Đầu tư nghìn tỷ, mía đường Sơn La ‘sống dở chết dở’ vì đường lậu
Cty cổ phần mía đường Sơn La cho biết, từ năm 2017, đơn vị này đầu tư gần 1.000 tỷ đồng nâng cấp máy móc, song đang lâm vào cảnh sống dở chết dở vì đường lậu.
Đường lậu oanh tạc khiến mía đường Sơn La tồn kho 40.000 tấn.
Ngồi phe phẩy cái quạt bên hiên căn nhà sàn trị giá hơn 2 tỷ, chị Lò Thị Quyết (dân tộc Thái) ở bản Nong Te, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La cho biết, ngoài trồng mía ra thì gia đình chị không trồng thêm cây gì khác vì mía dễ trồng, ít phải chăm sóc, đầu ra lại có Nhà máy chế biến mía đường Sơn La bao tiêu.
Thế nhưng điều chị lo sợ nhất hiện nay là Nhà máy chế biến mía đường Sơn La có thể không còn tiếp tục bao tiêu sản phẩm cho nông dân bản chị nữa. Từ 2016, nguồn thu từ mía ở bản Nong Te đã giảm dần do giá đường xuống thấp. Có vụ, nhà máy còn chậm trả tiền mía.
Chị Quyết tâm sự, bắt đầu từ vụ mùa 2016 đền nay, nguồn thu từ cây mía trên địa bàn bắt đầu kém hơn. Giá mía nhà máy thu mua giảm sút, nguồn thu nhập của nông dân cũng vì vậy mà giảm xuống đáng kể. Thậm chí, có vụ mùa nhà máy còn trả chậm tiền thu mua mía của người dân.
“Tôi không biết bản tôi có làm gì sai lầm với Nhà máy mía đường Sơn La không mà mấy năm trở lại đây giá mía liên tục giảm xuống thấp. Nếu cứ thế này chắc gia đình tôi phải tính chuyển sang trồng loại cây khác”, chị Quyết nói.
Chị Lò Thị Quyết đang cho trâu ăn.
Trước đó, nhờ vào trồng mía mà gia đình chị Quyết đã xây được căn nhà sàn đẹp lộng lẫy, trị giá hơn 2 tỷ đồng. Nhưng vài năm trở lại đây, giá mía liên tục giảm xuống thấp khiến thu nhập của gia đình chị cũng như những hộ trồng mía khác tại bản Nong Te giảm sút đáng kể.
Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nhà máy chế biến đường, Cty cổ phần mía đường Sơn La cho biết, từ năm 2017, đơn vị này đầu tư gần 1.000 tỷ đồng nâng cấp máy móc, song đang lâm vào cảnh sống dở chết dở vì đường lậu. “Chúng tôi đang tồn kho 40.000 tấn đường thành phẩm, giá trị ước tính 500 tỷ đồng. Nếu cứ tiếp tục thế này có lẽ nhà máy không còn hoạt động được bao lâu nữa”, ông Tài nói.
Lượng đường tồn kho tại nhà máy mía đường Sơn La là 40.000 tấn, trị giá khoảng 500 tỷ.
Ông Tài cho biết thêm, mặc dù hiện nay giá mía mà Công ty thu mua của nông dân là 800.000 đồng/tấn, người dân vẫn lãi 100.000 - 200.0000 đồng/tấn, đồng thời là mức giá cao nhất nước, nhưng trong ba năm trở lại đây giá thu mua mía liên tục giảm từ 950.000 đồng/tấn (2016 - 2017) xuống 900.000 đồng/tấn (2017 - 2018) và niên vụ năm nay chỉ còn 800.000 đồng/tấn.
"Giá thu mua mía tại ruộng là 800.000 đồng/tấn, cộng thêm các chi phí vận chuyển về đến nhà máy, bốc vác... tổng cộng là 900.000 đồng/tấn. Nếu giá đường vẫn giữ ở mức thấp như hiện nay mà không quản lí tốt, Mía đường Sơn La sẽ lỗ chứ chưa dám nói là hòa vốn.”, ông Tài nói.
Theo Báo cáo Tài chính quý III năm tài chính 2018 - 2019, giá bán đường trung bình bán ra của Mía đường Sơn La gần 9.500 đồng/kg, giảm 19% so với cùng kì năm tài chính trước. Như vậy, nếu so với chi phí sản xuất một kg đường là khoảng 10.000 đồng/kg, Công ty đang phải bán lỗ 500 đồng/kg đường.
Ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Nhà máy chế biến đường, Cty cổ phần mía đường Sơn La.
Cũng theo ông Tài, việc tồn kho lớn như hiện nay cũng ảnh hưởng lớn đến nông dân. Vì nhà máy không tiêu thụ được thì lấy đâu ra tiền để trả cho người trồng mía. Nguyên nhân khó khăn kéo dài trong ba năm qua là do đường nhập lậu tràn vào nhiều, gây áp lực lên giá đường trong nước.
Bên cạnh đó, có hiện tượng gian lận thương mại tạm nhập đường nhưng không tái xuất mà tiêu thụ ngay trong thị trường nội địa.
Xác nhận điều này, ông Hà Văn Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết cả huyện có 6000 ha mía, chiếm hơn 50% diện tích cây công nghiệp. “Doanh nghiệp, chính quyền lo sợ diện tích cây mía bị thu hẹp. Người nông dân thì hoang mang, trăn trở trước đầu ra của doanh nghiệp sản xuất mía đường. Khi lợi ích của họ liên kết với nhau thì khó khăn của ngành mía đường cũng chính là khó khăn của người nông dân”, ông Bình cho biết.