Đau lòng mẹ bán con: Bất chấp tình mẫu tử, giá trị đạo đức
Đường dây mua bán trẻ sơ sinh vừa được phá đã hé lộ nhiều câu chuyện đau lòng trong đó có việc những người mẹ vì đồng tiền đã bất chấp giá trị đạo đức dân tộc, tình mẫu tử thiêng liêng để bán con.
Phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh "khủng"
Mới đây, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) đã phối hợp cùng Công an Hà Nội và Cao Bằng triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh với quy mô cực lớn, ở nhiều tỉnh thành trên cả nước để bán sang Trung Quốc. Bước đầu cơ quan công an đã bắt giữ hàng loạt đối tượng liên quan.
Đêm 25/2, các mũi trinh sát của Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an huyện Thanh Trì (Hà Nội) và Phòng hình sự Công an tỉnh Cao Bằng đồng loạt ập vào kiểm tra các địa điểm mà các đối tượng môi giới đang thuê nhà để chăm nuôi các đứa trẻ sơ sinh trước khi đem bán sang Trung Quốc.
Các đối tượng trong đường dây mua bán trẻ sơ sinh bị bắt giữ.
Lực lượng chức năng đã giải cứu kịp thời 3 trẻ sơ sinh đang trên đường đi bán sang Trung Quốc. Ngoài xác định 4 người phụ nữ có hành vi bán con, cảnh sát còn phát hiện 1 phụ nữ mang bầu tháng thứ 8 và hai người khác sắp sinh con song đã được đưa sang Trung Quốc.
Cục Cảnh sát hình sự xác định đường dây phạm pháp có sự cấu kết, tham gia của nhiều người trong và ngoài nước.Cơ quan chức năng đã bàn giao các nạn nhân cho Trung tâm phụ nữ và phát triển thuộc Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam chăm sóc.
Đau lòng những người mẹ tham gia mua bán trẻ em
Liên quan vụ việc, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) nhận định, thực tế thời gian qua, tội phạm mua bán người đang có chiều hướng phức tạp, đặc biệt là nạn mua trẻ em đang đang gây bức xúc trong dư luận xã hội nước ta hiện nay.
"Hành vi này không chỉ xâm hại đến quyền trẻ em mà còn tác động xấu đến đạo đức, thuần phong mỹ tục và ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình an ninh, trật tự của đất nước ta", Luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, trẻ em là đối tượng đặc biệt được pháp luật trong nước và quốc tế bảo vệ. Mọi hành vi xâm hại quyền trẻ em sẽ bị xử lý nghiêm minh. Luật phòng, chống mua bán người 2012, Luật trẻ em 2016 đã nghiêm cấm hành vi bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em,..
Xét hành vi của các đối tượng trong vụ án này đã có sự cấu kết chặt chẽ, tham gia của nhiều người trong và ngoài nước mua bán trẻ sơ sinh nhiều lần qua biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã cấu thành tội mua bán người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 151 Bộ luật Hình sự.
Lực lượng chức năng đã tiến hành giải cứu kịp thời nhiều trẻ sơ sinh đang trên đường đi bán sang Trung Quốc.
Theo thông tin ban đầu, Cơ quan điều tra đã giải cứu 3 trẻ sơ sinh khi nhóm nghi phạm chưa kịp bán các nạn nhân ra nước ngoài và làm rõ nhiều cháu khác đã bị bán sang Trung Quốc.
"Nếu có căn cứ xác định nhóm các đối tượng đã có hành vi mua bán 06 cháu bé trở lên thì sẽ phải đối mặt với hình phạt cao nhất tù Chung thân theo quy định tại điểm e, khoản 3 Điều 151 Bộ luật hình sự", luật sư Thơm nhận định.
Đối với hành vi của những người phụ nữ là mẹ các cháu bé, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhận thức pháp luật hạn chế không có điều kiện nuôi con nên đã cho các đối tượng nhận làm con nuôi và yêu cầu bồi dưỡng một số tiền nhất định sẽ không đồng phạm tội mua bán người dưới 16 tuổi là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Suy cho cùng họ bước đường cùng mới cho con mình vừa sinh ra và ở góc độ xã hội họ cũng là nạn nhân. Những người phụ nữ này vừa đáng trách, vừa đáng thương bởi họ chỉ nghĩ cho con để có thêm thu nhập và trang trải cuộc sống khó khăn của gia đình. Họ không ý thức được việc làm này đi ngược lại các giá trị đạo đức dân tộc; tình mẫu tử thiêng liêng;…
Theo chuyên gia pháp lý này, Việt Nam được xem là điểm nóng của tình trạng mua bán người trong khu vực các nước tiểu vùng sông Mekong. Do đó việc xử lý nghiêm các đối tượng mua bán trẻ em là yêu cầu rất cấp thiết trong tình hình hiện nay không chỉ nhằm trừng trị các đối tượng mà còn là sự cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa các đối tượng đã và đang thực hiện hành vi mua bán trẻ em qua biên giới.
Điều 151. Tội mua bán người dưới 16 tuổi 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm: a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo; b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; b) Lợi dụng hoạt động cho, nhận con nuôi để phạm tội; c) Đối với từ 02 người đến 05 người; d) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; e) Phạm tội 02 lần trở lên; g) Vì động cơ đê hèn; h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân; đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát; e) Đối với 06 người trở lên; g) Tái phạm nguy hiểm. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. |