Đánh thuế 40% trà và cà phê để bảo vệ sức khỏe người dân?
Chuyên gia cho rằng hiện nay tại Việt Nam chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đánh vào đồ uống có đường nên cần có phương án áp thuế .
Tại hội thảo liên quan đến kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường do Bộ Y tế vừa tổ chức ngày 22-6, TS Guillermo Paraje, chuyên gia tư vấn ngắn hạn của Tổ chức Y tế Thế giới, cho rằng:
Hiện nay tại Việt Nam chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đánh vào đồ uống có đường, sản phẩm này chỉ chịu ảnh hưởng của thuế giá trị gia tăng 10%. Do vậy, TS Guillermo Paraje đưa ra bốn phương án áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường.
Phương án 1 là áp thuế 3.500 đồng/lít đồ uống có đường. Theo đó, giá sẽ tăng từ 14% (nước quả) tới 23% (trà và cà phê uống sẵn). Khi có thuế, tiêu thụ sản phẩm này sẽ giảm khoảng 864 triệu lít, số thuế thu được sẽ khoảng 12.090 tỉ đồng.
Phương án 2, áp thuế 35 đồng mỗi gam đường trong 100 ml. Khi đó giá sẽ tăng từ 10% (nước quả và nước thể thao) tới 25% (nước uống tăng lực); sức tiêu thụ sẽ giảm khoảng 880 triệu lít; thuế thu được khoảng 12.4000 tỉ đồng.
Phương án 3 là áp thuế 40% giá xuất xưởng, khi đó giá bán lẻ sẽ tăng khoảng 20%; tiêu thụ sẽ giảm 863 triệu lít; thuế thu được là 12.400 tỉ đồng.
Phương án 4 là áp thuế 10% giá xuất xưởng, giá tiêu thụ sẽ tăng khoảng 5%; tiêu thụ sẽ giảm 216 triệu lít; thuế thu được khoảng 3.690 tỉ đồng.
Muốn đánh thuế 40% cà phê, trà… vì lo cho sức khỏe của dân. Ảnh minh họa
Trước đó, hồi tháng 1 năm nay, trong bản góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều bộ ngành tiếp tục phản đối việc đánh thuế với các mặt hàng trà, cà phê uống liền... vì cho rằng những mặt hàng này không gây béo phì như lý do mà Bộ Tài chính vận dụng để đánh thuế nhằm định hướng tiêu dùng.
Theo đó, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho rằng việc đưa trà, cà phê uống liền vào nhóm mặt hàng đồ uống sẽ bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt là vô lý.
Lý do là muốn đánh thuế mặt hàng nào, cần phải xác định rõ mức độ hàm lượng đường là bao nhiêu để áp thuế TTĐB cho phù hợp.
Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, chưa có nghiên cứu nào đề cập đến sự lạm dụng trà, cà phê uống liền dẫn đến thừa cân, béo phì đưa đến tăng rủi ro bị các bệnh về tim mạch và tiểu đường ở VN, nhất là ở trẻ em - đối tượng vốn ít tiêu thụ sản phẩm này.
Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) cũng đề nghị chưa đánh thuế đối với nước ngọt cho đến khi có nghiên cứu đầy đủ hơn về tình trạng béo phì và hiệu quả của chính sách thuế đối với việc giảm béo phì tại VN.