chuyển từ chân ga sang chân phanh. Tuy nhiên theo việc mắc kẹt giày cao gót là khó có khả năng xảy ra".
Về những tranh cãi xung quanh việc gây tai nạn do đi giày cao gót hay do bản thân tài xế, kỹ sư Tạch cho rằng không có bằng chứng cho thấy giày cao gót gây nguy hiểm khi lái xe. Những vụ tai nạn xảy ra có thể do tài xế thao tác nhầm, hoặc ít kinh nghiệm.
Cựu kỹ sư ôtô của Toyota Việt Nam cho biết, xe ô tô thường di chuyển với tốc độ nhanh, cần thao tác nhanh, chính xác và dứt khoát. Vì vậy, phụ nữ hay nam giới nếu đi giày dép không vừa kích cỡ chân có thể khó khăn trong việc xử lý các tình hướng nguy cấp.
Tuy nhiên, kỹ sư Tạch cũng khẳng định không nên đề cập đến việc cấm hay không cấm phụ nữ đi giày cao gót khi lái xe. Bởi giày cao gót thật ra là vật dụng bình thường của con người, có người đi rất thuần thục cũng có người đi ngượng nghịu. Những người đi quen họ có thể thao tác điều khiển ô tô dễ dàng, nhưng những người không quen sẽ có thể sẽ vụng về.
Ông Lê Văn Tạch cũng đưa ra lời khuyên: "Với phụ nữ khi lái xe nên đi đôi giày phù hợp, quen thuộc, dễ thao tác. Khi đi giày cao gót, pụ nữu có thể chuẩn bị trong xe một đôi giày đủ cứng và bám như giày thể thao, giầy dép có đế thấp và rộng để điều khiển xe dễ dàng hơn".