Dấu hiệu 'báo động' huyết áp của bạn đang ở mức nguy hiểm

02-10-2020 16:20:21

Triệu chứng tăng huyết áp thường diễn biến thầm lặng, ít khi biểu hiện rõ ràng nhưng những biến chứng mà gây ra thì rất nặng nề.

Tăng huyết áp là gì?

Tăng huyết áp (cao huyết áp), là một bệnh lý phổ biến khi mà áp lực máu tác động lên thành mạch quá cao. Nếu mức huyết áp này tăng cao trong thời gian dài, có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác, thậm chí là biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Cao huyết áp là căn nguyên chủ yếu gây ra các biến chứng như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy thận... khiến cho hàng trăm nghìn người bị tàn phế hoặc mất đi khả năng lao động mỗi năm. Các biến cố tim mạch này đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu tại Việt Nam.

Theo báo cáo thống kê của Hội Tim mạch Việt Nam, cả nước hiện có 25% dân số đang có triệu chứng tăng huyết áp và mắc bệnh tim mạch. Đặc biệt, trong các năm trở lại đây, bệnh lý tăng huyết áp đang có chiều hướng trẻ hóa, trong đó rất nhiều đối tượng mắc bệnh đang còn trong độ tuổi lao động.

Cao huyết áp có nhiều loại, bao gồm: Cao huyết áp vô căn hay còn gọi là cao huyết áp tự phát (đây là loại thường gặp nhất), tăng huyết áp thứ phát, cao tăng huyết áp tâm thu, cao huyết áp thai kỳ (ở phụ nữ mang thai).Các biểu hiện của của huyết áp cao.

Triệu chứng bệnh tăng huyết áp

Triệu chứng tăng huyết áp thường diễn biến thầm lặng, ít khi biểu hiện rõ ràng nhưng những biến chứng mà gây ra thì rất nặng nề. Nhiều người khi đi khám một bệnh khác hoặc khám định kỳ mới phát hiện cao huyết áp, trong khi trước đó không hề nhận thấy bất kỳ dấu hiệu tăng huyết áp nào.

Theo Viện Tim Texas (Mỹ), một trong những triệu chứng phổ biến nhất của huyết áp cao là mạch đập thình thịch. Một số bệnh nhân có thể cảm thấy tiếng đập này lan lên đầu và cảm thấy đau đầu thực sự.

Trong một số trường hợp, người cao huyết áp có thể thấy mạch đập thình thịch ở đầu hoặc ngực, cảm giác choáng váng hoặc chóng mặt hoặc các dấu hiệu khác như: nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai, mất ngủ nhẹ,... 

Một số bệnh nhân tăng huyết áp khác có biểu hiện tăng huyết áp dữ dội hơn, chẳng hạn như đau nhói vùng tim, suy giảm thị lực, thở gấp, mặt đỏ bừng, da tái xanh, nôn ói, hồi hộp, đánh trống ngực, hốt hoảng.

Cách điều trị và phòng ngừa bệnh tăng huyết áp

Huyết áp tăng quá cao có thể dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ, suy thận và các vấn đề về mắt. Trong đó, đột quỵ là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của cao huyết áp. Theo nghiên cứu của Viện Tim mạch Quốc gia, cứ 10 người bị đột quỵ lần đầu thì hết 8 người mắc bệnh cao huyết áp. Vì vậy, kiểm soát huyết áp là điều vô cùng quan trọng giúp đề phòng đột quỵ.

Mục tiêu điều trị tăng huyết áp là giữ cho huyết áp của bệnh nhân ổn định, thường ở mức dưới 140/90 mmHg. Nếu thuộc nhóm đối tượng có kèm các bệnh lý khác như tiểu đường hoặc bệnh thận mãn tính, bác sĩ sẽ thiết lập mức huyết áp mục tiêu thấp hơn nữa (có thể dưới 130/80 mmHg). 

Cao huyết áp có thể được chữa trị bằng cách thay đổi lối sống, bằng cách dùng thuốc trị tăng huyết áp hoặc phải kết hợp cả hai. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh cao huyết áp, thể trạng bệnh nhân và các bệnh lý kèm theo mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp phù hợp. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là điều trị không dùng thuốc và tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ.

Do đó, nếu có bất kỳ triệu chứng nào của huyết áp quá cao kể trên, hãy đi khám ngay lập tức. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo mọi người nên kiểm tra huyết áp hằng năm để phát hiện và có phương pháp điều trị sớm.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //