Đề thi học sinh giỏi cấp huyện môn Văn lớp 7,8 năm học 2016 – 2017 ở Thái Bình
Đề thi học sinh giỏi cấp huyện môn Văn lớp 7 và 8 ở Thái Thụy, Thái Bình năm học 2016 – 2017 kèm đáp án.
Tổng hợp đề thi học sinh giỏi môn văn lớp 7, 8 cấp huyện. Ảnh minh họa
Giai đoạn chuẩn bị cho kỳ thi học sinh giỏi là một trong những giai đoạn quan trọng nhất đối với các thí sinh. Chúng tôi xin gửi tới các bạn đề thi học sinh giỏi cấp huyện lớp 7,8 ở Thái Thụy (Thái Bình) để các bạn có thể tham khảo.
Đề thi học sinh giỏi cấp huyện môn Văn lớp 7:
Câu 1: (8,0 điểm)
MẸ VÀ QUẢ
Nguyễn Khoa Điềm
Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả mọc rồi lại lặn
Như mặt trời khi như mặt trăng.
Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.
Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ vẫn chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn là một thứ quả non xanh?
a) Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ trên?
b) Trình bày cảm nhận của em về bài thơ trên bằng một bài viết ngắn gọn.
Câu 2. (12,0 điểm)
Bài thơ Tiếng gà trưa của nhà thơ Xuân Quỳnh (Sách Ngữ văn 7, tập một - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2016) đã gọi về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu. Tình cảm đẹp đẽ và thiêng liêng ấy đã làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương đất nước.
Em hãy làm sáng tỏ nội dung trên đây bằng một bài văn nghị luận.
Hướng dẫn làm bài:
Câu 1
a) Chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ trên? Có 4 biện pháp tu từ so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, câu hỏi tu từ.
b) Trình bày cảm nhận của em về bài thơ trên bằng một bài viết ngắn gọn: Giới thiệu khái quát về bài thơ và trình bày rõ cảm nhận của mình.
Câu 2
Bài thơ Tiếng gà trưa của nhà thơ Xuân Quỳnh (Sách Ngữ văn 7, tập một - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2016) đã gọi về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu. Tình cảm đẹp đẽ và thiêng liêng ấy đã làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương đất nước.
Em hãy làm sáng tỏ nội dung trên đây bằng một bài văn nghị luận.
1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về nhà thơ Xuân Quỳnh: là nhà thơ nữ xuất sắc trong nền thơ hiện đại Việt Nam. Thơ Xuân Quỳnh thường viết về những tình cảm gần gũi, bình dị trong đời sống gia đình và cuộc sống thường ngày, biểu lộ những rung cảm và khát vọng của một trái tim phụ nữ chân thành, tha thiết và đằm thắm.
- Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác bài thơ: bài thơ được viết trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Mĩ, bài thơ thể hiện vẻ đẹp trong sáng về những kỉ niệm tuổi thơ và tình bà cháu. Tình cảm ấy đã làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương đất nước...
2. Thân bài:
Làm sáng tỏ về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu được thể hiện qua bài thơ. Tình cảm đẹp đẽ và thiêng liêng ấy đã làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương đất nước.
* Ý thứ nhất: Bài thơ Tiếng gà trưa đã gọi về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu: Trên đường hành quân, người chiến sĩ chợt nghe tiếng gà nhảy ổ, tiếng gà đã gợi về những kỉ niệm tuổi thơ thật êm đềm, đẹp đẽ:
- Hình ảnh những con gà mái mơ, mái vàng và ổ trứng hồng đẹp như trong tranh hiện ra trong nỗi nhớ.
- Một kỉ niệm về tuổi thơ dại: tò mò xem trộm gà đẻ bị bà mắng.
- Người chiến sĩ nhớ tới hình ảnh người bà đầy lòng yêu thương, chắt chiu, dành dụm chăm lo cho cháu:
- Niềm vui và mong ước nhỏ bé của tuổi thơ: được bộ quần áo mới từ tiền bán gà - ước mơ ấy đi cả vào giấc ngủ tuổi thơ...
* Ý thứ hai: Tình cảm bà cháu đẹp đẽ và thiêng liêng ấy đã làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương đất nước:
- Tiếng gà trưa với những kỉ niệm đẹp về tuổi thơ, hình ảnh thân thương của bà đã cùng người chiến sĩ vào cuộc chiến đấu ...
- Những kỉ niệm đẹp của tuổi thơ như tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ chiến đấu vì Tổ quốc và cũng vì người bà thân yêu của mình.
- Qua những kỉ niệm đẹp được gợi lại, bài thơ đã biểu lộ tâm hồn trong sáng, hồn nhiên của người cháu với hình ảnh người bà đầy lòng yêu thương, chắt chiu dành dụm chăm lo cho cháu.
- Tình cảm bà cháu đẹp đẽ và thiêng liêng ấy đã làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương, đất nước của mỗi chúng ta. Tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu Tổ quốc bắt nguồn từ những tình cảm gia đình thật gần gũi, thân thương và cũng thật sâu sắc. Những tình cảm thiêng liêng, gần gũi ấy như tiếp thêm sức mạnh cho người chiến sĩ, như tiếp thêm sức mạnh cho mỗi người để chiến thắng...
* HS có thể mở rộng và nâng cao bằng việc giới thiệu một số bài thơ khác có cùng chủ đề viết về bà, về mẹ ...
3. Kết bài:
- Khẳng định lại nội dung bài thơ: Bài thơ Tiếng gà trưa đã gọi về những kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ và tình bà cháu. Tình cảm đẹp đẽ và thiêng liêng ấy đã làm sâu sắc thêm tình yêu quê hương đất nước.
- Học sinh có thể tự liên hệ bản thân, nêu cảm nghĩ về tình cảm gia đình - nguồn sức mạnh cho mỗi người chúng ta trong cuộc sống hôm nay, có thể mở rộng và nâng cao qua một số tác phẩm văn học khác nói về tình cảm gia đình...
Đề thi học sinh giỏi môn Văn lớp 7, 8 năm học 2016 - 2017 giúp các em tham khảo. Ảnh minh họa
Đề thi học sinh giỏi cấp huyện môn Văn lớp 8:
Câu 1: (8,0 điểm)
HỎI
Tôi hỏi đất: Đất sống với đất như thế nào?
- Chúng tôi tôn cao nhau.
Tôi hỏi nước: Nước sống với nước như thế nào?
- Chúng tôi làm đầy nhau.
Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với cỏ như thế nào?
- Chúng tôi đan vào nhau
Làm nên những chân trời.
Tôi hỏi người: Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người: Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người: Người sống với người như thế nào?
Trích trong tập thơ Thư mùa đông - Hữu Thỉnh
Trình bày những bài học về lối sống đẹp cho mình, cho mọi người mà em học được từ bài thơ trên bằng một bài văn nghị luận ngắn.
Câu 2: (12,0 điểm)
ĐI ĐƯỜNG
Đi đường mới biết gian lao,
Núi cao rồi lại núi cao trập trùng;
Núi cao lên đến tận cùng,
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non.
(Bản dịch thơ của Nam Trân) - Hồ Chí Minh, Nhật kí trong tù - Sách Ngữ văn 8, tập hai - Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 2016
Bằng việc phân tích bài thơ Đi đường, em hãy làm sáng tỏ ý nghĩa tư tưởng sâu sắc: Từ việc đi đường núi đã gợi ra chân lí đường đời, đường cách mạng của người chiến sĩ cộng sản kiên cường.
Hướng dẫn làm bài:
Câu 1: +) Trình bày những bài học về lối sống đẹp cho mình, cho mọi người mà em học được từ bài thơ trên bằng một bài văn nghị luận ngắn.
+) Bài học về lối sống đẹp cho mình, cho mọi người:
- "Chúng tôi tôn cao nhau": tinh thần vị tha, biết đặt lợi ích của mợi người lên trên lợi ích của mình, thậm chí phải hi sinh thầm lặng.
- "Chúng tôi làm đầy nhau": tinh thần rộng lượng biết "cho đi", biết "làm đầy" và hoàn thiện đồng loại, hoàn thiện những gì mà người khác còn thiếu về kiến thức, nhân cách...
- "Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời": tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giữa người với người.
- Khẳng định: Đây những bài học về lối sống đẹp, vượt ra khỏi chủ nghĩa cá nhân, ích kỉ, hẹp hòi, đố kị, bon chen, hướng tới sự khoan dung độ lượng, biết ước mơ, vươn tới, biết hòa nhập cộng đồng, cống hiến cho xã hội góp phần làm đẹp cuộc sống...
- Ngợi ca, khẳng định, biểu dương lối sống đẹp cho cả cộng đồng, đồng thời biết phê phán lối sống vị kỉ, thờ ơ, vô cảm, vô trách nhiệm, thực dụng, cơ hội, cá nhân... trong một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Câu 2: Bằng việc phân tích bài thơ Đi đường, em hãy làm sáng tỏ ý nghĩa tư tưởng sâu sắc: từ việc đi đường núi đã gợi ra chân lí đường đời, đường cách mạng của người chiến sĩ cộng sản kiên cường.
1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về hoàn cảnh ra đời của tập thơ.
- Giới thiệu bài thơ "Đi đường" (Tẩu lộ).
2. Thân bài:
* Việc đi đường thật khó khăn, gian khổ - nhất là với người đi đường núi. Câu thơ đơn sơ nhưng chứa đựng sự suy ngẫm có ý nghĩa khái quát sâu sắc, vượt ra ngoài sự đi đường thông thường:
- Vượt qua hết lớp núi này lại đến lớp núi khác cao hơn, khó khăn hơn
- Mọi sự gian lao vất và như đã lùi lại phía sau khi người đi đường lên tới đỉnh cao nhất...
- Lên tới đỉnh cao chót là lúc gian lao nhất nhưng đồng thời cũng là lúc đã vượt qua mọi khó khăn. Nỗi gian lao của người đi đường núi dù có chồng chất nhưng không phải là vô tận. Con người có quyết tâm sẽ vượt qua, sẽ chiến thắng.
- Người đi đường gian lao, vất vả bỗng trở thành người du khách ung dung say đắm trước phong cảnh đẹp. Con đường núi gian lao, hiểm trở trong bài thơ gợi ra hình ảnh con đường cách mạng; hình ảnh con người ung dung thu muôn dặm nước non vào tầm mắt là hình ảnh người chiến sĩ đứng trên đỉnh cao chiến thắng ...
* Ý nghĩa tư tưởng sâu sắc được rút ra là: Trải qua chặng đường dài gian lao thì sẽ tới đích, càng gần đích, càng gần thắng lợi thì càng nhiều gian lao. Con người có nghị lực, có quyết tâm vượt khó sẽ giành được thắng lợi vẻ vang. Đó cũng chính là bài học đường đời, đường cách mạng mà bài thơ đã gợi ra ...
3. Kết bài:
- Khẳng định lại ý nghĩa tư tưởng sâu sắc của bài thơ: từ việc đi đường núi đã gợi ra chân lí đường đời, đường cách mạng.
- Khẳng định con đường cách mạng lâu dài, gian khổ nhưng nếu kiên trì, bến chí thì nhất định thắng lợi hoàn toàn - đó cũng chính là chân lí mà Bác Hồ đã chỉ ra cho chúng ta...