Đăng ký quá nhiều nguyện vọng: Khó cho cả thí sinh lẫn nhà trường
Thông tin từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, đến hết thời điểm nộp hồ sơ đăng ký trực tiếp (ngày 11/5), đã có hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, lượng thí sinh vừa đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH,CĐ năm 2021 chiếm gần 75%.
Thí sinh Hà Nội dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Trung bình 1 thí sinh đăng ký 5 nguyện vọng
Cụ thể, trong số 1.014.972 thí sinh đăng ký dự thi, có gần 759.000 thí sinh đăng ký xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH,CĐ, chiếm tỉ lệ gần 75%; có hơn 222.000 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, chiếm gần 22%; gần 34.000 thí sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tuyển vào ĐH,CĐ chiếm hơn 3%. Tổng số thí sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhên chiếm gần 34%; số thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội chiếm hơn 53%.
Thống kê cũng cho thấy, tổng số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH,CĐ năm 2021 là hơn 3,5 triệu. Tính trung bình, mỗi thí sinh đăng ký 5 nguyện vọng để xét tuyển vào ĐH,CĐ. Tỉ lệ đăng ký nguyện vọng theo phương thức trực tuyến/trực tiếp là 50/50. Đây là năm đầu tiên Bộ GDĐT áp dụng việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH,CĐ bằng cả phương thức trực tuyến và trực tiếp. Thí sinh chỉ được chọn một trong hai phương thức.
Số liệu thống kê trên chưa phải số liệu cuối cùng, bởi theo quy định của Bộ GDĐT, thí sinh vẫn còn cơ hội đăng ký theo phương thức trực tuyến sẽ kéo dài đến 17 giờ ngày 16/5/2021.
Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT cho biết: Năm nay, mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều địa phương trong cả nước, nhưng với sự chuẩn bị kỹ càng và nhất là với tinh thần trách nhiệm cao, các thầy cô giáo, nhà trường đã hướng dẫn, hỗ trợ đầy đủ, kịp thời cho học sinh nên công tác đăng ký dự thi vẫn diễn ra thuận lợi, bảo đảm tiến độ.
Trong thời gian tới, các nhà trường tổ chức rà soát để bảo đảm độ chính xác của dữ liệu đăng ký dự thi. Bộ GDĐT sẽ cùng các địa phương tiếp tục phối hợp để xử lý các vấn đề phát sinh (nếu có) để bảo đảm quyền lợi cho học sinh.
Nhiều nguyện vọng cũng không tăng cơ hội trúng tuyển
Thống kê từ Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cũng cho thấy, kết thúc ngày đăng ký nguyện vọng cuối cùng theo hình thức trực tiếp, có thí sinh đăng ký 72 nguyện vọng, 80 nguyện vọng. Đặc biệt có thí sinh đăng ký nhiều nhất lên đến 99 nguyện vọng. So với những năm trước thì kỷ lục của năm nay đã vượt rất xa (những năm trước nhiều nhất là 50 nguyện vọng).
Theo phân tích từ các chuyên gia tuyển sinh, việc thí sinh đăng ký quá nhiều nguyện vọng với các ngành khác nhau vào các trường ĐH khác nhau là không cần thiết và không nên. Khi thí sinh đăng ký vào quá nhiều ngành khác nhau, sự tập trung vào ngành học, khối thi của thí sinh sẽ bị phân tán.
GS Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo (ĐHQG Hà Nội) cho rằng đó là việc không cần thiết. Theo ông Đức, các thí sinh còn có cơ hội 3 lần điều chỉnh sau khi biết kết quả thi THPT. Vì vậy, việc chọn ngay từ bây giờ quá nhiều nguyện vọng là thừa thãi, và cũng không làm tăng cơ hội trúng tuyển vào những ngành, trường mà thí sinh yêu thích.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải: Thí sinh cần hiểu rằng dù có đăng ký bao nhiêu nguyện vọng thì cũng chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng mà thôi. Việc đăng ký quá nhiều nguyện vọng, không chỉ ảnh hưởng đến vấn đề tài chính, mà vấn đề quan trọng hơn là gây tăng nguyện vọng ảo và khó khăn trong việc xây dựng các phương án xét tuyển của các trường và gián tiếp ảnh hưởng đến tâm lý của các thí sinh khi biết số lượng nguyện vọng đăng ký
TS Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG) Hà Nội chia sẻ, không nhất thiết phải đăng ký nhiều nguyện vọng như thế vì sẽ gây rối cho thí sinh. Ông cho rằng, chỉ nên đăng ký 5 nguyện vọng. Quan trọng là ở lần điều chỉnh nguyện vọng sau khi thí sinh thi xong. Vì lúc đó, thí sinh đã có điểm để lựa chọn.
Thí sinh có 3 lần điều chỉnh nguyện vọng
Dù hết hạn đăng ký dự thi trực tiếp, song học sinh vẫn còn cơ hội điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH,CĐ 2021 tối đa 3 lần, thay vì 1 lần như các năm trước. Đây là điểm mới rất đáng chú ý mà học sinh cần tận dụng để có cơ hội trúng tuyển ĐH,CĐ cao nhất.
Một điểm mới nữa trong quy định của Bộ GDĐT năm nay là học sinh có 2 phương thức đăng ký dự thi trực tiếp như mọi năm (bằng giấy) và trực tuyến. Tuy nhiên, các em chỉ được chọn một trong hai phương thức này. Đây là năm đầu tiên Bộ GDĐT tổ chức đăng ký xét tuyển ĐH,CĐ theo phương thức trực tuyến và nhận được sự đồng tình. Hầu hết học sinh lớp 12 đang học tại các trường THPT, trung tâm GDNN - GDTX tại Hà Nội và các thành phố lớn lựa chọn phương thức đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến.
Trước một số ý kiến băn khoăn về việc liệu các thí sinh có bị ảnh hưởng về quyền lợi khi đăng ký nguyện vọng bằng phương thức khác nhau (trực tiếp hoặc trực tuyến), thông tin từ Bộ GDĐT khẳng định, dù đăng ký nguyện vọng theo hình thức nào, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, các em vẫn được hưởng quyền lợi về số lần điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH,CĐ như nhau. Cụ thể, mỗi học sinh sẽ được điều chỉnh nguyện vọng tối đa 3 lần, trong khi các năm trước học sinh chỉ được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần.
Hơn 100 nghìn học sinh Hà Nội đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT Tại Hà Nội, theo ước tính của Sở GDĐT, năm nay có khoảng 103.000 học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, nhiều hơn năm trước 20.000 em. Nhằm hạn chế tối đa sai sót có thể ảnh hưởng đến nguyện vọng của học sinh, theo kế hoạch, từ ngày 12/5 đến ngày 15/5/2021, Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu các đơn vị, nhà trường tổ chức cho 100% học sinh kiểm tra thông tin đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH,CĐ năm 2021. Học sinh lưu ý bảo mật tài khoản (là số thẻ căn cước công dân hoặc số chứng minh thư nhân dân) và mật khẩu để đăng nhập vào hệ thống quản lý thi của Bộ GDĐT, tại địa chỉ http://thisinh.thitotnghiepthpt.edu.vn. Học sinh dùng tài khoản này đăng nhập vào hệ thống để tra cứu các thông tin đăng ký dự thi, kết quả thi, xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, xét tuyển vào ĐH,CĐ. Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ký Quyết định số 1982/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh năm học 2021-2022 và Quyết định số 1983/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp trung học phổ thông thành phố Hà Nội năm 2021. Theo Quyết định, Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng làm Trưởng ban. V.Cầm |