Đề nghị hủy quyết định của Bộ trưởng Giáo dục đối với ông Hoàng Xuân Quế
Bà Nguyễn Thị Hường – Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội giữ quyền công tố tiếp tục khẳng định quan điểm này tại phiên toà ngày 10/12/2018.
Tại phiên tòa ngày 17/10/2016, ông Đỗ Hoàng Tân - Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội đã đề nghị Tòa tuyên hủy quyết định 4674 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thu hồi bằng Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế.
Và tại phiên Tòa vừa được mở lại vào ngày 10/12/2018, một lần nữa, bà Nguyễn Thị Hường (người được cử thay thế ông Đỗ Hoàng Tân) tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán như trên.
Chuyện xảy ra vào năm 2013, khi đang sắp xếp cán bộ lãnh đạo nhiệm kỳ 2013-2018 và cũng là giai đoạn phức tạp nhất, mất đoàn kết nội bộ nhất trong lịch sử 60 năm phát triển của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
Ông Hoàng Xuân Quế, tác giả của luận án tiến sĩ đề tài “Giải pháp hoàn thiện các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ ở Việt Nam” mà ông đã bảo vệ cách đấy 10 năm (2003), bị tố cáo đã “đạo văn”.
Điều bi hài là người tố cáo ông Quế là ông Nguyễn Văn Nam, cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (từ 2008-2013), cũng chính là chủ tịch 3 hội đồng chấm luận án của ông Hoàng Xuân Quế trước đây (bao gồm Hội đồng chấm chuyên đề luận án, Hội đồng chấm luận án cấp cơ cở và Hội đồng chấm luận án cấp nhà nước).
Ông Nam đã từng có những nhận xét, đánh giá rất cao về chất lượng đề tài nghiên cứu cũng như khẳng định tính không trùng lắp. Luận án được ông Hoàng Xuân Quế bảo vệ thành công vào tháng 10/2003 với kết quả xuất sắc với số phiếu 7/7.
Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội tiếp tục mở phiên xét xử vụ án ông Hoàng Xuân Quế khởi kiện quyết định 4674 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. ảnh: DL.
Các quyết định được Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện gấp gáp, dồn dập
Ngày 19/9/2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định 133/QĐ-TTr, thành lập tổ xác minh đơn tố cáo đối với ông Hoàng Xuân Quế.
Ngày 02/10/2013, ông Quế được tổ Xác minh mời lên để nghe dự thảo kết luận xác minh. Tại đây, ông Quế đã phản đối gần như toàn bộ nội dung bản dự thảo kết luận vì cho rằng sai sự thật. Tổ xác minh đã không trả lời được các câu hỏi mà ông Quế đưa ra và chủ yếu là vòng vo và nói rằng, đây chỉ mới là dự thảo.
Ngày 03/10/2013, ông Hoàng Xuân Quế nộp đơn phản đối dự thảo kết luận xác minh cho tổ xác minh, đề nghị cần xác minh tiếp để tìm ra sự thật. Ông Bằng và bà Phụng (đại diện tổ xác minh) nói rằng, sẽ báo cáo Bộ trưởng về vấn đề này.
Tuy nhiên, 10h đêm 04/10/2013, trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng tải ngay kết luận 1254/KL-BGDDT do ông Bùi Văn Ga ký cùng ngày. Và ngày 05/10/2013 ( là ngày thứ 7, ngày nghỉ) nhưng vẫn có người mang kết luận nói trên ra Bưu điện để gửi về cho ông Hoàng Xuân Quế( theo dấu bưu điện)?!
Ngày 07/10/2013, ông Hoàng Xuân Quế có đơn khiếu nại khẩn cấp gửi đến ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để khiếu nại về kết luận 1254/ KL-BG&ĐT
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã không xử lý đơn khiếu nại của ông Hoàng Xuân Quế mà ngay lập tức dựa vào kết luận 1254 để ban hành quyết định 4674/QĐ-BGDDT vào ngày 11/10/2013, quyết định thu hồi bằng tiến sĩ của ông Quế.
Sau đó, ông Hoàng Xuân Quế đã nộp đơn khởi kiện và được Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội chấp nhận thụ lý.
Các nhà khoa học lên tiếng phản đối
Liên quan tới vụ việc này, rất nhiều nhà khoa học, chuyên gia trong ngành kinh tế đã có công văn phản đối gửi đến Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để phản ứng với quyết định này của Bộ.
Tiến sĩ Dương Thu Hương – nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, người vừa là giáo viên hướng dẫn chính cho Nghiên cứu sinh Mai Thanh Quế, vừa là phản biện kín luận án của Nghiên cứu sinh Hoàng Xuân Quế đã gửi văn bản tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nói rõ: “Tôi là phản biện kín của luận án, và đây là lĩnh vực thuộc chuyên môn sâu của tôi nên tôi đã đọc rất kỹ bản luận án này và đã có nhận xét, đánh giá tốt về chất lượng luận án… Khi đọc kỹ bản luận án của anh Hoàng Xuân Quế để phản biện, tôi không thấy có sự trùng lặp, sao chép giữa hai luận án…”.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Văn Hưng - nguyên Vụ trưởng kho bạc nhà nước, là giáo viên hướng dẫn của Nghiên cứu sinh Hoàng Xuân Quế đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Chúng tôi kịch liệt phản đối quyết định 4674 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bên cạnh đó còn một loạt nhà khoa học khác đã lên tiếng phản đối quyết định 4674/QĐ – BGD&ĐT và cách làm việc tắc trách của Bộ, trong đó có: Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt - nguyên Vụ trưởng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nguyên Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng, ủy viên hội đồng chấm luận án Tiến sĩ cấp Nhà nước của nghiên cứu sinh Hoàng Xuân Quế;
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Lê Đình Hợp, nguyên vụ trưởng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Ngân hàng (là phản biện luận án Tiến sĩ cấp Nhà nước của nghiên cứu sinh Hoàng Xuân Quế);
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Phan Duy Minh, nguyên Trưởng khoa Sau đại học của Học viện Tài chính, là phản biện luận án Tiến sĩ cấp Nhà nước của nghiên cứu sinh Hoàng Xuân Quế; Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đình Hương, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế & Ngân sách Quốc hội;
Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học Lê Du Phong, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân; Giáo sư-Tiến sĩ Khoa học Đinh Văn Tiến – nguyên Phó Giám đốc Học viện Hành chính Chính trị Quốc gia…
Xét xử
Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử từ 07/10 đến 17/10/2016. Tại phiên tòa này, sau khi kết thúc phần tranh tụng, Viên Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội đã trình bày quan điểm: Chấp nhận một phần đơn khởi kiện của ông Hoàng Xuân Quế. Đề nghị hủy bỏ quyết định 4674/ QĐ-BGD&ĐT, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Hoàng Xuân Quế. (do ông Quế đã rút phần yêu cầu bồi thường so với đơn khởi kiện).
Tại phiên tòa vừa mở lại ngày 10/12/2018, các bên trình bày ý kiến tranh tụng và không có tình tiết nào mới. Đại diện Viện kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội do kiểm sát viên Nguyễn Thị Hường công bố quan điểm của Viện kiểm sát một lần nữa khẳng định quan điểm xuyên suốt: Đề nghị Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội hủy quyết định số 4674 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hội đồng xét xử nghị án, sau đó tuyên bố tiếp tục tạm dừng phiên xét xử để triệu tập đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo và sẽ mở lại vào ngày 14/12/2018.
Ngay từ phiên tòa năm 2016, Luật sư Trần Hồng Phúc (Công ty luật Nguyễn Chiến – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) đã đưa ra nhiều bằng chứng thuyết phục minh chứng đủ cơ sở để hủy quyết định số 4674 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng, có nhiều dấu hiệu “vô pháp” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đó là vi phạm thời hiệu khiếu nại, tố cáo về luận án bởi lẽ liên quan đến khiếu nại, tố cáo về luận án và bảo vệ luận án tại Điều 28 Quy chế đào tạo sau đại học (ban hành kèm theo quyết định số 18/2000/QĐ-BGD&ĐT ngày 08/6/2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo).
Việc ông Chủ tịch Hội đồng chấm luận án lại tố cáo nghiên cứu sinh, đồng nghĩa với việc tố cáo lại chính kết quả chấm luận án của cá nhân mình và của tập thể Hội đồng chấm luận án đã hết thời hiệu nên việc Bộ Giáo dục và đào tạo giải quyết tố cáo và ban hành kết luận 1254 ngày 4/10/2013 là trái với quy định của pháp luật.
Luật sư cho rằng việc Bộ trưởng đã chỉ đạo Hội đồng chức danh giáo sư ngành kinh tế xác minh luận án Tiến sĩ của ông Hoàng Xuân Quế là không hợp pháp vì không có bất kỳ quy định nào cho phép Hội đồng này được xác minh, thẩm định nội dung luận án của nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công và được cấp bằng tiến sĩ.
Điều đáng đề cập lớn nhất là các quyển luận án Tiến sĩ mang tên Hoàng Xuân Quế do Bộ Giáo dục và Đào tạo thu thập đều không đảm bảo tính truy nguyên nguồn gốc. Đồng thời các quyển luận án tại thư viện là những tài liệu phục vụ bạn đọc chứ không phải là nơi lưu giữ hồ sơ gốc của nghiên cứu sinh, nên không có cơ sở để xem xét.
Đối với bản lưu tại Thư Viện Quốc gia, chỉ là bản photocopy, không có chữ ký của nghiên cứu sinh, không có các tài liệu đính kèm bắt buộc. Trong khi Thư viện quốc gia đã nhận đủ các tài liệu này và đã cấp giấy biên nhận danh mục tài liệu đã nhận cho ông Hoàng Xuân Quế để mang về nộp cho Bộ và hiện nay biên lai đó Bộ vẫn còn lưu?!
Việc ông Hoàng Xuân Quế phủ nhận quyển luận án đó không phải của ông, đã bị đánh tráo là nghi ngờ hợp lý và có cơ sở.
Đối với quyển luận án lưu tại cơ sở đạo tạo nghiên cứu sinh là Trường Đại học Kinh tế quốc dân, khi nộp ông Quế ký vào Sổ Thư viện nhưng cũng rất lạ lùng là kết quả xác minh cho thấy Sổ thư viện bị mất; quyển luận án cũng chỉ là quyển photocopy không có chữ ký của nghiên cứu sinh hay dấu hiệu nào đặc định làm cơ sở xác định đó là quyển luận án của ông Hoàng Xuân Quế.
Đối với quyển luận án do Bộ thu thập tại thư viện Đại học khoa học tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, ông Quế cũng phủ nhận vì cuốn này không có chữ ký của tác giả hay có dấu hiệu đặc trưng để khẳng định đó là của ông Hoàng Xuân Quế.
Mặt khác, theo quy định thì thư viện Đại học Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh chỉ lưu giữ các quyển luận án có địa bàn từ Bình Định trở vào để phục vụ bạn đọc, còn ông Quế thì lại ở Hà Nội.
Ông Quế quan tâm tới 02 quyển luận án nộp cho Bộ trước khi bảo vệ (để được thành lập hội đồng) và sau khi bảo vệ (để được cấp bằng). Nhiều lần ông Quế yêu cầu Bộ cung cấp quyển luận án của ông do Bộ lưu trong hồ sơ Nghiên cứu sinh tại Bộ để so sánh với quyển luận án của ông Mai Thanh Quế cũng phải lưu tại Bộ thì mới đảm bảo khách quan.
Tuy nhiên, ban đầu thì Bộ nói là kho nhiều quá, không tìm được, sau lại nói là đã chuyển vào thư viện Đại học Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh? Trong khi quyển luận án của ông Mai Thanh Quế (bảo vệ trước ông Hoàng Xuân Quế 9 tháng) thì vẫn còn lưu tại Bộ?
Điều đáng nói là cả 03 quyển luận án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp cho Tòa án lại khác nhau về số trang, dàn chương. Tại phiên tòa, phía Bộ thừa nhận 03 quyển luận án nêu trên không đồng nhất.
Từ căn cứ trên, Luật sư Trần Hồng Phúc khẳng định: “Như vậy, không có cơ sở nào để chứng minh quyển luận án nào của ông Hoàng Xuân Quế, rõ ràng có dấu hiệu không minh bạch ở đây”.
Luật sư Trần Hồng Phúc nói rằng, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có cách hành xử trung thực, khách quan , văn minh và đúng pháp luật. Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử kiến nghị Bộ giáo dục và đào tạo về công tác quản lý nhà nước đối với trách nhiệm lưu trữ luận án của nghiên cứu sinh bảo vệ thành công, đã được cấp bằng tiến sĩ vì hồ sơ Tiến sĩ thuộc diện lưu giữ vĩnh viễn.
Đông đảo dư luận đang trông chờ vào sự phán quyết công tâm, khách quan của cơ quan pháp luật.