Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tiết lộ Lê Công Tuấn Anh thực chất đã chuẩn bị cho ngày chết của mình
Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần mới đây đã tiết lộ những câu chuyện xung quanh cuộc đời của cố tài tử Lê Công Tuấn Anh khiến nhiều người xúc động.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần là một trong 2 vị đạo diễn đầu tiên của Việt Nam bắt tay vào làm phim video. Tuy nhiên tên tuổi của ông gắn liền với nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng như: Ma làng, Bản tình ca trong đêm, Mộ gió, Giọt lệ Hạ Long, Lẽ nào anh lại quên, Mảnh đời của huê, Ngọt ngào và man trá, Đất và người, Gió làng kình... Liên tiếp các năm 2003, 2009, 2008, ông đều giành giải thưởng Cánh Diều Vàng Việt Nam cho Đạo diễn xuất sắc nhất - Phim truyền hình dài tập.
Đạo diễn, NSND Nguyễn Hữu Phần có dịp hợp tác với cố tài tử Lê Công Tuấn Anh khi bắt tay vào dự án điện ảnh về Trịnh Công Sơn “Em còn nhớ hay em đã quên”. Nhớ lại câu chuyện buồn của Lê Công Tuấn Anh, ông cho biết trong ký ức của ông Lê Công Tuấn Anh là diễn viên tuyệt vời, kể cả tài năng lẫn tính cách nhưng bên trong sâu thẳm là người chất chứa nhiều nỗi niềm và rất cô đơn.
Chia sẻ với báo Gia đình và xã hội, ông nói: "Lê Công Tuấn Anh rất hay tâm sự. Đức tính đó rất giống người miền Bắc. Văn hoá Bắc là chén trà còn trong Nam là nhậu. Sau mỗi cuộc nhậu như thế, cậu ta lại lủi thủi trở về nhà trong tình trạng say lướt khướt. Những lúc đó mà ở một mình mới thấy thấm sự trống trải, cô đơn kinh khủng. Vì thế nên khi ra Hà Nội cậu ấy vui lắm vì không phải sống theo thói quen cũ đó. Cậu ấy cũng thân với con trai tôi, hay đi cùng nhau, rồi được tâm sự khiến cậu ấy nhẹ người rất nhiều".
Theo đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, sở dĩ Lê Công Tuấn Anh luôn cảm thấy cô đơn có lẽ vì anh có tuổi thơ nhiều nỗi buồn. Từ nhỏ đã không được sống với mẹ, phải ở với dì ghẻ. Lên 8 tuổi thì bố mất nên cũng thiếu đi chỗ dựa. Anh bỏ nhà lên thành phố sống với người họ hàng. Được một thời gian lại bỏ đi lang thang phiêu bạt nhiều nơi dẫn đến phải vào trại giáo dưỡng. Ở 1-2 năm trong trại thì bà cô ruột ở TP HCM xin ra, dù nghèo nhưng vẫn nuôi cho anh ăn học trở lại. Anh học bổ túc văn hóa đến hết lớp 10 thì nghỉ để học nghề thợ hàn tại Trung tâm dạy nghề (quận 3).
Chia sẻ trên báo Dân Trí, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần vẫn nhớ những ký ức thật đẹp về một Lê Công Tuấn Anh giàu tình cảm nhưng lại rất cô đơn: “Lê Công Tuấn Anh là một người nghệ sĩ rất cô đơn. Trước khi thành diễn viên nổi tiếng, anh ấy là một đứa trẻ sống lang thang cho nên rất yêu cuộc sống tự do. Chẳng hạn, bỗng dưng gặp một người bạn cũ từng sống trong trung tâm dạy trẻ mồ côi là anh ấy có thể “ngút ngàn” mấy ngày với bạn. Đang ngồi uống cà phê mà thấy đứa trẻ đánh giày đi qua mời đánh là anh ấy ngồi bệt xuống lấy dụng cụ của thằng bé đánh xong đưa tiền cho nó. Gặp những đứa trẻ bụi đời anh ấy rất hay chia sẻ với chúng nó. Bởi tính cách đó nên người nào yêu anh cũng không dễ dàng gì để chịu đựng”.
Ngày Lê Công mất, cả showbiz như chấn động, hoang mang không ai hiểu lý do, nhiều người đỗ lỗi cho người mẫu Minh Anh vì đã từ chối tình cảm của anh, nhưng theo lời kể của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần thực ra anh đã chuẩn bị cho cái chết của mình, đó là hệ quả do trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời từ nhỏ cho đến khi trưởng thành, dẫn dến trầm cảm kéo dài.
Vị đạo diễn kể lại chi tiết chưa từng được tiết lộ trước đó là khi làm phim "Ngọt ngào và man trá", Lê Công khá thân với một cô diễn viên trong đoàn. Cả hai đã có người yêu nên chỉ coi nhau là bạn. Hôm chia tay đoàn làm phim, Lê Công rủ bạn đi uống bia để hôm sau vào Nam. Đang nhậu thì Lê Công nói: "Anh về Nam và vĩnh biệt em nhé!". Cô bạn ngạc nhiên rồi mắng bạn là nói linh tinh. Lê Công lấy nắp chai bia bảo chơi trò sấp ngửa, nếu ngửa thì gặp mà sấp thì anh không còn gặp em. Khi mở tay ra thì nắp bia sấp. Cô bạn hoảng sợ gạt đi, Lê Công lại khẳng định: "15 ngày nữa em sẽ biết". Tức là cậu ấy đã chuẩn bị cho ngày chết của mình. Đúng 15 ngày sau thì diễn ra sự kiện chấn động đó.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần ở lại Sài Gòn đến thời gian tổ chức đám tang và là người viết, đọc điếu văn trong đám tang.
Lê Công sinh ngày 2/2/1967, mất ngày 17/10/1996 khi chưa tròn 30 tuổi. Sự ra đi của anh được xác định do uống nhiều thuốc sốt rét trong tình trạng say khướt. Tái khám nghiệm hiện trường khi đó cơ quan chức năng thu thêm một số vỉ thuốc đã uống hết, hoặc đang uống dở, một số lá thư của người hâm mộ Lê Công Tuấn Anh vương vãi trên nền nhà. Nhưng đáng chú ý nhất là một tấm bìa cứng có chữ viết của Lê Công Tuấn Anh: "Phúc, điện thoại cho Minh Anh số… Cái bao xốp trắng đưa cho Minh Anh giùm anh nhé. Nói với Minh Anh tao yêu Minh Anh nhiều lắm". Cạnh đó là một tấm ảnh của người mẫu Minh Anh ở mặt sau Lê Công Tuấn Anh viết: "Anh yêu em nhất trên đời". Trong cuốn nhật ký của Lê Công Tuấn Anh (loại sổ tay công tác dày 200 trang bìa cứng) đã ghi vào trang đề ngày 15/10/1996 những dòng gần như trăn trối như sau: "…Nếu không đi đến được hôn nhân anh sẽ chết… Bao nhiêu thư từ của khán giả để hết vào quan tài. Còn 3 triệu đồng và đầu máy video bán đi để lấy tiền làm đám tang. Một số khác như tivi, cassette, dây chuyền thì cho một số người thân. Còn chiếc Phonelink có số trùng với ngày sinh của Minh Anh thì tặng lại Minh Anh làm kỷ niệm…". Cuối trang nhật ký Lê Công Tuấn Anh còn viết thêm: "Rất hạnh phúc và thanh thản ra đi…". Anh ra đi ở tuổi còn rất trẻ nhưng đã kịp để lại dấu ấn đậm nét cho điện ảnh. Ngoài vai Quang "Đông ki sốt" trong phim "Vị đắng tình yêu", Lê Công Tuấn Anh còn ghi ấn tượng ở một số vai diễn khác như: Vòng hoa Champey, Chuyện tình hồ than thở, Anh chỉ có mình em, Xác chết trên cao nguyên, Em còn nhớ hay em đã quên, Sao phượng còn buồn, Tình ngỡ đã phôi pha, Trong vòng tay chờ đợi, Vĩnh biệt Cali, Tuổi thơ dữ dội, Giọt đắng tình say, Cô thủ môn tội nghiệp,… Anh cũng nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá trong sự nghiệp diễn xuất của mình, nhưng đáng chú ý là: hai giải thưởng kép "nam diễn viên chính xuất sắc nhất" tại liên hoan phim Việt Nam lần thứ 10 vào năm 1993. Ngoài ra anh từng ba năm liên tiếp nhận giải Mai vàng - diễn viên được yêu thích nhất vào các năm 1993, 1994 và 1995. Bên lĩnh vực sân khấu, Lê Công Tuấn Anh cũng đã đoạt Huy chương vàng tại Hội diễn sân khấu toàn quốc đợt 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 1995 với vai Sỏi trong vở kịch "Bước qua lời nguyền". |